Từ năm 2007, anh Lê Văn Thảo gắn bó với đất rừng thôn Chiến Thắng, nằm dưới chân núi Chiêu Lầu Thi. Năm 2016, anh Thảo bắt đầu thử nghiệm trồng cây Tam thất hoang và sâm Vũ Diệp từ những củ giống thu mua lại của bà con trong vùng. Hiện nay, vườn ươm của anh với hơn 300 cây Tam thất các loại đang sinh trưởng, phát triển tốt, đã có thể nhân giống.
Anh Lê Văn Thảo giới thiệu về cây dược liệu quý, hiếm.
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn ươm, anh Thảo kể về cơ duyên với nghề trồng Tam thất hoang. Anh cho biết, bản thân biết đến cây Tam thất hoang và sâm Vũ Diệp từ lâu, đây là những loài dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao được thương lái Trung Quốc tìm mua rất nhiều. Do giá trị kinh tế lớn nên các loại sâm này bị săn lùng mạnh khiến số lượng cây ngoài tự nhiên sụt giảm nghiêm trọng. Từ mong muốn bảo vệ và nhân giống loại cây dược liệu quý, hiếm này, anh Thảo đã nảy ra ý tưởng ươm trồng cây Tam thất hoang và sâm Vũ Diệp.
Vườn ươm Tam thất hoang và sâm Vũ Diệp của anh Lê Văn Thảo.
Trồng, chăm sóc Tam thất hoang, sâm Vũ Diệp đòi hỏi nhiều công sức, kỹ thuật và để 2 loại dược liệu này ra hoa, cho hạt làm giống càng khó hơn. Bên cạnh đó, vì giá trị kinh tế của các loại sâm và Tam thất này rất cao nên việc bảo vệ số cây gây giống cũng là một vấn đề.
Đầu năm vừa qua, vườn ươm của anh nhiều lần bị trộm “ghé thăm”. Với 12 ha Thảo quả cộng với vườn ươm Tam thất, anh Thảo thuê 2 công nhân chăm sóc vườn ươm; vào vụ thu hoạch Thảo quả, mỗi ngày anh thuê từ 10 – 15 lao động.
Sau gần 2 năm trồng, chăm sóc, vườn ươm của anh Thảo đang cho những tín hiệu đáng mừng. Với sự hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc của Viện Dược liệu T.Ư, năm 2017 anh Thảo trồng mới 1 ha Tam thất hoang từ hạt giống của các cây trong vườn ươm, cây đã nảy mầm và sinh trưởng tốt.
Anh Thảo cho biết, với 300 cây giống từ vườn ươm đang nhân giống và trồng thí điểm xen kẽ với diện tích Thảo quả, khi số lượng cây tăng lên sẽ chia sẻ cho bà con trong vùng, giúp bà con phát triển kinh tế từ lợi thế của địa phương.
Theo anh Thảo, hiện nay, giá Tam thất hoang và sâm Vũ Diệp trên thị trường rất cao, có khi lên tới cả chục triệu đồng/kg. Nếu ươm trồng thành công, sẽ mở ra hướng mới trong phát triển kinh tế, mang lại hiệu quả cao cho bà con xã Hồ Thầu.