Dân Việt

Ðừng để nông thôn bị biến thành kẻ thừa

12/02/2013 17:28 GMT+7
(Dân Việt) - Nếu không kịp thời có những cải cách mạnh mẽ, làng quê Nga sẽ có rất nhiều bất ổn. Các nhà lãnh đạo cần nhận thức rõ điều đó.

Trong bản “Thông điệp nước Nga” được trình bày trước toàn thể quốc dân đồng bào giữa tháng 12 mới đây, Tổng thống Nga Putin khẳng định: Trong những năm tới, nước Nga phải tự chủ hoàn toàn về lương thực, thực phẩm, và sau đó - trở thành nhà cung cấp thực phẩm lớn trên thế giới. Trên toàn thế giới, nhu cầu về lương thực đang tăng mạnh.

Và Nga, quốc gia đang sở hữu hơn một nửa diện tích đất canh tác trên toàn thế giới, hoàn toàn có thể trở thành một cường quốc về sản xuất và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp.

img
Phong cảnh nông thôn Nga xưa.

20.000 ngôi làng biến mất

Mong muốn thì như vậy, nhưng phải thừa nhận rằng nông thôn, nông nghiệp Nga đang trải qua những ngày tháng khó khăn nhất: Ngân sách dành cho nông nghiệp ít ỏi, những làng quê đang mất đi, hơn 40 triệu héc ta đất bị bỏ hoang, diện tích đất được cải tạo giảm khoảng 10 lần, thiếu hụt phân bón và nhiều vật tư nông nghiệp khác... Làng quê đang đói nghèo và thất nghiệp. Thu nhập của người dân khu vực nông thôn chỉ bằng một nửa mức thu nhập trung bình xã hội. Tỷ lệ đói nghèo ở nông thôn cao gấp 1,6 lần thành phố.

Chính sách giải thể các nông trường XHCN thời Xô-viết, phá bỏ nền sản xuất nông sản lớn, thay vào đó là những cơ sở sản xuất nhỏ, những gia trại, trang trại manh mún mà nước Nga bắt đầu tiến hành từ những năm 90 của thế kỷ trước, đã bộc lộ những bất cập. Do chưa được tạo điều kiện tốt, kinh tế gia trại, trang trại những năm qua tỏ ra không hiệu quả, thua lỗ. Những cải cách không đúng đắn về giáo dục, y tế đã xóa sổ nhiều trường học, bệnh viện, câu lạc bộ, thư viện… ở nông thôn Nga, khiến nhiều gia đình phải bỏ quê di cư lên phố.

img
 

Dân số nông thôn sụt giảm. Trong vòng 2 thập kỷ trở lại đây khoảng 20.000 ngôi làng đã biến mất. Một số lượng xấp xỉ như vậy đang thoi thóp trong những ngày tồn tại cuối cùng.

Anatoli Sokolov là nhà Việt Nam học người Nga với rất nhiều công trình nghiên cứu về văn học, lịch sử Việt Nam và mối quan hệ giữa hai nền văn hóa Nga - Việt đã được xuất bản ở VN và Nga. Ông cũng đồng thời là dịch giả cuốn “Nhật ký Ðặng Thùy Trâm” ra tiếng Nga (cùng với TS Lê Văn Nhân). Tiêu đề bài viết và các title phụ do Tòa soạn đặt.

Thành viên Viện Hàn lâm khoa học nông nghiệp Nga, Giáo sư Mikhail Korobeinhikov đã từng đau đớn cảnh báo : “Chúng ta đang đánh mất đất nước mình với tốc độ vài phần trăm/năm. Nếu không có những giải pháp hữu hiệu, những diện tích đất khổng lồ sẽ hoàn toàn bị bỏ hoang trong vòng 10 năm tới. Và phải làm gì để ngăn chặn tình trạng đó? Câu trả lời cho đến nay vẫn chưa có. Việc nông thôn đang bị biến thành kẻ thừa trên chính đất nước sẽ rất có thể làm chính thể này sụp đổ. Và các nhà lãnh đạo cần phải nhận thức được điều đó”.

Năm 2009, tổng sản lượng của nông nghiệp Nga chỉ bằng 85-87% sản lượng của năm 1990 – thời điểm trước khi Liên bang tan rã. Muốn quay trở lại sản lượng như của năm 1990, với tốc độ như hiện nay các chuyên gia cho rằng ít nhất phải mất hàng thế hệ nữa. Sản xuất nông nghiệp không nuôi nổi đất nước. 35% lương thực, thực phẩm mà người Nga sử dụng là nhập ngoại.

Niềm tin chưa bị đánh mất

Thế nhưng niềm tin vẫn chưa bị đánh mất. Bất chấp hiện trạng tồi tệ hiện nay, ông Konstantin Babkin- Chủ tịch Tập đoàn Rosagromas - một trong những doanh nghiệp nông nghiệp hàng đầu đất nước, cho rằng vài năm gần đây, chính quyền Nga bắt đầu quan tâm hơn đến nông nghiệp, nhìn nhận đúng hơn vai trò của nông nghiệp, nông thôn. Năm 2010, Nghị quyết về An ninh lương thực quốc gia đã được ban hành, mở ra những chân trời mới cho việc lập kế hoạch mở rộng và phát triển nông nghiệp. Chương trình phát triển nông nghiệp quốc gia 2013 – 2020 cam kết nông nghiệp sẽ phải tăng trưởng với tốc độ 16%/năm trong suốt 8 năm tới.

Nếu thực hiện quyết liệt Chương trình phát triển nông nghiệp quốc gia, kinh tế khu vực nông thôn chắc chắn sẽ tăng trưởng. Nhưng như thế là chưa đủ. Cần phải cải tổ nông nghiệp một cách toàn diện, có hệ thống, giải quyết được những vấn đề gốc rễ như vấn đề ủng hộ tài chính của Nhà nước, tổ chức sản xuất, hệ thống an sinh xã hội, áp dụng khoa học công nghệ, bài toán nhân lực… Phải hạ lãi suất tín dụng cho sản xuất nông nghiệp. Phải làm sao để nông nghiệp trở thành một ngành hấp dẫn, có lãi.

Theo số liệu năm 2010, 45% sản phẩm nông nghiệp Nga được sản xuất bởi các doanh nghiệp lớn, 45% của doanh nghiệp vừa và nhỏ, 10% còn lại do các gia trại, trang trại của nông dân. Nhưng trụ cột chắc chắn của tương lai sẽ là các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa nông nghiệp quy mô lớn. Bởi họ có năng suất lao động cao – điều mà nông nghiệp Nga hiện rất thiếu. Kinh nghiệm của các nước phương Tây (và của cả nước Belarrus láng giềng) cho thấy quá trình hoạt động của những doanh nghiệp quy mô lớn này sẽ là cơ sở để hình thành những đô thị nông nghiệp. Và chỉ những đô thị nông nghiệp mới có thể không những tổ chức tốt quy trình sản xuất hàng hóa, mà còn có thể tạo ra các điều kiện sống đúng với những chuẩn mực hiện đại. Xây dựng nhà cửa, đường sá, bảo đảm những điều kiện học hành, tập luyện thể thao, giáo dục, chăm sóc y tế, nghỉ ngơi giải trí... - Như vậy mới có thể giữ chân cư dân nông thôn, đặc biệt là giới trẻ. Nếu nông dân không chịu ở lại làng thì đừng mong đến bất cứ cải cách gì.

(Viết riêng cho NTNN)
Quang Phương (dịch)