Đó là ghi nhận của PV NTNN tại các đảo ven bờ miền Trung.
Đầu tư thừa và phí
Những ai đã đến Cù Lao Xanh (xã đảo Nhơn Châu, Quy Nhơn, Bình Định) đều thấy một sự vô lý trong việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại đây. Ông Ngô Văn Quý - Chủ tịch UBND xã Nhơn Châu cho biết: “Trong khi chúng tôi thiếu điện, thừa nước thì cấp trên lại đầu tư về đây công trình đập chứa nước với kinh phí gấp đôi việc kéo điện ra đảo”.
Tất cả các đảo tại Việt Nam đều không tự sản xuất đủ lương thực (ảnh chụp tại Cù Lao Chàm). |
Nước ngầm tại Cù Lao Xanh chỉ nằm ở độ sâu 8m, ngoài nguồn nước ngầm trên, hệ thống nước mặt cũng rất phong phú vì có suối Bà Tứ và bàu Trạm Xá. Những nguồn nước này đủ để người dân sinh hoạt. Hơn thế nữa, đất tại hòn đảo này là loại không thể sản xuất nông nghiệp (trồng trọt) được, vì vậy càng không cần đến đập chứa nước phục vụ công tác thủy lợi, tưới tiêu... Dù như vậy, nhưng công trình đập chứa nước trị giá gần 400 tỷ đồng tại đây đã hoàn thiện xong phần khảo sát, thiết kế.
Ông Quý tiếc rẻ: “Chúng tôi có kiến nghị tỉ mỉ về việc xin được kéo điện ra đảo. Vì có cảnh quan đẹp lại chỉ cách bờ biển trên dưới 10km, nếu có điện đảo này sẽ khai thác du lịch rất tốt. Theo tính toán, chỉ cần hơn 200 tỷ đồng là sẽ có đường điện ra đây”.
Cù Lao Chàm tại Quảng Nam cũng rơi vào tình trạng: Cái thì thừa, cái lại thiếu. Trong khi, ngành du lịch Quảng Nam cho các hãng du lịch phát triển số lượng lớn tàu, ca nô... đưa du khách ra thăm đảo nhưng lại không cho phép đầu tư xây dựng các phòng nghỉ cho du khách trên đảo. Việc này không chỉ là sự bất công với dân đảo (đảo bị khai thác du lịch nhưng người dân lại không được hưởng lợi) mà còn xảy ra tình trạng lộn xộn trong xây dựng trên một hòn đảo có diện tích nhỏ.
Ông Nguyễn Văn An - Chủ tịch UBND phường Tân Hiệp (tên gọi hành chính mới của hòn đảo này) cho biết: “Do không cho các nhà đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng nên người dân đã tự cơi nới, xây dựng lại nhà mình để cho du khách thuê trọ, việc này nếu kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng nhếch nhác, bệ rạc trên đảo và làm mất thương hiệu non trẻ của hòn đảo du lịch Cù Lao Chàm”.
Tại huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi theo quy định, học sinh huyện đảo được miễn 100% học phí nhưng lũ trẻ ngoài này vẫn phải đóng tiền học? Về chuyện này, ông Trần Phúc Sinh - Trưởng phòng Giáo dục huyện cười như mếu: “Trường lớp xuống cấp nhiều quá, không bắt học sinh đóng tiền tu sửa thì làm sao mà học nổi”. Trong tổng số hơn 1 nghìn tỷ đồng đầu tư cho Lý Sơn trong thời gian 3 năm qua, không hiểu sao lại quên mất những lớp học cho trẻ em.
Mỗi đảo cần một cơ chế
“Thiên đường du lịch bị lãng quên” Cù Lao Xanh (Bình Định) hội tụ đầy đủ mọi điều kiện để các nhà đầu tư triển khai các dự án. Nhưng không nhà đầu tư nào dám mạo hiểm. Gần 10 năm qua, chính quyền tại đây đã xin UBND thành phố Quy Nhơn và tỉnh Bình Định xây dựng cho đảo này một bản quy hoạch xây dựng chi tiết tại đây nhưng vẫn không được.
Khi không có bản quy hoạch xây dựng chi tiết thì các cơ sở vật chất phục vụ du lịch sẽ khó phát triển vì những công trình đó rất có thể sẽ phải nhường đất để phục vụ các công trình xây dựng được ưu tiên khác. Một tư tưởng quan liêu cho rằng: Chỉ những khu đô thị mới cần đến bản đồ quy hoạch xây dựng chi tiết đã gây khó khăn cho Cù Lao Xanh trong việc kêu gọi đầu tư nhiều năm nay.
Tại Cù Lao Chàm (Quảng Nam) thì việc xin một cơ chế riêng cho đảo còn cấp bách hơn rất nhiều. UBND phường Tân Hiệp đã nhiều lần xin cấp trên cho phép địa phương tự xây dựng phương án phát triển du lịch nhưng không được. Ông Chủ tịch UBND phường Nguyễn Văn An cho biết:
“Các cấp và các ngành chức năng cho rằng, cấp phường chưa đủ sức để làm được việc này, rất dễ dẫn đến tình trạng phát triển thiếu đồng bộ, manh mún. Tuy nhiên tôi lại nghĩ khác. Chúng tôi người của đảo nên chúng tôi hiểu rõ nhất tình hình tại đây để có sự phát triển bền vững, lâu dài”.
Còn hiện tại, chính quyền tại Cù Lao Chàm vẫn không được phép tham gia vào các hoạt động du lịch tại đây, trong khi người dân lại mỗi nhà làm theo một kiểu. Việc này lại càng dẫn đến tình trạng thiếu đồng bộ hơn.
Tại Cù Lao Xanh, nhu cầu có một ngôi trường cấp 3, hay nói đúng hơn là 3 phòng học cho 3 lớp học của cấp 3 (lớp 10, lớp 11, lớp 12) là cái mà dân đảo và 60 học sinh cấp 3 đang trọ học tại Quy Nhơn đang ngày đêm mong mỏi. Ngành giáo dục Bình Định chỉ cần có một quy chế riêng cho xã đảo này để ghép 3 cấp học vào một trường và tăng cường 5 thầy cô giáo bộ môn cho nơi đây là được. Tuy nhiên, cái cơ chế riêng đầy thiết thực ấy dù đã có kiến nghị vẫn không được giải quyết...
Nam Hải