Dân Việt

Cục Thú y thừa nhận có sự lơ là giám sát dịch LMLM ở cơ sở

Khánh Nguyên 02/01/2019 09:10 GMT+7
Theo báo cáo của Cục Thú ý (Bộ NNPTNT), một trong những nguyên nhân khiến dịch lở mồm long móng (LMLM) bùng phát mạnh trên đàn heo thời gian qua là do hệ thống thú y cơ sở chưa chủ động giám sát, báo cáo đầy đủ tình hình dịch theo quy định.

Dịch bùng phát do cơ sở lơ là

Báo cáo của Cục Thú y cho thấy, từ đầu tháng 12/2018 đến ngày 27/12/2018, dịch bệnh LMLM đã xảy ra tại một số tỉnh, thành phố (Hà Nội, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hà Nam,...) làm nhiều lợn nuôi thịt của các các hộ chăn nuôi (do chưa được tiêm phòng vắc xin LMLM) mắc bệnh.

Nguyên nhân chủ yếu xảy ra dịch bệnh LMLM, theo Cục Thú y là do hệ thống thú y cấp thôn, xã, huyện và cấp tỉnh chưa chủ động giám sát, nắm bắt kịp thời và chưa báo cáo đầy đủ theo quy định; Mầm bệnh vi rút LMLM lưu hành nhiều trên đàn gia súc, hầu hết người chăn nuôi không tổ chức tiêm phòng đàn lợn thịt (chỉ tiêm phòng đàn lợn nái, đực giống), khi gặp thời tiết bất lợi rét đậm, rét hại, mưa nhiều,… sẽ phát sinh dịch bệnh.

img

Đoàn công tác kiểm tra tình hình dịch lở mồm long móng của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến và Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông tại Hòa Bình.

Việc tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở chưa tốt, còn nhiều tồn tại, bất cập, thiếu sự kiểm tra, đôn đốc, giám sát thực hiện; Một số địa phương không lấy mẫu gửi đến phòng thí nghiệm của cơ quan có thẩm quyền đã được chỉ định để xét nghiệm; Chưa đề xuất công bố dịch để làm cơ sở hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi để tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch. Người chăn nuôi không biết được chủ trương và mức hỗ trợ khi có gia súc bị bệnh, chết buộc phải xử lý, vứt xác lợn chết ra đường giao thông, gây ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh; Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người chăn nuôi trong phòng, chống dịch bệnh động vật chưa thường xuyên, liên tục và chưa hiệu quả; Việc buôn bán, vận chuyển bất hợp pháp lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh vẫn diễn ra dẫn đến dịch bệnh lây lan nhanh và ở phạm vi rộng;...

Để khẩn trương khắc phục những tồn tại, bất cập nêu trên, đặc biệt để nhanh chóng tổ chức dập tắt dịch bệnh LMLM, giảm thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi, ngân sách nhà nước, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, nhất là trước và sau Tết Nguyên đán, Cục Thú y đã thành lập nhiều Đoàn công tác trực tiếp đến các địa phương để chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra thực tế công tác phòng, chống dịch bệnh động vật ở nhiều địa phương.

Cụ thể, tại thành phố Hà Nội, ngày 06/12/2018, Cục Thú y đã cử đoàn công tác do lãnh đạo và cán bộ kỹ thuật của Chi cục Thú y vùng I trực tiếp đến cơ sở đển hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch bệnh LMLM tại các huyện Ba Vì và Đan Phượng. Sau nhiều lần nhắc nhở, ngày 07/12/2018, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. Hà Nội mới lần đầu tiên có báo cáo, nhưng cũng không báo cáo chi tiết theo quy định, chỉ báo cáo số liệu dịch bệnh đã được Cục Thú y nêu tại Công văn số 2879/TY-DT gửi Giám đốc NN&PTNT TP. Hà Nội.

Từ ngày 07 – 21/12/2018, Cục Thú y liên tục đề nghị Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. Hà Nội báo cáo cập nhật tình hình dịch bệnh, nhưng Chi cục không báo cáo; ngày 22/12/2018, Cục Thú y mới nhận được báo cáo lần thứ 2 của Chi cục nhưng cũng không có số liệu chi tiết theo quy định. Từ ngày 23 - 25/12/2018, Cục Thú y thành lập 03 Đoàn công tác do Lãnh đạo Cục làm trưởng đoàn tiếp tục đến các huyện của TP. Hà Nội để kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh.

Tại tỉnh Hòa Bình: Ngày 25/12/2018, Cục Thú y thành lập Đoàn công tác do Lãnh đạo Cục làm trưởng đoàn đến tỉnh Hòa Bình để kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh và đã yêu cầu Chi cục báo cáo số liệu và triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh LMLM. Ngày 27/12/2018, Cục Thú y có Công văn số 3006/TY-DT gửi Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y về việc thực hiện báo cáo tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Hòa Bình và đã nhận được báo cáo của địa phương.

Tại tỉnh Bắc Ninh: Ngày 25/11/2018, Cục Thú y đã cử Đoàn công tác đến hướng dẫn cho toàn bộ hơn 250 cán bộ thú y từ cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh về phòng, chống dịch bệnh động vật, đặc biệt là bệnh LMLM và bệnh Tai xanh. Ngày 28/12/2018, Cục Thú y tiếp tục có Công văn số 3051/TY-DT gửi Sở NN&PTNT và Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang về việc Đoàn công tác do Lãnh đạo Cục Thú y đến làm việc, kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh LMLM vào ngày 29/12/2018.

Tại tỉnh Hà Nam: Ngày 25/12/2018, Cục Thú y cử đoàn công tác do Lãnh đạo Chi cục Thú y vùng I đến tỉnh Hà Nam để kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức phòng, chống dịch bệnh LMLM. Sau đó, ngày 26/12/2018, Lãnh đạo Cục Thú y đã trao đổi và đề nghị Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Nam chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và chính quyền cơ sở tổ chức kiểm tra và phòng, chống dịch bệnh và báo cáo tình hình dịch bệnh LMLM; ngày 28/12/2018, Cục Thú y tiếp tục có văn bản số 3052/TY-DT gửi Sở NN&PTNT và Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Nam về việc thành lập Đoàn công tác do Lãnh đạo Cục Thú y đến làm việc, kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh LMLM vào ngày 29/12/2018.

Còn nhiều bất cập trong phòng dịch

img

Cục Thú y kiểm tra tình hình dịch tại Bắc Ninh.

Dù vậy, Cục Thú y cũng thừa nhận những tồn tại, bất cập trong công tác phòng chống dịch do các địa phương đang sắp xếp lại hệ thống tổ chức theo hướng gộp đầu mối để tinh giảm biên chế; một số Chi cục được sáp nhập thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thuộc Sở NN&PTNT; nhiều tỉnh đã cắt giảm rất nhiều nguồn nhân lực và kinh phí, do đó không còn bảo đảm khả năng tổ chức có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh động vật.

Nhiều tỉnh, thành phố đã sáp nhập Trạm Chăn nuôi và Thú y với các đơn vị khác thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thuộc UBND huyện quản lý. Do vậy, các Chi cục Chăn nuôi và Thú y không còn hệ thống Trạm Chăn nuôi và Thú y trực thuộc như trước đây; và việc tổ chức triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh LMLM nói riêng và công tác thú y nói chung do các Trung tâm này thực hiện theo chỉ đạo của UBND cấp huyện.

Các địa phương chỉ có chính sách hỗ trợ tiêm phòng vắc xin LMLM cho trâu, bò, lợn nái và lợn đực giống; không hỗ trợ vắc xin tiêm phòng cho lợn thịt, trong khi vi rút LMLM lưu hành nhiều, nhất là đối với các trường hợp lợn bệnh, người chăn nuôi giữ lại để điều trị, mặc dù lợn có thể khỏi triệu chứng lâm sàng, những vẫn mang và bài thải vi rút LMLM lây lan sang các đàn chưa bị bệnh.

Cũng theo báo cáo của Cục Thú y, hiệ dịch bệnh LMLM ở các địa phương đã giảm rất nhiều (như thành phố Hà Nội chỉ còn 4/16 ổ dịch chưa qua 21 ngày, Hòa Bình chỉ còn 2/10 ổ dịch chưa qua 21 ngày;...) và tình hình dịch bệnh LMLM ở các địa phương đang được kiểm soát tốt.