Dân Việt

Chống chọi ung thư, cô giáo vẫn lạc quan với trang trại "thập cẩm"

Chang Liễu 03/01/2019 13:25 GMT+7
Dù nhiều năm chống chọi với bệnh ung thư, nhưng cô giáo về hưu Nguyễn Thị Nhài, thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn) vẫn sống vui vẻ, lạc quan với thú điền viên chăn nuôi, trồng cây ăn quả. Từ nuôi gà thả đồi, thả cá đến trồng hoa, trồng cây ăn quả...vẻ như lung tung, "thập cẩm", nhưng mọi thứ giúp cô Nhài sống những ngày vui vẻ, "chiến đấu" kiên cường với một trong những "tứ chứng nan y".

Một ngày cuối năm, chúng tôi về thôn Vĩnh Thuận, thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn) thăm trang trại của cựu giáo chức Nguyễn Thị Nhài. Cô được cho là “gàn dở” khi cả cuộc đời chắt chiu, dành dụm chỉ để thực hiện ước mơ xây dựng một trang trại hoa thơm quả ngọt. 

img

Vườn bưởi Diễn hơn 60 gốc sai trĩu quả, chín vàng tại khu trang trại của cô Nhài. Nhiều khách hàng quen thuộc đã đăng ký đặt mua hàng trăm quả bưởi diễn trong vườn.

Đến thăm vườn cây, chúng tôi được cô Nhài dẫn thăm và trả nghiệm thu hái táo, cóc... tại trang trại “thập cẩm” mùa nào trái đó rộng hơn 1ha của gia đình. Cô kể: “Cuộc đời cô kể ra nhiều người chắc sẽ không tin nhưng cô không lập gia đình. Năm 2006 cô phát hiện mình bị bệnh ung thư, hiện vẫn đang là bệnh nhân ngoại trú của bệnh viện K...”.

Câu chuyện của cô khiến không khí buổi trò chuyện lặng xuống bởi số phận của người phụ nữ này như 1 bản nhạc trầm buồn. Nhưng trái ngược với số phận, sự đau đớn về bệnh tật, cô sống lạc quan, yêu đời, bình dị mỗi ngày với hoa trái, ao cá, gà vịt… Công việc vườn tược giúp cô vui khỏe hơn, lạc quan hơn để “chiến đấu” với bệnh tật.

img

Trên gương mặt người phụ nữ này lúc nào cũng nhận thấy niềm vui, sự lạc quan.

Khi phát hiện ra bệnh, cô được tạo điều kiện và giúp đỡ, chuyển về làm hiệu trưởng trường Tiểu Học Long Đống (Bắc Sơn) để giảm bớt áp lực công việc. Cô từng suy nghĩ rất nhiều và luôn mơ ước có được cho riêng mình một “rừng cây” trĩu quả, để dịp hè về cùng con cháu hưởng thú điền viên, chăm cây hái quả. 

Sau khi về hưu cách đây 6 năm, dù nhiều người biết chuyện khuyên ngăn, cô vẫn về nhà nuôi gà, thả cá, trồng cây ăn quả như mong muốn. Còn người dân gọi cô là “gàn dở” có lẽ bởi họ cho rằng cô ngày ngày vất vả, không hưởng thụ an vui tuổi già trong khi  cô “có của ăn của để, lương hưu tiêu không hết”.

“Lúc phát hiện rồi đi điều trị bệnh ở Hà Nội về, cô thấy giống táo ngọt quả thơm ngon nên mang về trồng trong vườn nhà. Anh chị em, hàng xóm đi qua thấy ai cũng gạt nước mắt ngăn: “Trồng làm gì nữa, không biết còn có ngày được ăn quả nữa hay không mà trồng”. Cô nói: Trồng cho con, cho cháu được ăn chứ đâu phải trồng cho mình”, cô Nhài kể lại.

img

Khu chăn thả đàn gà thả vườn, thả đồi với hơn 600 con của cô Nhài.

Chia sẻ về bí quyết để có một trang trại đủ thứ như bây giờ, cô Nhài cho biết: "Điều quan trọng nhất là lòng kiên nhẫn và niềm đam mê. Khi bắt tay làm một việc gì đó phải dành tâm huyết vào đó và coi đó là sự thú vị, niềm vui sống mỗi ngày”, cô Nhài nói.

Khu đất bố mẹ để lại cùng với khu nhà thờ của gia đình đều do một tay cô trông coi, chăm sóc. Mảnh đất quanh nhà nhanh chóng được lấp đầy bởi hơn 22 loại cây ăn trái từ khắp miền Nam - Bắc, mùa nào trái đó. Cô tìm mua giống từ bưởi Dễn, cam đường Canh, quýt vàng, táo ngọt, ổi, cóc, cho đến trồng bơ, trồng roi… xen kẽ nhau. 

img

Những loại hoa quả trong vườn nhà cô đều đảm bảo an toàn, không phun tưới hóa chất nên được nhiều khách hàng tin tưởng.

Tự mình tham khảo qua sách báo, ti vi, cô tự tay trồng, chăm sóc và kết quả đem lại thật bất ngờ. Tất cả các cây cô trồng đều đơm hoa kết trái với chất lượng tốt, được người dân xung quanh tìm mua. Ngoài ra, cô Nhài còn mở rộng trang trại nuôi hơn 600 con gà các loại từ trống thiến, gà mái, gà đẻ… và ao nuôi thả cá các loại. Hằng năm trang trại “thập cẩm” của cô mang lại 300 triệu đồng. Dù trang trại đem lại giá trị kinh tế cao khiến cô phấn khởi, nhưng cô cũng không quá coi trọng, bởi mục đích của cô chỉ để thỏa mãn ước mơ trồng trọt, chăn nuôi của mình,

img

Cô Nhài có 22 loại cây ăn quả trong vườn, cây nào cũng sai trĩu cành,mùa nào trái đó.

Giữa những luống cây đang lên mầm tươi tốt, dù đã ở tuổi ngoài 60 nhưng cô Nguyễn Thị Nhài như một nông dân thực thụ thực hiện niềm say mê của mình. Tự mình thiết kế vườn ao chuồng, cô thỏa sức sáng tạo theo cách của mình với những ô, những khoảng đẹp mắt với những giống cây của nhiều vùng miền khác nhau. Chính niềm đam mê cây cối đã mang đến tinh thần lạc quan giúp cô chiến thắng bệnh tật.

Cô Nhài chia sẻ, ước mơ không để làm giàu, cô chỉ mong sao mỗi giống cây đều ra trái đạt chất lượng để trên nền móng đó con cháu có thể tiếp tục kế thừa những gì mà cô đã tạo dựng.