Dân Việt

Cà Mau: Cấp bách ứng phó sạt lở ven biển

Chúc Ly - Ngọc Quyên 02/01/2019 08:58 GMT+7
Trước tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, mỗi năm, hàng trăm ha diện tích rừng phòng hộ ven biển tỉnh Cà Mau bị sạt lở. Tình trạng này không chỉ gây mất nguồn tài nguyên thiên nhiên mà còn đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của hàng trăm ngàn hộ dân sống ven biển.

Chịu ảnh hưởng nặng nề từ sạt lở

Cà Mau có 254km đường bờ biển, bên trong lại bị chia cắt bởi hệ thống sông rạch, kênh, mương với tổng chiều dài gần 10.000km, cùng hơn 87 cửa biển, cửa sông lớn nhỏ thông ra biển.

img

Tình trạng sạt lở ven biển làm ảnh hưởng đến địa dạng của tỉnh Cà Mau. Ảnh: CTV

Đồng thời, do đặc thù về địa hình, địa mạo cũng như phải chịu tác động của cả 2 chế độ thủy triều là nhật triều và bán nhật triều không đều, hiện Cà Mau là tỉnh dễ bị tổn thương nhất trước diễn biến cực đoan của thời tiết và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong thời gian tới. Trong đó, tình trạng sạt lở diễn ra ngày một bất thường đã và đang cuốn trôi một lượng lớn diện tích đất ra biển, dẫn đến địa dạng vùng bán đảo Cà Mau đang dần biến đổi theo chiều hướng rất tiêu cực.

Tại Cà Mau, hiện tuyến đê biển Tây đang bảo vệ khoảng 26.000 hộ dân bên trong, với trên gần 129.000ha đất sản xuất ngư - nông - lâm nghiệp. Phía bờ biển Đông với hơn 76km đai rừng phòng hộ ven biển đang che chở và bảo vệ hơn 260.000 hộ dân với 130.000ha đất sản xuất.

Tuy nhiên, theo thống kê của Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Cà Mau, ở khu vực bờ biển Tây, mức độ sạt lở từ 20-25m/năm, đặc biệt có những nơi lên đến 50m/năm; mức độ này ở khu vực ven biển Đông từ mức 45-50m/năm. Từ năm 2007 đến nay, tỉnh Cà Mau đã mất hơn 8.800ha rừng ven biển. Đặc biệt, nhiều đoạn uy hiếp chân đê phòng hộ, nguy cơ gây vỡ đê biển Tây, đe dọa tính mạng, tài sản của hàng trăm ngàn hộ dân trong vùng.

img

Cà Mau đã thực hiện nhiều giải pháp công trình để ứng phó sạt lở. Ảnh: CTV

Theo ông Nguyễn Long Hoai - Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Cà Mau, hiện nhiều đoạn đê biển đã không còn rừng phòng hộ chắn sóng bảo vệ, sóng đánh trực diện vào thân đê. Nếu thời gian tới có xuất hiện mưa bão, gây sóng to gió lớn, mức độ nguy hiểm sẽ càng tăng.

Làm tất cả để giữ đất

Trước tình hình thực tế như vậy, từ nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ, ngân sách của địa phương và các tổ chức quốc tế, trong thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã nỗ lực khắc phục sạt lở nhiều vị trí xung yếu với nhiều giải pháp như sử dụng kè kiên cố và kè ngầm tạo bãi, trồng rừng phòng hộ xung yếu với chiều dài gần 12.000m, tổng kinh phí gần 600 tỷ đồng.

img

Đê trụ rỗng là một trong những giải pháp công trình có hiệu quả đã được tỉnh Cà Mau áp dụng. Ảnh: CTV

Trong cuộc chiến giành đất với thủy thần, tỉnh Cà Mau đã thực hiện và phối hợp thực hiện nhiều giải pháp, qua đó bước đầu mang lại hiệu quả đáng kể.

Cuối năm 2016, Viện Thủy công đã triển khai thí điểm tuyến kè đê trụ rỗng ven Biển Tây (đoạn Vàm Đá Bạc đến Cống Kênh Mới, thuộc xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời).

Sau 2 năm đưa vào sử dụng, công trình đã phát huy hiệu quả, lượng phù sa lắng đọng lại phía trong đê trụ rỗng đã hình thành bãi bồi, cây mắm bắt đầu phát triển, có thể trồng thêm rừng phòng hộ. Tuyến đê biển phía trong tuyến kè Đê trụ rỗng được bảo vệ ổn định. Giải pháp công nghệ đê trụ rỗng với mức đầu tư 18-19 tỷ/km nếu được áp dụng rộng rãi sẽ tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước, bảo vệ được nhiều vị trí xung yếu.

Trong khi đó, ông Lý Hoàng Tiến - Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển cho biết, hiện địa phương vẫn còn rất nhiều vị trí xung yếu cần được đầu tư chống sạt lở cấp bách. Giải pháp lâu dài bên cạnh sự hỗ trợ từ Trung ương là nên tranh thủ vận động xã hội hoá với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, có sự vào cuộc của cả cộng đồng, các nhà khoa học, doanh nghiệp.

Vừa qua, với điều kiện kinh phí còn khó khăn, tỉnh Cà Mau đã đề ra hàng loạt giải pháp quan trọng nhằm chủ động ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

img

Giải pháp Đê trụ rỗng được áp dụng thời gian qua cho thấy hiệu quả tích cực, gây bồi tạo bãi sau 2 năm sử dụng. Ảnh: CTV.

Để kịp thời hạn chế những tác động của biến đổi khí hậu trong mùa mưa bão năm 2018 và những năm tiếp theo, UBND tỉnh Cà Mau đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ cho tỉnh hơn 800 tỷ đồng để thực hiện trước các công trình cấp bách.

img

Ông Cao Đức Phát - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương tham quan nhà máy sản xuất Đê trụ rỗng (Khu công nghiệp Khánh An, Cà Mau). Ảnh: TTXVN

Ông Nguyễn Tiến Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho rằng, giải pháp chống sạt lở hiện nay với ngân sách hết sức khó khăn cần có sự vào cuộc của toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp và cả việc quy hoạch, sắp xếp lại dân cư. Trước mắt, Cà Mau sẽ gắn biển cảnh báo địa điểm sạt lở nguy hiểm, đồng thời, tuyên truyền, vận động di dời nhà cửa, tài sản của người dân khỏi vùng sạt lở và thực hiện tái định cư cho người dân. Bên cạnh đó, Sở NNPTNT khẩn trương triển khai các biện pháp hộ đê khẩn cấp và thực hiện xây dựng kè bảo vệ đê biển Tây tại một số đoạn cực kỳ xung yếu theo cơ chế lệnh khẩn cấp.