Dân Việt

Nông dân Kiên Giang phập phồng lo vụ hoa Tết

Chúc Ly - Ngọc Quyên 01/01/2019 13:15 GMT+7
Nông dân trong tỉnh Kiên Giang đang tất bật chuẩn bị nhiều loại hoa tươi để cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019 với hy vọng một vụ mùa bội thu. Tuy nhiên, với điều kiện thời tiết bất lợi, bà con lo lắng sẽ ảnh hưởng đến vụ hoa Tết.

Thời tiết bất lợi

Tại ấp Ngã Con, xã Long Thạnh (Giồng Riềng), vụ hoa Tết cũng bắt đầu từ hơn 2 tháng nay. Khi chúng tôi đến, chị Nguyễn Thị Mộng Thùy đang lặt lá sâu cho những chậu hoa cúc. Toàn bộ khu vườn của chị được phủ xanh bởi những chậu cúc Đài Loan và cát tường. Hoa cúc khó trồng vì dễ sâu bệnh và hao hụt nhiều, nhưng chị Thùy vẫn quyết định trồng 1.000 chậu; ngoài ra còn có 300 chậu hoa cát tường, 300 chậu hoa phú quý và 4.000 chậu hoa vạn thọ.

Chỉ cho chúng tôi xem những nụ hoa cúc lớn cỡ đầu ngón tay út, chị Thùy nói: “Năm nay giá cây giống không tăng nhưng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đều tăng giá khoảng 20%, nên chi phí đầu vào tăng mạnh”.

img

Nhiều nông dân Kiên Giang đang tất bật chăm sóc cho số hoa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Kỷ Hợi. Ảnh: NQ.

Năm nào cũng vậy, hợp tác xã trồng hoa kiểng An Khương, xã Minh Hòa (Châu Thành) cũng cung ứng hơn 200.000 chậu hoa các loại cho thị trường Tết Nguyên đán, gồm vạn thọ, cúc, vạn thọ ban mai, cát tường, mào gà…. Từ tháng 10.2018, người dân bắt đầu lo vụ hoa Tết với một số loại hoa dài ngày như cúc, cát tường, phú quý.

img

Nông dân chuẩn bị cho vụ hoa Tết từ hơn 2 tháng trước. Ảnh: NQ.

Chị Đào Thị Mỹ Duyên, thành viên hợp tác xã trồng hoa kiểng An Khương, có hơn 10 năm trồng hoa bán Tết cho biết, vụ hoa Tết năm nay gia đình chị trồng 15.000 chậu hoa các loại, trong đó nhiều nhất là vạn thọ với 10.000 chậu, cát tường 2.000 chậu và mào gà 300 chậu. “Năm nay thấy hoa phát triển chậm hơn so mọi năm. Hy vọng từ nay đến Tết không còn mưa nữa để hoa phát triển thuận lợi, hoa đẹp và bán được giá cao” - chị Duyên hy vọng.

Vụ hoa Tết năm 2018, với số lượng hơn 10.000 chậu hoa các loại, gia đình chị Duyên lãi 50 triệu đồng. Thấy hoa cúc khó trồng, dễ sâu bệnh nên năm nay chị Duyên không trồng mà tăng số lượng hoa vạn thọ lên thêm 4.000 chậu, loại hoa dễ trồng và dễ tiêu thụ.

Thay đổi mẫu mã

Để chủ động nguồn rơm hoai mục trồng hoa, năm nay vợ chồng chị Duyên trồng nấm rơm ngay trên nền đất trồng hoa. Sau khi thu hoạch nấm, chị Duyên đem rơm rải trên sân rồi phơi khô, việc làm này theo chị sẽ giúp diệt hết mầm bệnh trong nấm, rơm hoai mục hoàn toàn, khi dùng làm giá thể trồng hoa sẽ giúp cây hoa dễ hấp thu chất dinh dưỡng và tránh được bệnh do vi khuẩn. “Chiều theo ý của khách hàng, năm nay tôi thay bằng chậu nhựa có màu đỏ may mắn mà giá cũng bằng với chậu đan bằng tre” - chị Duyên cho biết.

Tại một số xã trên địa bàn huyện Hòn Đất, nông dân đang tất bật chuẩn bị nhiều loại hoa tươi để cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán, trong đó có ông Nguyễn Hoài Nhân (61 tuổi), ngụ ấp Hiệp Tân, xã Mỹ Hiệp Sơn, có thâm niên 15 năm gắn bó với cây hoa cúc, “bỏ túi” hơn 60 triệu đồng mỗi vụ hoa Tết chỉ với 1.000m2 đất thuê.

img

Năm rồi, ông Nhân thu về 60 triệu đồng từ vụ hoa Tết. Ảnh: NQ.

Chúng tôi về xã Mỹ Hiệp Sơn đúng lúc ông Nhân đang túc trực tại vườn để chăm sóc cho gần 3.000 chậu hoa cúc các loại đang cho nụ. 4 tháng nay, mỗi ngày ông đều phải có mặt ở vườn để chăm chút cho từng chậu hoa, có khi vô chậu, lúc lại ngắt chèo, bắt sâu, tỉa lá úa.

Theo ông Nhân, năm nay thời tiết mưa nắng bất thường nên sâu bệnh nhiều, trồng cực hơn. Để tăng tính thẩm mỹ cho chậu hoa như yêu cầu của nhiều khách hàng, năm nay ông Nhân đầu tư chậu nhựa giả tre nên chi phí cho chậu tăng gấp đôi so năm ngoái.

Trên diện tích 1.000m2, năm nay ông Nhân trồng cả thảy 3.600 chậu hoa các loại, trong đó có 800 chậu cúc mâm xôi, 900 chậu cúc tiger, 1.200 chậu cúc Đài Loan, 700 chậu vạn thọ và hơn 100 chậu hoa cẩm chướng, hoa tình yêu.

img

Chị Nguyễn Thị Mộng Thùy, ngụ ấp Ngã Con, xã Long Thạnh (Giồng Riềng) lặt lá bị sâu trên những chậu hoa cúc. Ảnh: NQ.

Nhiều năm nay, đến khoảng 21 tháng chạp các mối quen sẽ đến tận vườn thu mua toàn bộ hoa của gia đình ông Nhân và đưa đi tiêu thụ. Sắp đến Tết Nguyên đán, dự kiến đến khi bán, tổng chi phí ông Nhân đầu tư khoảng 50 triệu đồng, với giá bán dao động từ 35-90 ngàn đồng/chậu cúc tùy loại như những năm trước, ông sẽ thu về hơn 60 triệu đồng.

“Trồng hoa  tuy cực nhưng đã trồng là ham, sáng ra trời còn mù sương thấy chồi cúc bung mình trắng muốt mà mê, nhất là những ngày giáp Tết hoa nở rực rỡ. Chắc tại mê quá nên cực mà vẫn đeo hoài” - ông Nhân cười nói.

Tin rằng, với sự cần cù, chịu thương chịu khó, ông Nhân và nhiều bà con trồng hoa Tết sẽ có một vụ hoa thắng lợi, để tết về nơi xóm ấp được ấm áp, sung túc hơn.