Tuyến đường sắt đô thị metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) có chiều dài gần 20km đi qua quận 1, 2, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP HCM) và huyện Dĩ An (Bình Dương). Đây là dự án được xem là hiện đại nhất thành phố với vốn đầu tư gần 50 nghìn tỷ đồng.
Dự án được khởi công xây dựng vào tháng 8/2012 và đến nay (sau 6 năm) đã hoàn thành hơn một nửa khối lượng công việc.
Lúc đầu, công trình dự kiến đưa vào khai thác vào năm 2017 nhưng do vướng mắc trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và thiếu vốn khiến thời gian hoàn thành tuyến metro số 1 tiếp tục đến năm 2020.
Tuyến metro số 1 có 17km trên cao với 11 nhà ga
Tuyến metro số 1 thành hình sau nhiều năm thi công. Trong ảnh là đường sắt đô thị trên cao bắc qua sông Sài Gòn.
Người dân vui mừng khi thấy tuyến metro nên hình dáng. “Mỗi ngày tôi đều chạy qua cầu Sài Gòn để đến chỗ làm và đều ngắm đường sắt trên cao chạy song song với cầu Sài Gòn và thấy rất vui vì TP có công trình giao thông trọng điểm”, anh Nguyễn Văn Hoàng ngụ quận 9 chia sẻ.
Đường cong uốn lượn của tuyến metro số 1 đi qua khu vực quận Bình Thạnh
Ghi nhận của phóng viên tuyến đường sắt có 17km đường trên cao đã gần hoàn thành việc lắp, lao dầm.
Tuy nhiên, ở khu vực các nhà ga thì vẫn chưa hoàn thành. Theo quan sát vào đầu giờ chiều 26/12, tại khu vực các nhà ga trên cao hầu như không có người và máy móc làm việc.
Mỗi nhà ga dài gần 140 m, được thiết kế hai tầng, kết nối với cầu bộ hành bờ Nam và Bắc qua Xa lộ Hà Nội (ngoại trừ ga cuối Suối Tiên). Hệ thống mái vòm nhà ga được làm bằng thép, phần khung sơn màu trắng. Các nhà ga trên cao thiết kế dựa trên hệ thống thông gió tự nhiên, đảm bảo ánh sáng và có thể chống lại các tác động của thời tiết xấu.
Gói công trình này dự kiến hoàn thành trước 30/4 năm nay tuy nhiên đến giờ vẫn còn ngổn ngang.
Dự án có 2,6 km đi ngầm (3 nhà ga). Hiện, hai đường hầm từ ga Nhà hát thành phố đến ga Ba Son đã được robot khoan hoàn tất. Cả hai đường hầm dài 781 m, sâu dưới lòng đất hàng chục mét, các tấm vỏ hầm đã được lắp xong và đáy hầm đã đổ bêtông.
Mới đây, người dân tỏ ra lo lắng về chất lượng công trình khi Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM đã điều chỉnh hạ độ dày tường vây ngầm gói thầu 1a (phần xây dựng đoạn ngầm từ nhà ga Bến Thành đến ga Nhà hát TP) từ 2m như trong thiết kế được duyệt, xuống còn 1,5 m khi thi công trên thực tế. Trong ảnh đường ngầm của tuyến metro số 1.
Trước đó, lãnh đạo Ban Quản lý đường sắt đô thị cho biết tuyến metro số 1 không thể hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 2020 do “đói vốn”.
Người dân mong chờ sớm được trải nghiệm và sử dụng tuyến đường sắt đô thị TP như kế hoạch ban đầu. Tuy nhiên, hiện tại công trình này lúc nào hoàn thành thì vẫn còn chưa biết.
Thời gian gần đây dư luận xôn xao khi thông tin nhiều lãnh đạo chủ chốt của Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM và nhân sự các phòng ban của đơn vị này xin nghỉ việc vì nhiều lý do. Trong đó, ông Lê Nguyễn Minh Quang - trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM - đã hai lần nộp đơn xin nghỉ việc nhưng chưa có quyết định của TP nên ông vẫn đi làm bình thường. Riêng ông Hoàng Như Cương - phó trưởng ban – đã xuất cảnh đi nước ngoài khi chưa được cơ quan chức năng cho phép. Ông Cương là Phó ban, đồng thời giữ chức Bí thư Đảng ủy Ban quản lý đường sắt đô thị thành phố. Trong ảnh là trụ công trình metro bị bôi bẩn, dán rao vặt.
Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM đã điều chỉnh thiết kế đường hầm tuyến đường sắt đô thị (metro) số 1 (tuyến...