Xác lợn chết vứt tại đường vào bãi rác Xuân Sơn, thuộc địa bàn huyện Ba Vì, Hà Nội. Ảnh: Laodong
Vừa qua, dịch lở mồm long móng (LMLM) trên lợn đã xuất hiện tại địa bàn xã Tản Lĩnh (huyện Ba Vì, Hà Nội). Đáng nói là bệnh dịch gây chết lợn cả tháng nhưng cơ quan thú y địa phương không biết, chỉ khi báo chí phản ánh chuyện người dân vứt xác lợn chết bừa bãi xuống kênh mương thì Sở NN&PTNT Hà Nội và Cục Thú y mới nắm được và xuống kiểm tra. Có phải sự vào cuộc này quá chậm, thưa ông?
- Vừa rồi, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Cục Thú y tiến hành kiểm tra ngay địa bàn Hà Nội và phát hiện có 4 ổ dịch tại 4 xã của huyện Ba Vì, gồm Phú Phương, Cẩm Lĩnh, Vật Lại (đã 17 ngày qua không phát sinh ca bệnh mới) và xã Tản Lĩnh. Ngoài ra còn có ổ dịch tại phường Vân Dương (đã 16 ngày không phát sinh ca bệnh mới) thuộc thành phố Bắc Ninh của tỉnh Bắc Ninh.
Theo đó Bộ đã chỉ đạo ngay địa phương phải dập dịch quyết liệt, không để lây lan, xã phải làm gì, huyện phải làm gì đều đã có phương án cụ thể.
Trước đó, Bộ đã có Chỉ thị số 9747/CT-BNN-TY gửi các địa phương về việc tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm vụ Đông Xuân. Thực tế thì dịch bệnh có xảy ra nhưng lác đác ở một số tỉnh chứ chưa tới mức quá nguy hiểm. Theo báo cáo từ các địa phương, hiện có khoảng hơn 800 con lợn nhiễm bệnh phải tiêu hủy.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến
Nhìn chung, tất cả văn bản chỉ đạo của Bộ NN&PTNT đã gửi các địa phương, nhưng vấn đề bây giờ là toàn bộ các tỉnh phải có chỉ đạo, phải có sự vào cuộc từ UBND tỉnh, thành phố, các cơ quan thú y, khuyến nông và các địa phương… để ổn định lại và không để dịch bệnh lây lan. Nếu lơ là, không nêu cao cảnh giác, không thực hiện tiêm phòng vaccine, không thực hiện giám sát thì tình trạng bùng phát dịch ở một số địa phương sẽ xảy ra.
Đó là bài học kinh nghiệm đúc rút được từ nhiều năm chúng ta phòng chống dịch.
Như ông nói, chúng ta đã có nhiều năm làm công tác phòng chống dịch, vậy tại sao đến bây giờ vẫn có địa phương giấu dịch? Liệu có phải do trình độ, nhận thức hay do địa phương quá chủ quan?
Phải thừa nhận đây đúng là một điểm còn tồn tại từ nhiều năm qua. Nguyên nhân là địa phương muốn giấu để tự dập dịch, thứ hai là người dân không nghĩ rằng việc giấu dịch bệnh mà không có biện pháp kỹ thuật thì ngoài bị thiệt hại về kinh tế, còn gây ảnh hưởng tới an toàn thực phẩm.
Ngoài nhận thức còn hạn chế, việc thông tin tuyên truyền trên báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng cũng phải vào cuộc nhiều hơn nữa.
Lợn bị lở mồm long móng nằm trong nhà dân. Ảnh: Laodong
Hiện có thông tin cho rằng ở Hà Nam, Đồng Nai cũng đang xuất hiện dịch LMLM, cụ thể thế nào thưa ông?
Vừa rồi chúng tôi đã chỉ đạo ngay Cục Thú y phải xem xét ở những địa phương báo chí nêu, tổ chức kiểm tra, giám sát và có văn bản chỉ đạo, trước mắt là ở Hà Nội, đồng thời ở các tỉnh trọng điểm khác cần chỉ đạo các Chi cục Thú y thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm tra, giám sát và phòng chống dịch cần thiết.
Bây giờ đang là thời điểm cuối năm, người chăn nuôi gia súc, gia cầm đang đẩy mạnh chăm sóc đàn để phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán. Đặc biệt là giá lợn hơi vẫn đang ở mức có lợi, vì vậy bà con cần lưu ý chủ động áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn dịch bệnh, tiêm vaccine đầy đủ, vì chúng ta không thiếu vaccine.
Muốn chống dịch hiệu quả, hướng tới việc xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh đạt chuẩn thì điều quan trọng nhất, vẫn cần sự chủ động của người dân, chủ trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi. Khi thấy lợn có dấu hiệu bị bệnh, phải báo ngay cho cơ quan thú y, đặc biệt là không được giấu dịch, không bán chạy lợn.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!