Sáng 27.12, Câu lạc bộ Nhà báo chứng khoán đã tổ chức Lễ công bố 10 sự kiện chứng khoán nổi bật năm 2018 và Toạ đàm với chủ đề: “Tương lai thị trường chứng khoán Việt Nam 2019”. Tham dự sự kiện có Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Trần Văn Dũng, nguyên Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng, ông Nguyễn Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) và đại diện các Sở GDCK, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán, thành viên thị trường, chuyên gia kinh tế.
Bom tấn” Vinhomes của tỷ phú Phạm Nhật Vượng chính thức lên sàn ngày 17.5 tạo ra kỷ lục mới trên TTCK Việt Nam
Năm 2018, lần đầu tiên TTCK Việt Nam chứng kiến tình trạng biến động mạnh nhất sau 10 năm, tính từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Đây cũng là năm đầu tiên thị trường chứng khoán suy giảm, sau 5 năm liên tiếp trước đó chỉ số chứng khoán song hành với đà tăng trưởng của nền kinh tế, đạt mức tăng trưởng cao, có năm lên đến 47% (năm 2017).
Ngoài ra, năm 2018 cũng chứng kiến các thương vụ bán vốn cổ phần đặc biệt lớn. Còn nhớ, tuần giao dịch trung tuần tháng 5.2018 (từ 13.5 - 18.5) đã khép lại với việc TTCK Việt Nam lần đầu có giá trị giao dịch tỷ USD. Công ty CP Vinhomes (VHM) thuộc Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, một tân binh trên sàn HoSE đã khiến giới đầu tư phải ngước nhìn chỉ sau 2 ngày chào sân.
Cụ thể, ngay sau khi chính thức niêm yết gần 2,68 tỷ cổ phiếu VHM trên sàn HoSE vào ngày 17.5, “bom tấn” Vinhomes ngay lập tức đã thể hiện sức hút của mình khi chỉ 20 phút đầu tiên sau khi lên sàn, VHM đã tăng trần tới 18.000 đồng, đạt 110.500 đồng/cổ phiếu. Giá trị vốn hóa ngày đầu lên sàn của Vinhomes ở mức trên 246.700 tỷ đồng, lớn hơn cả Vinamilk, vốn hóa đạt 245.440 tỷ đồng ở phiên giao dịch ngày 17.5.
Dưới đây là 10 sự kiện chứng khoán nổi bật năm 2018 do Câu lạc bộ Nhà báo chứng khoán bình chọn.
1. Lần đầu tiên chỉ số chứng khoán lạc nhịp sau 5 năm liên tiếp tăng trưởng cao
Thị trường chứng khoán 2018 chứng kiến tình trạng biến động mạnh nhất trong 10 năm kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Đây là năm đầu tiên thị trường chứng khoán suy giảm, sau 5 năm liên tiếp trước đó chỉ số chứng khoán song hành với đà tăng trưởng của nền kinh tế, đạt mức tăng trưởng cao, có năm lên đến 47% (năm 2017).
VnIndex từng lập đỉnh cao mới trong lịch sử ở mức 1.211 điểm (ngày 10.4.2018), nhưng sau đó lại có quá trình sụt giảm mạnh 27% xuống đáy 888 điểm (ngày 30.10.2018).
Trong năm 2018, VnIndex từng lập đỉnh cao mới trong lịch sử ở mức 1.211 điểm (ngày 10.4.2018), nhưng sau đó lại có quá trình sụt giảm mạnh 27% xuống đáy 888 điểm (ngày 30.10.2018). Thị trường chứng khoán “lạc nhịp” trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất 10 năm xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan như tình trạng căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như xu hướng tăng tốc bình thường hóa lãi suất của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu.
Trong nước, nền kinh tế giữ đà tăng trưởng cao và nội lực các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục được củng cố khi khối doanh nghiệp này dự kiến sẽ tăng trưởng trên 20% năm 2018. Đây là những yếu tố nền tảng để kỳ vọng năm 2019, thị trường chứng khoán sẽ trở lại nhịp tăng trưởng song hành cùng nền kinh tế Việt Nam.
2. TTCK phái sinh bùng nổ sau một năm vận hành
Thị trường chứng khoán phái sinh bắt đầu giao dịch ngày 10.8.2017 và chỉ sau hơn 1 năm đã đạt mức tăng trưởng vượt bậc về quy mô. Kết thúc năm 2017, giá trị giao dịch danh nghĩa của thị trường phái sinh chỉ ghi nhận mức kỷ lục 2.500 tỷ đồng/phiên nhưng đến tháng 10.2018 đã đạt kỷ lục gần 17.000 tỷ đồng/phiên. Số lượng tài khoản giao dịch phái sinh tăng gấp 3,2 lần so với cuối năm 2017.
Bên cạnh những kết quả đạt được thị trường chứng khoán phái sinh vẫn còn một số hạn chế nhất định về sản phẩm, cơ sở nhà đầu tư.... Thị trường hiện mới chỉ có sản phẩm HĐTL chỉ số được đưa vào giao dịch. Số lượng nhà đầu tư tham gia thị trường khá lớn nhưng chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân (chiếm hơn 99%), số lượng nhà đầu tư tổ chức tham gia thị trường còn rất ít, mới chỉ có 98 nhà đầu tư (trong đó tổ chức trong nước 88 và tổ chức nước ngoài là 10), trong khi tại các thị trường phát triển nhà đầu tư tổ chức đóng vai trò chủ đạo. Một số cơ chế về giá dịch vụ, chế độ kế toán cho thị trường đang tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện. Ngay cả công tác giám sát thị trường, trong đó có hoạt động giám sát giao dịch chứng khoán phái sinh cần được tiếp tục đổi mới nâng cao tính hiệu quả trong giai đoạn phát triển mới.
3. Dấu ấn các thương vụ bán vốn tỷ USD
Năm 2018 chứng kiến các thương vụ bán vốn cổ phần đặc biệt lớn. Khởi đầu là thương vụ bán hơn 164 triệu cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), tương đương 14% vốn điều lệ ngân hàng cho các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, trị giá 922 triệu USD.
Giá trị vốn hóa ngày đầu lên sàn của Vinhomes ở mức trên 246.700 tỷ đồng, lớn hơn cả Vinamilk, vốn hóa đạt 245.440 tỷ đồng ở phiên giao dịch ngày 17.5.
Thương vụ tỷ USD lớn nhất được nhắc tới trong năm 2018 là thương vụ của Vinhomes. Ngay sau khi cổ phiếu VHM của Vinhomes chào sàn hôm 17.5, các nhà đầu tư nước ngoài đã chi 1,35 tỷ USD để nắm giữ cổ phiếu VHM, tạo nên phiên giao dịch có trị giá trên 1 tỷ USD đầu tiên trong gần 20 năm phát triển của thị trường chứng khoán.
Liên quan đến hoạt động bán vốn Nhà nước, trong năm 2018 có những thương vụ thoái vốn ấn tượng nhất là bán 78,99% vốn điều lệ tại Vinaconex (SCIC bán 57,71% và Viettel bán 21,28%) diễn ra chiều ngày 22/11 tại Sở GDCK Hà Nội (HNX). Với việc đấu giá thành công này, Nhà nước (thông qua 2 đại diện chủ sở hữu là SCIC và Viettel) đã thu về hơn 9.369 tỷ đồng. Trước đó, đầu năm 2018 có các thương vụ IPO Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) trị giá 5.500 tỷ đồng, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) 4.100 nghìn tỷ đồng, Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power) 7.000 tỷ đồng.
4. Thị trường chứng khoán Việt Nam lọt vào danh sách theo dõi nâng hạng của FTSE
Năm 2018, một dấu ấn vui của thị trường chứng khoán Việt Nam là Tổ chức tính toán chỉ số chứng khoán toàn cầu (FTSE) đã đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, do Việt Nam đã thỏa mãn 8 trong 9 điều kiện tiên quyết để được nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng 2 và chỉ còn 1 điều kiện duy nhất còn chưa được thỏa mãn là thanh toán bù trừ. Sau khi được vào danh sách theo dõi nâng hạng trong kỳ phân loại tháng 9.2018 và có những sự cải thiện cần thiết để thỏa mãn tiêu chí cuối cùng này, Việt Nam có thể sẽ chính thức được nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng 2 vào kỳ báo cáo thường niên tháng 9.2019. Việc lọt vào danh sách này cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam đã đạt đến tiêu chuẩn quốc tế. Đây là ghi nhận đối với những cải tiến và phát triển thị trường trong một thời gian dài.
Hiện tại, thế giới đang dùng các chỉ số của FTSE Russell làm chuẩn để các quỹ đầu tư giao dịch với tổng tài sản quản lý 10.000 tỷ USD và khu vực châu Á chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong vài năm qua.
5. Sàn HOSE dừng giao dịch 2 ngày
Sự cố giao dịch xảy ra vào chiều ngày 22.1.2018 tại Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã khiến cho đợt khớp lệnh định kỳ để xác định giá đóng cửa của phiên giao dịch không thực hiện được. Sau đó sàn HOSE phải ngừng giao dịch trong hai ngày liên tiếp (23.1 và 24.1). Trong quá khứ, sàn HOSE cũng đã từng gặp sự cố kỹ thuật và phải dừng giao dịch liên tục 3 ngày vào tháng 5.2008. Sự cố kỹ thuật đáng tiếc này đặt ra yêu cầu làm mới nền tảng công nghệ thị trường. Sau 18 năm vận hành khá ổn định, đáp ứng được yêu cầu của thị trường, hệ thống giao dịch hiện nay của Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM đến nay đã bộc lộ một số nhược điểm và đã đến lúc cần được thay thế.
Sự cố giao dịch xảy ra vào chiều ngày 22.1.2018 tại Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã khiến cho đợt khớp lệnh định kỳ để xác định giá đóng cửa của phiên giao dịch không thực hiện được. (Ảnh minh họa)
Về giải pháp, Chính phủ, Bộ Tài chính đã giao HOSE làm chủ đầu tư dự án công nghệ thông tin với nhà cung cấp KRX (Hàn Quốc). Hệ thống công nghệ mới dự kiến đưa vào vận hành vào năm 2019. Với việc chuyển sang hệ thống giao dịch của Hàn Quốc sẽ là bước phát triển mới của hệ thống công nghệ phục vụ cho thị trường chứng khoán Việt Nam.
6. Sức hút của doanh nghiệp tỷ USD níu chân dòng vốn ngoại
HDB, VHM, TCB, TPB đã làm dài thêm danh sách 30 doanh nghiệp niêm yết có vốn hoá đạt mức tỷ USD. Vốn hóa thị trường cổ phiếu đã tăng lên mức cao nhất từ trước tới nay, đạt 3,98 triệu tỷ đồng, tăng 13,5% so với cuối năm 2017, tương đương 79,6% GDP, vượt chỉ tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2020. Việc xuất hiện của những cổ phiếu lớn trên sàn chứng khoán đã nhận được sự hưởng ứng của các nhà đầu tư ngoại với giá trị vào ròng 2018 đạt 2,89 tỷ USD, tăng 0,59 tỷ USD (trong vòng 4 tháng), xấp xỉ bằng mức vào ròng của cả năm 2017 (2,92 tỷ USD)
Khi lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao vào tháng 9, nhiều quỹ đầu tư nước ngoài đã rút vốn và rút nhiều ra khỏi thị trường châu Á. Trong bối cảnh làn sóng rút vốn như vậy, dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam vẫn giữ được mức tăng nhất định. Thống kê của UBCKNN cho thấy, tính từ đầu năm đến hết ngày 14.12, dòng vốn vào ròng ước đạt hơn 2,8 tỷ USD, xấp xỉ bằng mức vào ròng của cả năm 2017 (2,92 tỷ USD). Con số này là khả quan nếu so sánh với tình hình dòng vốn rút mạnh khỏi các thị trường mới nổi thời gian gần đây (tính từ đầu năm đến nay, NĐTNN đã rút ròng từ 07 thị trường châu á gồm: Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Ấn Độ, Đài Loan, Malaysia với tổng giá trị hơn 27,34 tỷ USD.
7. Thành lập Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước
Ngày 30.9, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước ra mắt tại Hà Nội, chính thức việc tách bạch chức năng quản lý Nhà nước, chức năng quản trị doanh nghiệp và chức năng chủ sở hữu vốn Nhà nước. Mô hình hoạt động của một cơ quan chuyên trách như Ủy ban quản lý vốn Nhà nước không chỉ phù hợp với thực tiễn phổ biến trên thế giới về quản lý vốn nhà nước đầu tư vào kinh doanh mà còn được kỳ vọng sẽ tiếp tục góp phần quan trọng vào quá trình đổi mới cơ chế quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Ngày 30.9, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước ra mắt tại Hà Nội
Theo đó, 19 doanh nghiệp bao gồm: 7 tập đoàn và 12 tổng công ty (thuộc 5 Bộ: Tài chính, Công thương, Thông tin và truyền thông, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phải thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu về Ủy ban. Giá trị sổ sách vốn chủ sở hữu nhà nước của 19 doanh nghiệp được bàn giao về Uỷ ban này là trên 1 triệu tỷ đồng, tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp gần 2,3 triệu tỷ đồng.
Với trách nhiệm là đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại các DN, Ủy ban không chỉ có nhiệm vụ bảo toàn vốn, mà phải như người kinh doanh vốn để lượng tài sản nhà nước trong các DN được sử dụng hiệu quả, đúng mục tiêu, đưa khối tài sản lớn trong các DN hiện tại đóng góp vào sự thịnh vượng của đất nước... Hoạt động của ủy ban sẽ có tác động rất lớn khi mục tiêu chính của dòng vốn nhà nước là phải được dẫn vào những nơi mà khu vực tư nhân không thể vào, không muốn vào; những lĩnh vực tạo tác động liên kết, thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Đây cũng là cơ sở để hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN có thể đảm bảo lợi ích tối cao cho chủ sở hữu nhà nước và mở rộng cơ hội đầu tư cho các dòng vốn tư nhân.
8. Năm kỷ lục về xử phạt thao túng giá chứng khoán
Trong năm 2018, UBCKNN tiếp tục tăng cường trong xử phạt các vi phạm liên quan đến chứng khoán và TTCK. Năm 2018 cũng là năm kỷ lục về xử phạt hành chính về thao túng giá chứng khoán, 09 cá nhân bị phạt với mức phạt mỗi vụ là 550 triệu đồng, tổng số tiền phạt 5,1 tỷ đồng, chiếm hơn 25% tổng tiền phạt của cả năm 2018 (20 tỷ đồng).
Cũng liên quan đến xử phạt về thao túng giá chứng khoán, trong tháng 10 vừa qua, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử cựu Chủ tịch HĐQT MTM Trần Hữu Tiệp và 14 đồng phạm trong vụ án thao túng giá chứng khoán, lừa đảo chiếm đoạt tài sản... liên quan cổ phiếu MTM. Đây là 1 trong 3 vụ án hình sự liên quan đến vi phạm về chứng khoán đã bị phát hiện và khởi tố.
Tuy cơ quan quản lý đã áp dụng mức xử phạt vi phạm hành chính cao, nhưng vẫn có không ít nhà đầu tư mắc sai phạm khi sử dụng nhiều tài khoản để thao túng một vài mã chứng khoán. Thực tế này đặt ra yêu cầu mức xử phạt vi phạm chứng khoán cần mạnh mẽ hơn nữa, bên cạnh việc cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức đầu tư, pháp luật ra thị trường để giúp thị trường lành mạnh hơn, nhà đầu tư chân chính được bảo vệ tốt hơn.
Để tăng tính răn đe với các hành vi vi phạm, trong quá trình sửa Luật Chứng khoán, UBCKNN đã kiến nghị tăng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực chứng khoán, bổ sung vào luật này các hình thức xử phạt mới có tính răn đe cao, với mong muốn giữ gìn kỷ cương thị trường. Trong dự thảo Luật chứng khoán (sửa đổi) đang lấy ý kiến các thành viên thị trường, các hành vi vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực chứng khoán (thao túng thị trường chứng khoán, sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán, cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán, làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán) dự kiến sẽ bị xử lý nghiêm minh, ngoài việc bị xử phạt bằng tiền, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị tịch thu toàn bộ số lợi bất hợp pháp có được từ việc thực hiện hành vi vi phạm và có thể bị áp dụng các biện pháp khác như: đình chỉ/cấm giao dịch; cấm tham gia thị trường, cấm huy động vốn, cấm đảm nhận chức vụ…
9. Công bố Dự thảo sửa đổi luật chứng khoán
Ngày 8.11, dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) chính thức được công bố. Dự thảo luật được kỳ vọng khắc phục những tồn tại, hạn chế sau hơn 10 năm thi hành Luật Chứng khoán và bảo đảm thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật liên quan, đặc biệt Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư. Liên quan đến vướng mắc nhất là tỷ lệ đầu tư vào doanh nghiệp đại chúng của nhà đầu tư nước ngoài, dự thảo Luật có thay đổi trọng yếu khi dự kiến không trao quyền quyết định room cho các doanh nghiệp như hiện tại, mà sẽ mở tối đa 100% tại các doanh nghiệp không thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Nếu điều khoản này được thông qua sẽ mở rộng cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường, đồng thời thúc đẩy các DN niêm yết, DN đại chúng phải bước nhanh hơn để đứng vững và phát triển trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi cũng đặt ra những tiêu chí cao hơn cho các thành viên tham gia thị trường; khuyến khích và nâng cao chất lượng quản trị công ty, công bố thông tin theo hướng tiếp cận với thông lệ quốc tế… Dự án Luật dự kiến tăng thẩm quyền thanh tra, xử phạt cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; xây dựng nền tảng pháp lý cụ thể hơn về thị trường giao dịch của công ty đại chúng, định hình việc hợp nhất 2 Sở giao dịch chứng khoán và thành lập Quỹ bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán… Dự kiến, dự án Luật sẽ được trình Quốc hội xem xét cho ý kiến và thông qua trong năm 2019.
10. Chính phủ chính thức quy định khung pháp lý cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Tháng 12.2018, cơ chế hoạt động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp chính thức được Chính phủ ban hành tại Nghị định 163/2018/NĐ-CP. Văn bản này sẽ có hiệu lực từ ngày 1.2.2019, đánh dấu nền tảng pháp lý cao nhất định hình nền tảng thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam hiện có quy mô vốn hóa khoảng 7% GDP, cho đến nay vẫn chưa được tổ chức, quản lý chính thức. Các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động vẫn chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng và một phần vốn được tài trợ thông qua việc phát hành cổ phiếu trên TTCK. Nền tảng pháp lý mới về trái phiếu doanh nghiệp ra đời được kỳ vọng sẽ tạo cơ sở cho việc định hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam. Theo Nghị định 163, đơn vị tổ chức thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ là Sở giao dịch chứng khoán. Các doanh nghiệp và thành viên thị trường kỳ vọng Sở giao dịch chứng khoán sẽ sớm tổ chức thị trường trái phiếu doanh nghiệp để mở ra một kênh đầu tư, kênh huy động vốn dài hạn bên cạnh kênh cổ phiếu và tín dụng ngân hàng.