Ngày 28.12, một số doanh nghiệp xuất nhập khẩu gỗ từ Lào về Việt Nam bị “ách” lại do thông báo 149 của UBND tỉnh Quảng Nam tiếp tục phản ánh với Dân Việt họ bị "o ép" phải tạm dừng xuất nhập khẩu gỗ.
Doanh nghiệp cho rằng “bị ép”.
Trao đổi với Dân Việt, ông Lê Sỹ Hùng - Giám đốc Công ty TNHH MTV TM Tiến Dũng Gia Lai cho biết: Hôm qua ông mới nhận được thông tin qua báo Dân Việt về việc Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói rằng, sẽ xem xét phương án cho vận chuyển số gỗ bị tồn ứng ở Lào để đưa về cửa khẩu Đắc Ốc (huyện Nam Giang), nhưng phải đúng trọng tải, đúng hồ sơ pháp lý.
Ông Đinh Văn Thu (Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam) còn nói rằng, từ khi tỉnh ra thông báo 149, các doanh nghiệp không đến tỉnh phản ánh về số gỗ đã hợp đồng.
“Ông Đinh Văn Thu trả lời với báo chí chứ doanh nghiệp chúng tôi chưa nhận được thông báo nào của tỉnh sẽ thu hồi lại thông báo số 149 và quyết định cho vận chuyển gỗ tồn ứ bên Lào về Việt Nam qua đường cửa khẩu Đắc Ốc” - ông Hùng phản pháo.
Cửa khẩu Nam Giang (Quảng Nam) nơi đang bị tạm dừng xuất nhập khẩu gỗ từ bên Lào về do thông báo số 149 của UBND tỉnh Quảng Nam
Ông Lê Sỹ Hùng còn bức xúc việc ông Đinh Văn Thu nói rằng, qua 6 tháng ra thông báo mà các doanh nghiệp không đến tỉnh phản ánh về số gỗ tồn đọng bên Lào.
“Về việc này, các doanh nghiệp chúng tôi nhận thông báo số 149, nhưng nghĩ rằng UBND tỉnh Quảng Nam chỉ ra thông báo tạm thời trong thời gian nhất định để khắc phục sự cố đường sá chứ đâu nghĩ là UBND tỉnh “cấm” đường trong thời gian dài đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu gỗ của chúng tôi như vậy?
Thứ hai, vì đây là cửa khẩu Quốc tế và đường QL14D này do trung ương quản lý, nếu đường hư hỏng thì tỉnh hãy kiến nghị với trung ương có biện pháp tạm ngừng chứ vì sao tỉnh lại ra thông báo tạm dừng trong thời gian dài như vậy.
Việc này, chúng tôi thấy lý do là không phù hợp với Nghị định số 112 của Chính phủ quy tại điều 17, thẩm quyền hạn chế hoặc tạm dừng các hoạt động qua lại biên giới tại của khẩu biên giới với lý do quốc phòng, an ninh, thiên tai, phòng chống dịch bệnh, lý do đặc biệt khác hoặc theo đề nghị của các nước láng giềng, quyền quyết định hạn chế hoặc tạm dừng các hoạt động qua lại biên giới tại cửa khẩu được giới hạn quy định như sau: Thủ tướng Chính phủ quyết định hạn chế hoặc tạm dừng các hoạt động qua lại biên giới tại cửa khẩu quốc tế theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ quốc phòng hoặc Bộ trưởng Bộ Công an.
Riêng Chủ tịch UBND tỉnh chỉ có quyết định việc hạn chế hoặc tạm dựng các hoạt động qua lại biên giới tại cửa khẩu chính theo đề nghị của Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh không quá 24 giờ.
Như vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam không có thẩm quyền hạn chế hoặc tạm dừng các hoạt động qua lại biên giới tại của khẩu Đắc Ốc” - ông Hùng bức xúc.
Thông báo số 149 của UBND tỉnh Quảng Nam chỉ tạm dừng xuất nhập khẩu gỗ chứ các loại xe khác không "cấm"
Cũng theo ông Lê Sỹ Hùng, từ khi có thông báo số 149 của tỉnh Quảng Nam, không riêng gì doanh nghiệp ông tồn đọng hàng ngàn khối gỗ xẻ bên Lào, mà còn rất nhiều doanh nghiệp khác cũng lâm vào đường cùng. Nhiều loại gỗ xẻ đã xuất hiện hư hỏng, xuống cấp do không vận chuyển được về Việt Nam.
“Hiện số gỗ hư hỏng, chúng tôi đành bán đổ bán tháo ở bên Lào cho người dân sử dụng nhằm thu lại chút vốn trả tiền ngân hàng” - ông Hùng nói.
Ngoài ra, ông Hùng còn cho biết, vì sao tỉnh Quảng Nam chỉ ra thông báo tạm dừng xuất khẩu gỗ đối với các doanh nghiệp chúng tôi và họ cho rằng do đường hư hỏng, xuống cấp. Nếu đã đường hư hỏng, xuống cấp thì tỉnh phải cấm toàn bộ các loại xe trọng tải chở đất, đá lớn khác chứ.
“Chúng tôi xuất nhập khẩu gỗ có hợp đồng, chứng từ hẳn hoi, khi vận chuyển xuất nhập khẩu qua cửa khẩu có Hải quan, các cơ quan chức năng, thuế đàng hoàn chứ có phải đi “ăn trộm” gỗ gì đâu. Ngoài ra, nếu xe vận chuyển gỗ vượt quy định thì Cảnh sát giao thông có quyền bắt giữ, nếu vận vận chuyển gỗ lậu thì cảnh sát có quyền bắt. Vậy sao lại đi cấm mỗi việc xuất nhập khẩu gỗ, việc cấm này đối với các doanh nghiệp chúng tôi là bị ép” - ông Hùng chia sẻ.
Tỉnh sẽ xử lý sớm cho doanh nghiệp?
Để thông tin đa chiều, trước đó trả lời Dân Việt, ông Lê Văn Sinh - Giám đốc Sở Giao thông tỉnh Quảng Nam cho rằng: “qua rà soát của Sở thì Sở chưa có bất cứ một văn bản hay tham mưu nào gửi UBND tỉnh về việc cấm hay không cấm ô tô tải nặng lưu thông trên tuyến Quốc lộ 14D”
Còn ông Đinh Văn Thu - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: “Việc tạm dừng này là xuất phát từ đường hư hỏng, xuống cấp chứ không phải họ đang xuất nhập khẩu gỗ mà tỉnh Quảng Nam tạm dừng. Vì tuyến đường này do trung ương quản lý, trước khi tạm dừng, tỉnh đã liên tục báo cáo với trung ương xin kinh phí sửa chữa, nhưng trung ương chưa sắp xếp tài chính để sửa chữa.
Để đảm bảo an toàn giao thông, nên tỉnh mới thông báo cấm các phương tiện có tải trọng nặng, trong đó xe vận chuyển gỗ, chứ các loại xe khác, giao thương khác không cấm”.
Đơn kêu cứu của gần chục doanh nghiệp xuất nhập khẩu gỗ với UBND tỉnh Quảng Nam và báo Dân Việt
Cũng theo ông Đinh Văn Thu: “Cách đây một tuần, UBND tỉnh mới nhận được đơn kêu cứu của 6 doanh nghiệp xuất nhập khẩu gỗ. Tỉnh sẽ tiếp thu và giao cho các ngành chức năng xem xét thực tiễn.
Nếu đây là hợp đồng có thể gây trở ngại việc mua bán xuất nhập khẩu của doanh nghiệp thì tỉnh xem xét phương án cho vận chuyển số gỗ trên để đưa về cửa khẩu Đắc Ốc, nhưng phải đúng trọng tải, đúng hồ sơ pháp lý.
Trước giải tỉnh sẽ giải quyết trước cho các doanh nghiệp rồi báo cáo trung ương sau…” .
Thông qua báo Dân Việt, gần chục doanh nghiệp xuất nhập khẩu gỗ mong rằng UBND tỉnh Quảng Nam sớm có quyết định cho phép họ được vận chuyển số gỗ đã hợp đồng về cửa khẩu Đắc Ốc trong thời gian sớm nhất.
Dân Việt tiếp tục thông tin./.