Dân Việt

Nông dân 4.0 có gì khác biệt?

Khánh Nguyên 29/12/2018 14:00 GMT+7
Năm 2018, lần đầu tiên, Báo NTNN/Dân Việt phối hợp với Bộ NNPTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức cuộc thi: “Tôi là nông dân 4.0”, đã có 10 nông dân mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ, tạo ra bước đột phá trong sản xuất được trao giải. Vậy những nông dân 4.0 có điều gì khác biệt?

Những người mở đường

Gọi là “người mở đường” bởi họ luôn tìm tòi những cách làm mới, thậm chí dám mạo hiểm bước vào con đường chưa ai từng đi để thử nghiệm. Có những thất bại, có những đổ vỡ nhưng kết quả họ thu được là thành quả của một quá trình nỗ lực vươn lên.

img

img

Mô hình nuôi tôm trong hồ tròn của ông Long Văn Nghĩa, dự án đoạt giải Nhì cuộc thi “Tôi là nông dân 4.0” lần thứ nhất mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội.  Chúc Ly

Cuộc thi “Tôi là nông dân 4.0” lần thứ hai 2019 có tổng giá trị giải thưởng lên tới 205 triệu đồng. Năm nay, Ban tổ chức sẽ trao thêm giải thưởng dành cho dự án có quy mô lớn nhất, dự án ứng dụng công nghệ hiệu quả nhất, dự án thân thiện với môi trường, dự án có triển vọng nhất… Trên các số báo ra ngày thứ Tư hàng tuần bắt đầu từ ngày 1.1.2019, Ban tổ chức cuộc thi sẽ lựa chọn những dự án tiêu biểu giới thiệu tới bạn đọc.

Như “vua chuối” Võ Quan Huy ở xã Hiệp Hòa (Đức Hòa, Long An) khi dám một mình khai phá vùng “đất chết” chỉ toàn đước và tràm để trồng chuối, nuôi bò, bởi khi đó ông đã nhìn thấy chuối sẽ là một mặt hàng xuất khẩu quan trọng, là cây trồng chủ lực ở nhiều địa phương.

Nhưng nếu chỉ trồng chuối như nhiều người khác thì Võ Quan Huy không thể trở thành nông dân 4.0. Điều đáng ghi nhận là, chuối tại trang trại của ông được trồng theo quy trình sạch. Để đáp ứng yêu cầu của các nước, ông Huy xây dựng hệ thống sản xuất khép kín từ giống, chăm sóc cho đến đóng gói đưa vào kho lạnh tại trang trại. Để bảo đảm trái chuối không bị va đập trong quá trình vận chuyển, ông Huy xây dựng hệ thống vận chuyển bằng ròng rọc trên cao dài hàng trăm km quanh trang trại. Các buồng chuối theo hệ thống này tự động vận chuyển về khu xử lý. Khi trái chuối lớn, từng buồng được “mặc áo” để ngăn chặn sâu bệnh, côn trùng. Đến khi thu hoạch, nhân viên đóng gói bắt đầu quy trình “xử lý từng trái”, loại bỏ những trái xấu.

Bây giờ, khi đã thành công với việc đưa chuối xuất ngoại sang nhiều thị trường, ông Võ Quan Huy lại chuyển sang nuôi bò Nhật.

Trong khi đó, nông dân 4.0 Võ Văn Sơn - người đoạt giải Nhì cuộc thi “Tôi là nông dân 4.0 lần thứ nhất” với dự án nuôi tôm thẻ chân trắng áp dụng công nghệ cao cũng là người có công mở ra hướng làm ăn mới cho nhiều nông dân xã Phước Dinh (Thuận Nam, Ninh Thuận). Đó là thời điểm ông quyết định bỏ con tôm sú đang bị dịch bệnh, thua lỗ chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Hiện nay, với diện tích gần 50ha nuôi tôm, bình quân năng suất từ 12 - 15 tấn/ha, giá bán dao động từ 110.000 – 150.000 đồng/kg, trừ chi phí mỗi năm ông Sơn lãi gần 30 tỷ đồng.

Đón đầu công nghệ mới

Không chỉ là những người mở đường cho một cách làm mới, một hướng đi khác, những nông dân 4.0 còn mạnh dạn đón đầu, áp dụng những công nghệ mới vào sản xuất.

Điển hình như ông  Long Văn Nghĩa, ấp 15, xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, Bạc Liêu với dự án xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) siêu thâm canh hai giai đoạn trong hồ khung sắt tròn lót bạt HDPE tuần hoàn nước áp dụng công nghệ biofloc; bà Phạm Thị Huân, 22 Nguyễn Đình Chi, P.9, Q.6, TP.Hồ Chí Minh với dự án xử lý trứng công nghệ cao; ông Cao Phát Triển, quận Ô Môn, Cần Thơ với dự án thiết kế và lắp đặt hệ thống tưới nước và phun thuốc tự động điều khiển từ xa bằng điện thoại di động; ông Nguyễn Phước Việt Cường, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp với dự án mô hình trồng rau ăn lá bằng công nghệ thủy canh; bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, TP.Đà lạt, Lâm Đồng với dự án sản xuất rau sạch ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt... Ưu điểm của những mô hình này là tiết kiệm chi phí nhân công, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, thân thiện với môi trường…

Mong có thêm nhiều nông dân 4.0

Đây chính là lý do, Báo NTNN/Dân Việt tiếp tục tổ chức cuộc thi “Tôi là nông dân 4.0” lần thứ hai với nhiều đổi mới, sáng tạo. Với mong muốn cuộc thi ngày một phát triển hơn, ông Võ Văn Sơn cho rằng: "Trong thời gian tới, Ban tổ chức cuộc thi cần tuyên truyền nhiều hơn và mở rộng đối tượng dự thi rộng hơn ra nhiều lĩnh vực hơn nữa để nông dân cả nước cùng đua tài. Từ đó sẽ giúp cho sản phẩm, đối tượng dự thi được đa dạng, phong phú hơn".

Là một trong số 2 tác giả nữ được nhận giải cao trong cuộc thi "Tôi là nông dân 4.0" lần thứ nhất, bà Phạm Thị Huân (Ba Huân) cho hay: "Tôi mong cuộc thi sẽ tiếp tục tôn vinh thêm nhiều nông dân 4.0 hơn nữa để nông dân cả nước có động lực ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất. Bà con không nên lầm tưởng áp dụng công nghệ cao, làm nông dân 4.0 là tốn kém, đòi hỏi trình độ quá cao siêu mà mọi người nên bắt đầu từ cái nhỏ rồi làm đến cái lớn, công nghệ nào chưa biết thì chúng ta tiếp tục học tập, nghiên cứu".

Ban tổ chức cuộc thi “Tôi là nông dân 4.0” lần thứ hai mong muốn tạo động lực giúp nông dân, những người đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nâng cao hiểu biết và khả năng ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng mạng xã hội, Internet trong sản xuất.

Các cá nhân có nhu cầu tham gia có thể gửi dự án theo địa chỉ: Ban thư ký cuộc thi “Tôi là nông dân 4.0”, Ban Hội – TN - Báo Nông thôn Ngày nay, Lô E2, Khu đô thị mới Cầu Giấy, đường Dương Đình Nghệ, Quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ngoài ra, cá nhân hoặc nhóm cá nhân dự thi có thể gửi thêm bản mềm của bộ hồ sơ dưới dạng PDF file và clip gửi qua đường thư điện tử: anhthontnn@gmail.com hoặc liên hệ trực tiếp với bà Anh Thơ – Ban Hội – Tam nông (Báo Nông thôn Ngày nay), số điện thoại: 0912438302.