Chúng tôi nghe tiếng đập của nó rất rõ ở phía bên trái nơi ngực mình, dải đất nhỏ nhoi, khô cằn hình chữ S quanh năm tràn ngập nắng, gió và sóng Thái Bình Dương ấy.
Chúng tôi đi từ Nga sang và mang theo cái giá buốt của xứ hàn đới. Ngày hôm đó, nhiệt độ ở Moscow là âm 25 độ C, Kiep âm 15 độ C và ấm dần lên, ở Berlin âm 1 độ C. Trời Berlin lạnh khô. Tuyết lốm đốm trắng vỉa hè. Nhưng vì lòng người hây hẩy ấm áp nên dường như khí hậu cũng trở nên ngọt ngào. Từ sáng sớm, trong “vôn” đã náo nhiệt bắt đầu một ngày hội lớn. Mọi hoạt động đều hướng về mục đích: nấu nướng, sắm sửa, chuẩn bị cho đêm giao thừa.
Các cửa hàng buôn bán nhỏ tự ra đời chúng ta có thể đi dạo một vòng và cảm giác như ở chợ Đồng Xuân. Bánh chưng, pháo hoa, giò, gà vịt làm lông sẵn, măng khô, miến, kẹo bánh, rượu ngoại và cả rượu lúa mới, thịt cá... Những cửa hàng tự tạo này thường chỉ “ra đời” trong ba ngày tết do tư duy nhanh nhậy của người bán.
Bánh chưng được gói bằng lá dong chuyển từ nhà sang. Được cái là bếp công cộng của “vôn” tha hồ nấu nên những nhà làm loại dịch vụ kiểu này không lo tốn tiền điện. Huy động tất cả xoong, nồi, xô, chảo một đêm luộc được cả trăm cái. Nem chua buôn từ Pháp về, hương vị na ná như nem chua ở quê nhà, chỉ có thiếu lá ổi. “Lúa mới”, “Nếp mới” mang ở nhà sang, giá 10DM 1 chai.
Món ăn không thể thiếu được trong bữa nhậu của người Việt ở Đức là cá chép luộc nguyên con khoảng 2,3 kg hoặc gói giấy bạc bỏ lò. Những gia đình cầu kì thì từ sáng 30 đánh xe ra tận ngoại ô mua hẳn dăm con gà trống về cắt tiết, làm lông cúng cụ. Mắm tôm, cà pháo, được nhập từ Thái Lan. Rau muống, to nhưng không đậm được trồng ở ngoại ô và là món hàng đắt giá nhất nhà giàu mới dám ăn rau muống.
Hoa thì chặt đâu đó một cành ở ngoài vườn rồi dùng giấy đỏ làm nụ, nhác trông tưởng mới mua ở Nhật Tân về. Vậy là mâm cỗ cúng chiều 30 tàm tạm rồi. Trong cái giá lạnh tê buốt của mùa đông châu Âu, dường như lòng người làm băng giá tan đi ít nhiều. Buổi chiều cuối năm đến từ từ, yên ả, trầm lặng và trang trọng. Sau cửa kính mờ hơi nước dường như có một giai điệu nho nhỏ của một cỗ xe tam mã từ xa vẳng lại, rất khẽ, vui tươi nhộn nhịp.
18 giờ chiều tương đương với 11h30 ở Việt Nam, tất cả các gia đình trong “vôn” đều thắp hương cúng tổ tiên. Trên bàn thờ, mâm cỗ cúng đủ cả bánh chưng, giò lụa, xôi, nem rán, rượu.
Có bao nhiêu người Việt Nam ở nước ngoài? Khoảng gần 2 triệu. Có bao nhiêu người Việt Nam trong giây phút này cầm máy điện thoại gọi về quê hương cho bà con thân thích ruột thịt? Có 2 chục vạn, 3 chục vạn hay hơn nữa? Trong nhiều năm vào giờ này, tôi thử cầm điện thoại gọi về Hà Nội nhưng đều không được, đường dây liên tục “tút, tút” bận. Đành chờ đến khuya gọi, lúc đó ở Hà Nội đã là sáng mùng một tết.
Chúng tôi mở cửa sổ để cho năm mới tràn vào nhà. Nghe hồn nước mênh mang. Tràn ngập trong người những tình cảm ấm áp, ngọt ngào, tốt đẹp. Năm mới đã về rồi, anh biết chưa? Thôi, hãy quên mọi sự rủi ro, thất bại của năm cũ, quên đi mọi xích mích, hận thù của năm cũ, tất cả là phía trước: năm mới.
Bẩy giờ, khách lục tục đến. Đầu tiên là nhóm bạn Nga. Họ mang theo món quà đặc sản: cá trích muối, đồ nhậu đặc biệt cho vôt ka. Rồi một đôi vợ chồng, một nhạc sĩ mới ở Việt Nam sang công tác, anh bạn lái xe taxi sống độc thân ngoài phố...
Khi chúng tôi vừa chạm cốc đầu tiên thì cửa đột ngột mở: “ Răng sứt” hiện ra trong tiếng reo hò của anh em, ngoắc miệng đến tận mang tai, nách cắp một chai Kanhắc to tướng. “Răng sứt” là biệt danh của một thanh niên Đức.
Chúng tôi uống sâm banh, Kanhắc, Vôtka và hát “Chiều Mạc-tư-khoa”, “Kachiusa”... những bài hát một thời làm cho các dân tộc xích lại gần nhau.
Khuya, 11 giờ đêm, các gia đình trong “vôn” sang thăm lẫn nhau và chúc Tết. Ngồi mỗi nhà dăm phút, uống vài hớp rượu do chủ nhà vật nài mãi, hàn huyên những điều mà trong năm bận rộn làm ăn, chưa kịp hỏi han nhau. Tiếng pháo đã tàn, chỉ còn thưa thớt vài đốm lửa đỏ trong sân. Càng khuya, đám người đi chúc Tết càng đông, lao xao cho đến tận sáng.
Đêm giao thừa ở trong “Vôn” qua đi như vậy, trầm hùng, mạnh mẽ, tha thiết và lao xao, yên ả cho tới tận sáng. Ban mai đến, tĩnh lặng quá, chỉ có một bông tuyết đậu ngoài cửa sổ, nhẹ nhàng mỉm cười.
Nguyễn Thiên Việt