Dân Việt

Rét đậm rét hại, nhiệt độ tụt còn 5 độ C, căng mình chống rét cho trâu bò

Hoàng Gái 31/12/2018 06:25 GMT+7
Với nền nhiệt khoảng 5 - 6 độ C, chính quyền cùng người dân huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh, nhiệt độ tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh phổ biến dưới 10 độ C. Đặc biệt, huyện Bình Liêu có lúc xuống đến 5 - 6 độ C. Trước diễn biến bất thường của thời tiết, Chi cục chăn nuôi thú y tỉnh cùng với lãnh đạo huyện, lãnh đạo một số phòng ban chuyên môn của huyện Bình Liêu đã đi kiểm tra công tác phòng chống đói rét cho đàn vật nuôi trên địa bàn huyện. Đến thời điểm này, huyện Bình Liêu đã và đang tích cực triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống rét cho đàn vật nuôi nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho người chăn nuôi.

img

img

Gia đình ông Chu Văn Phúc chủ động cắt cỏ cho đàn bò của gia đình ăn trong những ngày giá rét.

Gia đình ông Chu Văn Phúc – Thôn Bản Ngày II, xã Vô Ngại, có 7 con bò, chăn nuôi theo hình thức chăn thả. Ngay từ khi thời tiết chuyển lạnh, đặc biệt là những ngày này, nhiệt độ giảm sâu, gia đình ông đã chủ động lùa đàn bò về chuồng, chủ động nguồn thức ăn và các biện pháp chống rét cho đàn bò. Chuồng trại và sàn rơm của gia đình ông được che chắn cẩn thận.

Ông Chu VănPhúc cho biết: “Khi nghe dự báo thời tiết có đợt không khí lạnh tăng cường, rét đậm rét hại, tôi đã đi lùa đàn bò bò về chuồng, chủ động làm chuồng để che nắng, che mưa, phủ bạt quây xung quanh chuồng trại và sàn rơm. Những hôm lạnh quá, mưa gió gia đình tôi nhốt đàn bò lại, nấu cám và đi cắt cỏ về cho bò ăn để bảo vệ đàn bò tốt hơn."

Theo thống kê, trên địa bàn huyện Bình Liêu hiện có trên 14.356 con gia súc; trong đó, có 4.185 con trâu, 2.348 con bò, 7.823 con lợn và hàng nghìn con gia cầm các loại; trên địa bàn Bình Liêu nhiều hộ chăn nuôi gia súc lớn chuồng trại còn tạm bợ, không đủ ấm vào mùa đông. Trước những diễn biến thất thường của thời tiết và dịch bệnh, cấp ủy, chính quyền huyện Bình Liêu đã chỉ đạo thực hiện nghiêm, đồng bộ các biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc.

img

Ngoài cắt cỏ, các gia đình còn chủ động nấu cháo nóng cho đàn vật nuôi ăn.

img

Lãnh đạo chi cục chăn nuôi thú y tỉnh Quảng Ninh, lãnh đạo huyện Bình Liêu và lãnh đạo các phòng ban chuyên môn kiểm tra tình hình phòng chống đói rét cho đàn vật nuôi. 

Ông Hoàng Xuân Tân – Trưởng Phòng NN & PTNT huyện Bình Liêu chia sẻ: “Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên qua kiểm tra đợt này cho thấy, hầu hết các địa phương đã có sự chủ động thực hiện phòng chống đói, rét cho trâu, bò.

Ý thức của các hộ chăn nuôi được nâng lên rõ rệt, các hộ đã chủ động quây bạt che chắn gió cho chuồng trại, nấu cháo, cắt cỏ cho trâu bò ăn, thể hiện các hộ gia đình đã chủ động, quan tâm, chăn sóc đàn gia súc trong thời gian giá rét này. Thời gian tới, huyện Bình Liêu tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo các địa phương tiếp tập trung, vận động các hộ chăn nuôi tiếp tục thực hiện công tác phòng chống đói rét cho đàn vật nuôi của mình chăm sóc đàn gia súc gia cầm của mình tốt hơn nữa."

Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ hộ chăn nuôi còn chủ quan, chưa quan tâm bảo vệ đàn gia súc, vẫn thả rông đàn gia súc; chưa làm chuồng trại, chưa chủ động trồng cỏ, dự trữ thức ăn.

Qua kiểm tra thực tế công tác phòng chống rét cho đàn vật nuôi trên địa bàn huyện Bình Liêu, bà Chu Thị Thu Thủy – chi Cục phó Chi cục chăn nuôi thú y tỉnh cho biết: “Để tăng cường công tác phòng chống đói rét cho đàn vật nuôi, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có công điện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện triển khai các biện pháp phòng chống đói rét cho vật nuôi và tổ chức các đoàn công tác kiểm tra thực tế.

Qua kiểm tra thực tế công tác phòng chống rét tại Bình Liêu, chúng tôi nhận thấy công tác tuyên truyền vận động người dân trong việc phòng chống đói rét cho đàn vật nuôi vào những dịp rét cao điểm địa phương đã làm rất tốt, người dân đã nhận thức được rất nhiều về các kỹ thuật như: chuẩn bị thức ăn, chuồng trại để chống rét cho trâu bò.

"Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra thực tế, còn có một số hộ chưa đuổi được trâu bò về, chuồng trại chưa kiên cố, chưa đảm bảo, trong chuồng còn lầy lội, mất vệ sinh, điều này làm ảnh hưởng đến sức khỏe của đàn vật nuôi. Chúng tôi kiến nghị với địa phương cần tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân trong việc cải tạo chuồng trại cũng như những ngày rét sâu thì đuổi trâu bò về nuôi nhốt tại chuồng, hướng dẫn người dân những kĩ thuật chế biến, dự trữ thức ăn trong những ngày giá rét, đặc biệt là sử dụng bã củ dong riềng, nguồn thức ăn sẵn có của địa phương để làm thức ăn dự trữ cho trâu bò.", bà Chu Thị Thu Thủy.