Làng quê yên bình nằm nếp mình bên dòng Sông Vệ (xã Đức Thắng, Mộ Đức, Quảng Ngãi) những ngày giáp tết lại bộn rộn hơn nhiều. Người dân quê tôi lại tất bật lo mọi thứ để chuẩn bị đón tết, vui xuân được ấm cúng. Và đâu đó nồi bánh tét ngày cuối năm không thể thiếu đối với mỗi gia đình. Nếu trong mỗi chúng ta, đi làm ăn đâu xa, và có những người đã lập gia đình rồi lỡ không về quê nhà đón tết cùng gia đình, thì tết đó thiếu đi một cái gì đó mà khó lòng nói ra được.
Bao lo lắng để ngày về quê kịp đón tết cùng gia đình cũng đến. Trên tay xách đủ thứ quà của người con xa xứ bao năm về quê đón tết, khiến cho đôi tay tôi mỏi nhừ. Hơn 16 giờ đồng hồ ngồi tàu từ Sài Gòn về quê nghèo tỉnh lẻ miền Trung cũng khá vất vả, nhưng trong lòng cảm thấy vui. Vui vì năm này mình được đón tết nơi mình đã sinh ra và lớn lên trong vòng tay yêu thương của mọi người.
Xa quê nhiều năm học tập và công tác, hương vị, không khí những ngày giáp tết cũng theo đó mà lùi dần vào quá khứ. Nơi Sài thành, tôi chỉ biết lo công việc cơ quan, rồi tất niên cuối năm ở cơ quan này, ban ngành nọ. Chỉ đến khi nghỉ tết về quê mới cảm nhận được không khí hối hả, tất bật của mọi nhà, mọi gia đình để chuẩn bị đón tết cổ truyền của dân tộc. Đó là khoảng thời gian thấy ấm cùng và hạnh phúc nhất.
Cả gia đình quây quần gói bánh tét những ngày giáp tết. |
Vừa về đến nhà, đã thấy ba, mẹ bày nong lá chuối và thúng nếp, đậu xanh, thịt và các loại gia vị hành mỡ, cùng đống lạc tre dùng làm dây buộc, chuẩn bị gói những đòn bánh tét cho ngày tết. Quê tôi dù con nhiều khó khăn, nhưng mỗi khi tết đến thì mọi nhà không thể thiếu nồi bánh tét. Đây là những hương vị làm nên không khí ngày tết thêm ấm cúng và mặn nồng.
Đối với các gia đình trong mấy ngày tết, thiếu đi những đòn bánh tét, coi như cái tết không được trọn vẹn. Vì thế dù khó khăn đến mấy, họ cũng cố lo cho được những đòn bánh tét để làm cho không khí ngày tết thêm phong phú và vui hơn. Có lẽ phong tục gói bánh tét ngày tết đã ăn sâu trong tiềm thức người dân quê tôi.
Sau khi gói xong cũng là trời vừa tối, ba tôi lại cho lên bếp lớn mới được kê bằng ba viên đá cỡ lớn giữa sân để bắt đầu nấu. Ánh đèn điện bùng sáng, nồi bánh tét cũng ngùn ngụt lửa đỏ bừng. Tiếng củi cháy nổ tanh tánh, tôi cùng ba, mẹ và đứa em lại vây quần bên nồi bánh tét.
Không gian màng đêm nặng mùi khói lửa, ba bắt đầu kể về những chuyện làm ăn năm qua. Kể về những thay đổi cuộc sống của gia đình và các gia đình xung quanh. Câu chuyện ba kể có phần vui hơn những năm về trước, nhờ điều kiện kinh tế được khá hơn, nên quê nhà đón tết với nhiều thứ ấm no hơn.
Những câu chuyện đời trong năm được ba ghi nhớ để dịp cuối năm mang ra kể như một điều gì đó mà bà bà xưa vẫn hay làm. Cứ thế ba kể trong hơi ấm của nồi bánh tét đang được nấu chín dần, thỉnh thoảng ba lại dừng lại để đẩy lửa, và câu chuyện ngắt quảng đôi chút.
Nồi bánh tét đã được bắt đầu nấu. |
Bên bếp lửa đỏ bừng, sau câu chuyện làm ăn năm qua, ba tôi lại truyền “bí kiếp” để làm sao nấu bánh tét được ngon, dẻo và chín đều, để được lâu.
Ba nói: “Ngoài việc lựa chọn những loại nếp thơm dẻo, ngon và nhân đảm bảo thì cách nấu cũng khá quan trọng. Trước khi nấu, cần cho bánh vào một lượt trong nồi, đổ nước lạnh vào ngập sâm sấp bánh. Sau đó đun lửa cháy đều cho nồi bánh sôi ùn ục quanh đều, giữ đều lửa để bánh chín dần.
Nấu từ 8 đến 9 giờ đồng hồ, bánh tét mới chín, sau đó nhỏ lửa và để ngâm khoảng vài giờ đồng hồ vớt bánh ra để ráo và treo lên”. Bằng cách nấu này đòn bánh tét sẽ giữ được lá xanh, cây bánh đẹp và để được lâu ngày, khi dùng cũng rất ngon”.
Những câu chuyện được ba kể quanh bếp lửa hồng nấu bánh. |
Quê tôi giờ kinh tế có phần khá hơn, cuộc sống còn hiện đại nên một số gia đình không còn mặn mà gói bánh tét. Nhưng điều đó không có nghĩa phong tục gói bánh tét ngày tết bị mai một. Một số gia đình còn nặng lòng với việc gói bánh tét lại trổ tài gói theo đơn đặt hàng cho mỗi gia đình. Cách làm như thế cũng tiện lợi nhưng tết nhà nào cũng có đòn bánh tét để cúng ông bà tổ tiên, đãi khách trong những ngày tết.
Bà Nguyễn Thị Hải (xã Đức Thắng, Mộ, Đức, Quảng Ngãi) có thâm niên trong nghè gói bánh tét theo đơn đặt hàng nhiều năm nay chia sẻ “Trong ba ngày cuối tháng chạp này, mỗi ngày gói trên 100 đòn bánh tét, để giao cho các gia đình. Trung bình mỗi đòn bán với giá từ 30 đến 40 chục ngàn/đòn. Nhẫm tính mấy ngày tết này kiếm cũng vài triệu đồng để lo sắm sửa mọi vật dụng cho ngày tết của gia đình”.
Những đòn bánh tét đã chín và vớt ra chờ khoảng khoắc năm mới. |
Đòn bánh tét quê tôi trong những ngày này giáp tết ai cũng nhắc đến. Ra tới đầu ngỏ đã nghe mọi người bảo nhau, nồi bánh đã chín chưa, tết đã cận kề rồi. Không biết tự bao giờ nồi bánh tét ngày tết, hay nói cách khác, nồi bánh của đêm giao thừa đã trở thành nét văn hóa, một phong tục không thể thiếu đối với mỗi gia đình quê tôi. Mà sâu xa hơn đó là nét văn hóa từ ngàn đời nay của dân tộc ta mỗi độ tết đến, xuân về.
Chỉ còn khoảng thời gian ngắn nữa thôi, nồi bánh tét của ba sẽ chín, khoảnh khắc đêm giao thừa cũng đến, cả gia đình tôi quay quần bên hơi ấm để đón năm mới. Và sáng ngày đầu năm (tức sáng ngày mùng Một Tết) cổ truyền, ba, mẹ lại hướng dẫn tôi tét bánh để dâng cúng ông bà, tổ tiên ngày đầu năm mới, sau đó thưởng thức hương vị mặng nồng của bánh tét ngày tết, với lời chúc mọi sự điều tốt lành và an vui.
Đức Thắng