Ánh sáng hạnh phúc, niềm tin
Những ngày gần giáp Tết cổ truyền trời bỗng nhiên trở chứng, gió cứ nối đuôi nhau khuấy động làm mặt biển trở nên gồ ghề, chao đảo... Vì thế, thời gian hành trình từ đất liền ra đảo của chiếc tàu cao tốc mang tên An Vĩnh kéo dài gần 1 giờ 30 phút, hơn 20 phút so với dự kiến.
Thế nhưng bao nhiêu mệt nhọc của chúng tôi như tan biến khi từ đầu ngõ, tiếng của cô bé Nguyễn Thị Hảo, học sinh lớp 4, nhà ở xã An Hải (huyện đải Lý Sơn, Quảng Ngãi), khoe: “Từ hôm được các bác sĩ Hà Nội ra mổ mắt miễn phí đến nay, mấy tháng qua, đi đâu bà ngoại cũng không còn nhờ dẫn. Chưa hết, tối bà còn xem ti vi nữa”.
Trao quà Trung thu cho trẻ em nghèo Hà Nội. |
Tại cánh đồng xã An Vĩnh, đưa tay chỉ vào đám ruộng tỏi đang xanh tốt, chị Nguyễn Thị Hạnh (44 tuổi), ở xã An Vĩnh, khoe: “Với giá cao như hiện nay thì vụ này cũng kiếm gần 10 triệu đồng. Được như thế này cũng nhờ các “bác sĩ Báo Nông Thôn”.
Khoảng 2 năm trước, bỗng nhiên đôi mắt của chị Hạnh mờ dần, rồi gần như không thấy gì nữa. Cuộc sống của gia đình chị Hạnh vốn đã khó nay càng thêm khổ. “Nhiều lần muốn vào đất liền để chữa mắt, nhưng không có tiền nên đành thôi. Cuộc đời tôi có lẽ chịu tăm tối, nếu không có Báo NTNN”- chị Hạnh tâm sự.
Còn ông Lê Văn Cương, ở xã An Vĩnh, phấn khởi chia sẻ: “Sau khi mổ mắt xong, những hôm biển lặng đều chèo thúng đi đánh cá, kiếm được từ 100.000-200.000 đồng/ngày”.
Không riêng gì chị Hạnh, ông Cương, trong đợt “Hành trình nhân ái vì sức khỏe cộng đồng” do Báo NTNN, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam-T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh... phối hợp tổ chức vào cuối tháng 6.1012 vừa qua, gần 1.500 người dân huyện đảo Lý Sơn đã được khám, điều trị, phẫu thuật và cấp thuốc miễn phí.
Trong đó có 150 người được khám và phẫu thuật mắt; trên 800 người được siêu âm; trên 500 người được làm xét nghiệm... Ngoài số được cấp thuốc điều trị tại chỗ, các bác sĩ của đoàn cũng đã tư vấn cho hàng trăm trường hợp bị bệnh nặng đến các bệnh viện tuyến trên để điều trị.
Vui không kém những người dân nghèo huyện đảo Lý Sơn, hàng nghìn người dân là nạn nhân chất độc da cam, thân nhân liệt sĩ người nghèo huyện Thái Thụy (Thái Bình), Sông Lô (Vĩnh Phúc); Đồng Hỷ (Thái Nguyên), một số tỉnh ĐBSCL… đã được Báo NTNN phối hợp với đoàn bác sĩ Hà Nội, đoàn bác sĩ TP. HCM và một số nhà hảo tâm tổ chức khám bệnh, tặng quà, phát thuốc. Sau mỗi đợt khám miễn phí, nhiều người mắc bệnh được tư vấn đi chữa bệnh đúng tuyến đã khoẻ mạnh trở về quê hương làm ăn.
Xúc động hơn bao giờ hết, anh Mai Tiến Ba ở Đồng Hỷ (Thái Nguyên) tâm sự “27 năm, tôi bị khối u đặc biệt chiếm toàn bộ mặt, cổ và được điều trị khắp nơi không tiến triển. Nỗi đau quằn quại hành hạ tôi suốt ngày đêm, tôi đã mong mình được chết. Thế mà Báo Nông Thôn Ngày Nay đã giúp tôi đến với các bác sĩ Hà Nội. Tôi đã được phẫu thuật,cắt bỏ khối u và trở lại lành lặn. Tôi đã được sống đúng nghĩa của một con người. Tết này, tôi sung sướng vô cùng, được đi chúc tết bà con, bạn bè. Báo NTNN đã đem lại cho tôi ánh sáng niềm tin, hạnh phúc của một con người”.
"Tấm lòng vàng" ở miền sơn cước
Đầu năm 2013, trở lại Trường THCS Suối Tọ, huyện Phù Yên-điểm trường đã được đón nhận 10 xuất học bổng trị giá 10USD/tháng x 2 năm học và 3 máy vi tính chất lượng cao do Báo NTNN và Tổ chức Những người bạn toàn cầu Hàn Quốc GlobalFriends, Công ty cổ phần Cáp điện và hệ thống truyền dẫn LSVINA tài trợ trong tháng 10.2012.
Cô giáo Nông Thị Phấn- Hiệu trưởng nhà trường phấn khởi nói: “Giá trị quà mà Báo NTNN trao tặng cho nhà trường và những học sinh nghèo vượt khó học tốt trong thời gian qua là quá lớn so với suy nghĩ của chúng tôi. Những học sinh được nhận số học bổng này đều rơi nước mắt vì xúc động. Còn những chiếc máy tính, chúng tôi đã đưa ngay vào phòng học tin học, phát huy hiệu quả rất cao cho việc dạy và học của nhà trường”.
Thào A Phử- học sinh lớp 8B, Trường THCS Suối Tọ nắm tay tôi dẫn vào căn phòng nhỏ làm phòng học tin học của nhà trường, em bảo: “Máy tính của các bác, các chú tặng chúng cháu được đặt ở đây. Mỗi giờ tin học ai cũng được cầm vào con chuột, gõ vào bàn phím những thao tác theo yêu cầu của giáo viên.
Những ngày nghỉ không phải về nhà, được thầy giáo, cô giáo cho phép, chúng cháu còn tự học thêm về tin học. Cháu muốn sau này mình sẽ là một kỹ sư tin học; giúp cho người Mông chúng cháu có được nhiều máy tính, nhiều thông tin để nâng thêm hiểu biết về cuộc sống; tìm được nhiều cách xoá đói nghèo, lạc hậu”.
Thấy tôi và Phử đứng trong phòng máy tính, nhiều học sinh khác đã thập thò xung quanh cửa phòng. Phử giải thích: “Các bạn ấy cũng rất muốn được học thêm về máy tính. Với trường vùng cao nhiều khó khăn như ở đây thì chiếc máy tính tốt sẽ giúp được rất nhiều cho chúng cháu đấy chú ạ”.
Chia tay Suối Tọ, chúng tôi đến với điểm Trường THCS Gia Phù trong huyện Phù Yên-nơi cũng được Báo NTNN trao 10 suất học bổng và 4 máy vi tính vào tháng 10.2012. Em Hoàng Văn Quang- học sinh lớp 7 trong trường cho biết: "Trường cháu có 8 cái máy tính thì hỏng mất 4 cái rồi nên mỗi giờ học, học sinh cứ phải đợi nhau. Có hôm hết cả tiết học mà chưa được cầm tay vào chuột. May mà có thêm máy tính của Báo NTNN tặng cho, chúng cháu đã có máy tính để học tập tốt hơn".
Ông Đinh Văn Ắng - bố của học sinh Đinh Thị Huế, lớp 8A1 trong trường thì cứ tấm tắc: “Học bổng mà Báo trao lớn quá! Với người nghèo như chúng tôi đó là cả một tài sản. Từ khi nhận được học bổng của Báo trao, cháu Huế nhà tôi học tích cực hơn mà chúng tôi cũng dành thêm thời gian để cho cháu học tập; không bắt cháu giúp bố mẹ nhiều việc như trước nữa. Vợ tôi cũng bảo rằng: Báo NTNN ở tận Hà Nội còn tìm đến đây để giúp con mình học tập tốt, chả lẽ mình lại không lo cho con mình đi học”.
Nghe ông Ắng tâm sự, tôi lại chợt nhớ tới lời của thầy giáo Dương Đình Tấn- Phó hiệu trưởng Trường liên cấp 1-2 Háng Đồng, huyện Bắc Yên trong chuyến công tác đầu năm 2013, khi tôi đến với nhà trường: Hàng trăm đôi dép, quần áo và học bổng mà Báo NTNN và các quý báo đã chuyển cho nhà trường đã giúp học sinh rất nhiều trong việc giữ gìn sức khoẻ, nâng cao chất lượng học tập.
Đó không chỉ là vật chất mà là sự sẻ chia, là kế thừa truyền thống "lá lành đùm lá rách" của dân tộc ta; là nguồn động viên rất lớn với thầy, trò chúng tôi. Chúng tôi mong muốn được tiếp tục đón nhận những sẻ chia ấy; mong muốn các báo, các doanh nghiệp cùng chung tay giúp vùng cao tháo gỡ khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Kiều Thiện - Công Xuân