Vietjet Air của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo liên tiếp xảy ra sự cố
Trong 3 ngày 24, 25, 26.12, hãng Hàng không Vietjet của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo liên xảy ra 3 sự cố hàng không khiến cho hành khách lo sợ. Đáng lo ngại nhất là vào ngày 24.12, trên chuyến bay VJ861 thuộc hãng hàng không Vietjet có hành trình dự kiến từ sân bay Incheon (Hàn Quốc) đi sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất nhưng sau khi cất cánh khoảng 2 tiếng, cơ trưởng quyết định hạ cánh xuống Đài Bắc (Đài Loan).
Xác minh sự cố máy bay ở sân bay Nội Bài.
Ngày 25.12, chuyến bay VJ689 của hãng hàng không Vietjet (VJA) bay từ gảng hàng không quốc tế Cam Ranh đi TP.HCM tiếp tục gặp sự cố máy bay Vietjet, tổ bay xin quay lại hạ cánh tại cảng hàng không quốc tế Cam Ranh và đã hạ cánh nhầm xuống đường cất hạ cánh (CHC) chưa đưa vào khai thác.
Ngày 26.12, chuyến bay VJ513 dự kiến khởi hành từ Hà Nội đi Đà Nẵng lúc 6 giờ. Tuy nhiên, khi máy bay bắt đầu tăng tốc chạy đà để cất cánh thì đột ngột giảm tốc rồi quay lại sân đậu để kiểm tra.
Nhận định về sự cố máy bay này, Vietjet cho biết, tình huống chuyến bay bay tạm hoãn để kiểm tra kỹ thuật cũng thường gặp trong hoạt động khai thác đối với các hãng hàng không và chiếm khoảng 0,25 lần/1.000 chuyến bay của các hãng trên thế giới.
Nữ tỷ phú USD Nguyễn Thị Phương Thảo
An toàn của hành khách luôn được đặt lên hàng đầu. Mỗi cảnh báo, dù là nhỏ nhất, đều phải được kiểm tra, xử lý đúng quy trình. Hãng hàng không Vietjet của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo mong hành khách thông cảm về tình huống mang tính đặc thù ngành nghề.
Để đảm bảo an toàn bay, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ trưởng Bộ GTVT trực tiếp chỉ đạo kiểm tra toàn bộ quy trình, quy định trong lĩnh vực hàng không, cơ sở hạ tầng cảng hàng không, sân bay (đặc biệt là khu bay và hệ thống quản lý hoạt động bay).
Ngày 27.12, Cục Hàng không Việt Nam cho biết đã thành lập 7 đoàn kiểm tra giám sát đặc biệt đối với hãng hàng không Vietjet. Việc kiểm tra, giám sát được thực hiện từ 28.12.2018 đến ngày 15.1.2019.
Bamboo Airways hoãn chuyến bay thử đầu tiên
Theo kế hoạch công bố trước đó từ đối thủ mới của Vietjet Air trong lĩnh vực hàng không là công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Bamboo Airway) sẽ cất cánh chuyến bay thương mại đầu tiên từ ngày 27 – 29.12
Tuy nhiên, trái dự kiến, ngày 27.12, Bamboo Airways của ông Trịnh Văn Quyết đã lùi kế hoạch khai thác thương mại bằng máy bay A321 NEO dự kiến sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 1.2019 nhằm chuẩn hóa mọi công tác khai thác và phục vụ hành khách.
Lý do hoãn của chuyến bay thử, Bamboo Airways tiếp tục trải qua quá trình thẩm định chặt chẽ từ phía các nhà chức trách liên quan đến các công đoạn cuối cùng trước khi cất cánh. Việc này là cần thiết do vấn đề an toàn bay phải được đặt lên hàng đầu. Bamboo Airways đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để mọi công tác chuẩn bị cho chuyến bay đầu tiên phải được hoàn thiện một cách cẩn trọng và chuẩn xác. Do đó, việc điều chỉnh lịch cất cánh là cần thiết và bắt buộc.
Trước đó, ngày 17.12 đại diện Bamboo Airways xác nhận và cho biết máy bay đầu tiên của đơn vị này đã về đến sân bay Nội Bài và sẽ khởi hành chuyến bay đầu tiên được dự kiến vào ngày 27.12. Đây là chiếc Airbus A319 số hiệu 2568 mà Bamboo Airways thuê từ Công ty WWTAI AIROPCO II DAC với thời hạn 48 tháng.
Cũng theo kế hoạch, Bamboo Airways chuẩn bị 20 máy bay ngay trong thời gian đầu cất cánh vào quý I.2019 và tăng lên 40-50 chiếc trong năm 2019. Trong đó, dòng máy bay thân rộng của Airbus và Boeing cũng sẽ được bổ sung trong đội tàu bay này.
Nữ diễn viên Diệu Thúy
Nữ phi công đầu tiên của hãng bay này là 1 gương mặt quen thuộc, nữ diễn viên Diệu Thúy (Diệu Thúy chia sẻ trên Facebook cá nhân)
Được biết, Bamboo Airways được Tập đoàn FLC của đại gia Trịnh Văn Quyết thành lập giữa năm ngoái, với vốn điều lệ 700 tỷ đồng. Tháng 7.2018, FLC tuyên bố bỏ thêm 600 tỷ để tăng vốn điều lệ của hãng bay này lên 1.300 tỷ đồng. Với dự án này, FLC đặt mục tiêu đưa Bamboo Airways trở thành một trong những hãng bay hàng đầu Việt Nam.
Bamboo Airways dự kiến sẽ khai thác 100 đường bay kết nối tất cả thành phố lớn và điểm đến du lịch nổi tiếng tại Việt Nam và quốc tế. Các tuyến bay nội địa đầu tiên dự kiến sẽ là các tuyến Hà Nội - Quy Nhơn, Hà Nội - Đồng Hới, TP.HCM - Quy Nhơn, Hà Nội – TP.HCM, TP.HCM - Vân Đồn…
Với sự tham gia của Bamboo Airways, cuộc chiến thị phần hàng không sẽ trở nên khó khăn hơn. Đặc biệt, với chiến lược hiện nay của Bamboo Airways có thể nhận thấy, đối thủ cạnh tranh trực tiếp của hãng hàng không này chính là những ông trùm tên tuổi như VietNam Airlines hay Vietjet Air.