Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp 1 Việt Nam - Generalexim (mã chứng khoán: TH1) đã công bố bản án của Tòa án liên quan đến vụ án kinh doanh thương mại tranh chấp hợp đồng tín dụng với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (mã chứng khoán: SHB).
Theo phán quyết cuối cùng toà án, TH1 sẽ phải thanh toán 6,7 triệu USD cả nợ gốc lẫn lãi cho SHB. Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, TH1 không trả được nợ hoặc trả không đủ số tiền trên thì SHB có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án phát mại tài sản thế chấp để thu hồi nợ.
Công ty TH1 của 'Shark Vương' buộc phải trả 6,7 triệu USD cho SHB
Theo đó, sau khi nghiên cứu các tài liệu hồ sơ vụ án đã được thẩm tra và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, Hội đồng xét xử (HĐXX) xác định số tiền TH1 còn nợ SHB gồm gần 5,7 triệu USD nợ gốc và 87.601 USD nợ lãi trong hạn, 979,445 lãi quá hạn. Tổng số tiền là hơn 6,7 triệu USD, quy đổi theo tiền VND theo tỷ giá ngày 25.1.2018 (22.740 VND/USD) là 153,4 tỷ đồng.
Đồng thời, TH1 phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi quá hạn trên số nợ gốc chưa trả của từng khế ước kể từ ngày 1.2.2018 cho đến khi trả được hết số nợ gốc theo mức lãi suất mà 2 bên thỏa thuận trong từng khế ước.
Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, TH1 không trả được nợ hoặc trả không đủ số tiền trên thì SHB có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án phát mại tài sản thế chấp để thu hồi nợ.
HĐXX cũng nhận định việc bản án sơ thẩm tính quy đổi tiền USD sang VND ngay trong phần quyết định dễ gây hiểu lầm là TH1 phải thanh toán cho SHB toàn bộ bằng VND. Do đó cần sửa lại theo phần kháng cáo của TH1.
Được biết trước đó vào tháng 7.2015, SHB Chi nhánh Hà Nội đã cấp hạn mức 150 tỷ đồng cho TH1 để phục vụ hoạt động kinh doanh doanh (thời hạn 12 tháng). Tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất tại Đồng Nai.
Bằng nhiều khế ước nhận nợ, tổng số tiền SHB đã giải ngân cho TH1 là hơn 15,6 triệu USD và 6 tỷ đồng, tương đương gần 362 tỷ đồng.
Tuy nhiên trong quá trình vay vốn, TH1 đã thanh toán được 74 khế ước, sau đó đã vi phạm nghĩa vụ trả nợ gốc lãi của các khế ước còn lại. Mặc dù SHB đã nhiều lần đôn đốc nhắc nhở nhưng vẫn chưa thực hiẹn, toàn bộ số nợ chưa trả bị chuyển sang quá hạn. Sau đó TH1 mới thực hiện thanh toán một phần.
Do nhiều lần tạo điều kiện nhưng TH1 vẫn không trả được nợ nên SHB đã khởi kiện ra toà theo hợp đồng thế chấp đã kí. Cụ thể tính đến ngày 11.9.2017, TH1 còn 47 khế ước chưa thanh toán trong đó có gần 5,8 triệu USD tiền gốc, cộng cả lãi trong hạn và quá hạn là gần 6,6 triệu USD tương đương 150 tỷ đồng
Phú quý giật lùi
Lên sàn với báo cáo tài chính ấn tượng, cổ phiếu TH1 được nhiều nhà đầu tư săn đón với mức giá trên dưới 70.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, những năm sau đó, kết quả kinh doanh của Công ty tụt dần đều, cùng với đó giá cổ phiếu cũng lao dốc không phanh khi hiện đang ở mức 5.000 đồng/CP.
Năm 2009, TH1 đạt lợi nhuận sau thuế tới 79 tỷ đồng, tăng 95,44% so với thực hiện của năm 2008. Năm 2010, Công ty đạt 56,32 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, dù giảm 28,7% so với năm đột biến 2009, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với kế hoạch đặt theo bản cáo bạch niêm yết (vượt 86,8% so với kế hoạch).
Tuy nhiên, đó chính là giai đoạn đỉnh cao của TH1 khi các năm sau đó, kết quả kinh doanh của Công ty biến động theo kiểu "phú quý giật lùi".
Cụ thể, năm 2011, lợi nhuận sau thuế của TH1 giảm 62%, xuống 21,46 tỷ đồng, năm 2012 tiếp tục giảm 48,4%, xuống 11,08 tỷ đồng, năm 2013, lợi nhuận sau thuế chỉ còn 7,38 tỷ đồng, giảm 33,4%, năm 2014 tiếp tục giảm 44,2% và năm 2015, công ty lần đầu tiên lỗ kể từ khi niêm yết.
9 tháng năm 2018, dù rất nỗ lực nhưng TH1 vẫn lỗ gần 20 tỷ đồng. Trước đó, năm 2017, công ty này đạt doanh thu 206,5 tỷ đồng, giảm 33% so với năm 2016, thua lỗ 142 tỷ đồng. Mức lỗ này cũng được cho là gấp tới 14 lần so với kế hoạch năm 2017 đề ra là lỗ 10 tỷ đồng.
Năm 2016, TH1 cũng thua lỗ tới 133,7 tỷ đồng dù doanh thu là 307 tỷ đồng. Năm 2015 công ty này đạt doanh thu trên 1.000 tỷ đồng nhưng lỗ tới 134,4 tỷ đồng.
Như vậy, tính đến thời điểm 31.12.2017, TH1 đã lỗ lũy kế 3 năm liên tiếp gần 277 tỷ đồng, vượt vốn góp chủ sở hữu 135,4 tỷ đồng.
Thua lỗ 3 năm liên tiếp, cổ phiếu TH1 của công ty này bị huỷ niêm yết theo quy định kể từ ngày 20.4.2018. Trên sàn Upcom cổ phiếu này lại tiếp tục rơi vào diện hạn chế giao dịch và chỉ được thực hiện vào các phiên thứ Sáu hàng tuần.
Shark Vương, ông chủ của nhiều doanh nghiệp “yếu”
Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp 1 Việt Nam là 1 trong những doanh nghiệp do ông Trần Anh Vương làm Chủ tịch HĐQT. Ông Trần Anh Vương đã xuất hiện trong chương trình truyền hình "Thương vụ bạc tỷ" với tên được biết là Shark Vương và là một trong những người đầu tư nhiều vụ nhất trong chương trình.
Không chỉ là Chủ tịch của Generalexim, Shark Vương từng là lãnh đạo nhiều công ty khác như là TGĐ của Sam Holdings, Chủ tịch của Công ty đầu tư BVG, Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội và là Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam.
Tuy nhiên, trong tháng 9 vừa qua "vị cá mập" này chính thức rút sạch vốn đồng thời từ nhiệm khỏi SAM Holdings – đơn vị mà gắn liền với tên tuổi của ông nhiều năm. Không những vậy, trước đó ông Vương cũng cũng vừa có đơn từ nhiệm khỏi chức vụ Chủ tịch HĐQT TH1. Hiện ông Vương vẫn là thành viên hội đồng quản trị TH1
Ông Trần Anh Vương (Shark Vương)
Những doanh nghiệp đã và đang gắn với tên tuổi của "vị cá mập" này đều có 1 quá trình kinh doanh không mấy tốt đẹp
Trong khi TH1 thua lỗ liên tiếp và bị hủy niêm yết, SAM Holdings cũng có tới hơn 10 năm sử dụng vốn không hiệu quả. Từ mức biên lợi nhuận hơn 12% (năm 2013) đến cuối năm 2016 chỉ còn vỏn vẹn 1,4%.
Bước sang năm 2017, SAM Holdings đã có sự “lột xác” khi biên lợi nhuận đã ghi nhận bước hồi phục mạnh, tăng 3,5 điểm phần trăm lên gần 5%. 9 tháng đầu năm 2018, doanh thu thuần của SAM tăng trưởng 7% với 1,632 tỷ đồng; lãi ròng giảm nhẹ 2% và đạt 47,7 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh 9 tháng SAM
Đối với CTCP Đầu tư BVG, báo cáo tài chính cho thấy, BVG đã có lịch sử 5 năm lỗ liên tục, tính đến cuối năm 2016 – năm mà công ty cho rằng đã hoàn tất quá trình tái cơ cấu sang lĩnh vực sản xuất cơ khí (khung nhà bằng thép), xây dựng và lập dự án đầu tư, tư vấn đầu tư và dịch vụ tài chính… thì BVG vẫn lỗ lũy kế hơn 56 tỷ đồng, chiếm hơn một nửa vốn điều lệ (97,5 tỷ đồng).
Mặc dù vậy, năm 2017, BVG đã khởi sắc hơn với con số lợi nhuận sau thuế 1,9 tỷ đồng. Chấm dứt những năm tháng “bết bát” trước đó.
Một số ý kiến cho rằng, việc Shark Vương rút khỏi TH1 hay những đơn vị kinh doanh chưa hiệu quả là cần thiết để tập trung phát triển những đơn vị tiềm năng hơn.