Ông Hoàng Như Cương, Bí thư đảng ủy, Phó Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, đã nộp đơn lên Chủ tịch UBND TP.HCM xin nghỉ việc. (Ảnh: I.T)
Trong một báo cáo gửi UBND TP.HCM vào tháng 11.2018, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM đã nêu ra hàng loạt khó khăn về nhân sự do hơn 50 nhân sự, bao gồm lãnh đạo phòng, ban, chuyên viên đã và đang tiếp tục xin nghỉ việc vì nhiều lý do khác nhau.
Theo ông Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, việc triển khai các tuyến đường sắt đô thị đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tình trạng thiếu nhân sự chủ chốt các phòng ban và cả lãnh đạo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP .HCM ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ.
Tính từ tháng 7.2016 đến tháng 11.2018 có tới 45 người nghỉ việc. Trong số đó có 5 lãnh đạo phòng ban, 37 chuyên viên và thêm 3 người nghỉ do tinh giản biên chế.
Thời gian qua, ông Hoàng Như Cương, Bí thư đảng ủy, Phó Trưởng ban, đã nộp đơn lên Chủ tịch UBND TP.HCM xin nghỉ việc. Đến ngày 16.11.2018, ông Hoàng Như Cương nộp đơn xin chấm dứt hợp đồng làm việc sau 45 ngày.
Ngoài ra, ông Dương Hữu Hòa, Chủ tịch công đoàn, Giám đốc Ban Quản lý dự án 1, đã nộp đơn xin nghỉ việc lần 3 vào ngày 25.10.2018. Đến ngày 14.11.2018, ông Hòa tiếp tục nộp đơn xin đơn phương chấm dứt hợp đồng kể từ ngày 1.1.2019.
Ông Phan Nhật Linh, trưởng phòng kế hoạch - hợp đồng, cũng nộp đơn xin nghỉ việc ngày 25.10, ông Linh sau đó tiếp tục nộp đơn xin đơn phương chấm dứt hợp đồng kể từ 31.12.
Thêm vào đó, 3 chuyên viên khác của ban này cũng nộp đơn xin nghỉ từ ngày 1.12.2018.
Việc hàng loạt lãnh đạo và cán bộ của Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM lại xin nghỉ việc vì nhiều lý do khác nhau diễn ra trong bối bảnh Dự án Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Theo Kiểm toán Nhà nước, UBND TP.HCM điều chỉnh dự án Metro số 1 TP.HCM, tuyến Bến Thành-Suối Tiên, chưa tuân thủ trình tự thủ tục và chưa đúng thẩm quyền. Cụ thể, dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư là 47.325 tỷ đồng, trong khi theo quy định, với mức vốn trên phải trình Quốc hội xem xét, đồng thời thẩm quyền quyết định là Thủ tướng.
Bên cạnh đó, cơ quan này quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án khi chưa có báo cáo đánh giá hiệu quả đầu tư và chưa rõ ràng về nguồn vốn. Theo cơ quan kiểm toán, vào năm 2010, thư của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) chỉ xác nhận việc sẽ tính đến chuyện bổ sung vốn, chưa xác nhận về cho vay.
UBND TP.HCM cũng phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ hoàn thành năm 2017 sang hoàn thành năm 2019 là không tuân thủ trình tự và thẩm quyền. Theo quy định, những dự án quan trọng quốc gia, khi kéo dài thời gian thực hiện từ một năm trở lên, Chính phủ phải báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
Đặc biệt, theo kiểm toán, trong một quyết định ban hành năm 2014, ông Hoàng Như Cương, Phó trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM đã phê duyệt điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư và quy mô của dự án quan trọng quốc gia là không đúng quy định.
Cũng bởi đây là dự án thuộc công trình quan trọng quốc gia nên Sở Kế hoạch & Đầu tư TP.HCM thực hiện thẩm định để phê duyệt là không đúng thẩm quyền. Bên cạnh đó, nội dung thẩm định không đảm bảo theo quy định, như không đánh giá tổng mức đầu tư, kiểm tra tính đầy đủ, hợp lý của các khoản mục chi phí trong tổng mức đầu tư... Kiểm toán Nhà nước cũng nêu, Sở Kế hoạch & Đầu tư TP.HCM đã trích dẫn những chỉ đạo của chủ tịch UBND TP.HCM khi đó là ông Lê Hoàng Quân về việc giao và cho phép cơ quan này thẩm định việc tăng tổng mức đầu tư đối với dự án này.