Dân Việt

Petrolimex "dọa" thiếu xăng dầu dịp năm mới 2019

Nguyên Phương 30/12/2018 08:26 GMT+7
Cho rằng các thương nhân đầu mối sẽ bị mất nguồn lực, thậm chí phát sinh lỗ, nhất là với mặt hàng xăng và madut vì mức tăng thuế bảo vệ môi trường lên 4.000 đồng/lít, Petrolimex bày tỏ lo ngại về nguy cơ bất ổn thị trường (thiếu nguồn) trong dịp nghỉ lễ năm mới 2019 có thể xảy ra vì các doanh nghiệp hạn chế bán ra để giảm lỗ.

img

Petrolimex dự kiến bị giảm nguồn thu khoảng 90 tỷ đồng vì thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu tăng kịch khung (Ảnh minh họa)

Petrolimex vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính liên quan đến việc điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu.

Theo đó, Nghị quyết số 579 có hiệu lực từ ngày 1.1.2019, thuế bảo vệ môi trường các mặt hàng xăng dầu sẽ được điều chỉnh tăng. Cụ thể, xăng (trừ ethanol) tăng từ 3.000 đồng/lít lên 4.000 đồng/lít; dầu diezel từ 1.500 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít; dầu hỏa từ 300 đồng lên 1.000 đồng/lít và dầu mazut từ 900 đồng lên 2.000 đồng/lít.

Theo Nghị định 83/NĐ-CP, dự kiến kỳ điều hành kinh doanh xăng dầu dầu đầu tiên của năm 2019 rơi vào ngày 5.1.2019, do Thứ Bảy là ngày đi làm bù sau nghỉ Tết Dương lịch.

Như vậy, thời điểm Nghị quyết số 579 có hiệu lực thi hành không trùng với kỳ điều hành giá dầu đầu tiên của năm 2019. Trong khi đó, giá bán lẻ xăng dầu áp dụng từ kỳ điều hành gần nhất (ngày 21.12.018) chưa xác định theo mức thuế bảo vệ môi trường mới, dẫn đến thương nhân đầu mối sẽ bị mất nguồn lực, thậm chí phát sinh lỗ, nhất là mặt hàng xăng và dầu mazut vì mức tăng thuế bảo vệ môi trường trên 1.000 đồng/lít trong khi các doanh nghiệp phải giữ ổn định giá bán, song vẫn phải nộp thuế bảo vệ môi trường tăng thêm.

Bên cạnh đó, Petrolimex còn cảnh báo: “Nguy cơ bất ổn thị trường (thiếu nguồn) trong kỳ nghỉ lễ có thể xảy ra vì các doanh nghiệp hạn chế bán ra để giảm lỗ”.

Theo tính toán của Petrolimex, căn cứ vào sản lượng xăng dầu thực hiện trong tháng 11.2018, lượng xăng dầu đề xuất bán bình quân mỗi ngày của doanh nghiệp là khoảng 25 triệu lít, tương đương với số thuế bảo vệ môi trường phải nộp tăng thêm khoảng 18,5 tỷ đồng/ngày.

Như vậy, 5 ngày đầu năm 2019, Petrolimex dự kiến bị giảm nguồn thu khoảng 90 tỷ đồng nếu giá bán hàng không thay đổi.

Để xử lý bất cập nêu trên, Petrolimex kiến nghị 2 phương án. Một là căn cứ Luật Giá 2012, thực chất mặt hàng xăng dầu hiện vẫn do Nhà nước định giá theo hình thức quy định “Mức giá tối đa”, và “kịp thời điều chỉnh giá khi các yếu tố cấu thành thay đổi”, Petrolimex kiến nghị Liên Bộ Công Thương - Tài chính công bố giá cơ sở áp dụng từ ngày 1.1.2019.

Trường hợp không thực hiện theo phương án 1, Petrolimex đề nghị Liên Bộ Công Thương - Tài chính cho phép các thương nhân đầu mối sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu tăng thêm so với mức chi sử dụng hiện hành (nếu có), áp dụng từ ngày 1.1.2019 đến kỳ điều chỉnh giá liền kề.