Dân Việt

“Giấy phép con” của Bộ GDĐT “hồi tố” cả bằng thật đã cấp 30 - 40 năm

Vinh Hải - Đình Việt 03/01/2019 06:30 GMT+7
Quy định công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp do Bộ GDĐT là một loại “giấy phép con”, gây ra không ít phiền toái, nhiêu khê cho người dân từ nhiều năm nay.

Thời gian gần đây, Báo Điện tử Dân Việt nhận được nhiều phản ánh của nhiều bạn đọc phẫn nộ do gặp phải phiền toái, mất thời gian vô lý với thủ tục rườm rà khi thực hiện một quy định của Bộ GDĐT về công nhận, xác minh văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp.

Quy định này khiến hàng nghìn người đi học, có bằng cấp thật mất nhiều thời gian, công sức đi “công nhận lại” bằng cấp. Trong đó, có nhiều người thành đạt, có chức vụ cao được cấp bằng từ 30 – 40 năm trước cũng bị “hồi tố” xác minh lại bằng cấp.

“Hàng rào” thủ tục cấp lại văn bằng

Quy định về trình tự, thủ tục công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được Bộ GDĐT ban hành trong Quyết định 77/2007/QĐ-BGDĐT.

img

Quy định công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp do Bộ GDĐT đang gây ra không ít phiền toái, nhiêu khê cho người dân từ nhiều năm nay. Ảnh chụp màn hình VTV.

Người muốn được công nhận văn bằng phải gửi hồ sơ gồm đơn đề nghị, bản sao văn bằng và bản sao kết quả quá trình học tập kèm bản dịch ra tiếng Việt.

Ngoài ra, người học còn phải gửi hàng loạt tài liệu khác (nếu có) như: Xác nhận của cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước sở tại; xác nhận của cơ sở giáo dục nước ngoài nơi đã học tập; Luận án và giấy xác nhận đã nộp luận án vào Thư viện quốc gia Việt Nam (đối với người có bằng tiến sĩ); bản sao hộ chiếu có đóng dấu ngày xuất, nhập cảnh; văn bản công nhận chương trình giáo dục hoặc cơ sở giáo dục nơi cấp văn bằng đã được kiểm định chất lượng.

Năm 2013, Bộ GDĐT ban hành Thông tư 26/2013/TT-BGDĐT để sửa đổi, bổ sung quy định trên.

Theo đó, nhiều quy định được “thắt chặt” hơn làm khó cho người dân. Cụ thể, người có văn bằng (đã học ở nước ngoài) cần gửi kèm theo hồ sơ chứng minh thời gian học ở nước ngoài, gồm một trong các tài liệu sau: xác nhận của cơ quan đại diện ngoại giao ở nước sở tại; xác nhận của cơ sở giáo dục nước ngoài  nơi đã học tập; bản sao hợp lệ hộ chiếu có đóng dấu ngày xuất, nhập cảnh; minh chứng đã đăng ký vào Hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử quản lý lưu học sinh của Bộ GDĐT.

Trường hợp cần thiết phải thẩm định mức độ đáp ứng quy định về tuyển sinh chương trình đào tạo, người có văn bằng cần gửi kèm theo hồ sơ các tài liệu liên quan như chứng chỉ ngoại ngữ, các văn bằng, chứng chỉ có liên quan.

Bên cạnh đó, hồ sơ phải còn nguyên vẹn, không bị tẩy xóa, không bị hủy hoại bởi các yếu tố thời tiết, khí hậu hoặc bất kỳ lý do nào khác.

Những quy định nêu trên nhiều năm qua đã gây khó, là rào cản đối với hàng nghìn người dân có bằng cấp thật do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp.

“Hồi tố” bằng cấp thật

Một cán bộ đang công tác tại Hà Nội phản ánh đến Dân Việt, hồ sơ đề nghị công nhận văn bằng của ông nhiều tháng qua vẫn chưa có kết luận từ Cục Quản lý chất lượng, Bộ GDĐT về việc có công nhận hay không.

img

Nhiều người cho rằng, quy định này là một loại "giấy phép con" đang tồn tại ở Bộ GD&ĐT. Ảnh: IT

Vị cán bộ từng học tập, nghiên cứu tại Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Odessa (Liên Xô trước đây, nay thuộc Ucraina – PV) cho rằng quy trình công nhận văn bằng nước ngoài có nhiều điểm vô lý, gây phiền hà cho những người học thật.

Theo xác nhận của chính Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GDĐT), Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Odessa mang tên Y.Y. Mechnikov nằm trong danh sách các cơ sở giáo dục đại học được Bộ Giáo dục và Khoa học (Liên bang Xô Viết cũ) quản lý, cho phép đào tạo và cấp bằng. 

Thế nhưng, người đề nghị công nhận bằng vẫn phải "dài cổ" chờ đợi không biết đến bao giờ mới được trả lời chính thức. 

“Tôi được Nhà nước cử đi học, khi đó giữa hai nước (Việt Nam và Liên Xô) đã có Hiệp định giáo dục. Tôi được cấp bằng chính quy năm 1991 và suốt từ đó đến nay tôi vẫn sử dụng tấm bằng này. Ngôi trường tôi học tập được xác định nằm trong danh sách cơ sở đại học được cho phép đào tạo, cấp bằng, đồng thời tôi đã cung cấp cả bảng điểm từng môn trong 5 năm học 1986 – 1991.

Vậy tại sao tôi phải chờ đợi Bộ GDĐT tiếp tục cấp một giấy công nhận nữa cho tấm bằng của tôi? Điều này là hết sức vô lý.

Trong hội cựu du học sinh của trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Odessa, hàng trăm người cũng như hàng chục trường khác thuộc Liên Xô cũ rơi vào hoàn cảnh tương tự: có bằng cấp vẫn phải chờ Bộ GDĐT công nhận  mới được coi là thật. Ngôi trường này cũng là nơi học tập của nhiều chính khách, cán bộ, doanh nhân nổi tiếng của Việt Nam hiện nay. Bộ GDĐT thực sự đã "đẻ ra" giấy phép con gây phiền toái cho người dân” – vị này nói.

Cuối tháng 10.2018, Cục Quản lý Chất lượng có công văn trả lời cho người đề nghị công nhận bằng: "(sẽ) xem xét việc công nhận văn bằng sau khi nhận được phản hồi từ Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Odessa”. Vậy là, chưa biết đến bao giờ đơn vị này mới có câu trả lời cho người dân. 

Người đề nghị cấp bằng đặt câu hỏi: “Việc công nhận văn bằng của Bộ GDĐT thực chất chỉ là đánh công văn sang hỏi lại trường đào tạo, dù đã nhận được đầy đủ hồ sơ. Nếu vì một lý do khách quan nào đó, trường của tôi không phản hồi lại, tấm bằng thật của tôi chẳng lẽ đem vứt vào sọt rác? Điều này cho thấy quy định của Bộ GDĐT là hết sức vô lý, quá cứng nhắc, máy móc”.

Trong khi đó, một cán bộ cũng từng học tập tại Liên Xô hiện đang công tác tại Bộ Y tế cho hay: “Những năm 80 chúng tôi được cử đi học tập ở Liên Xô, tốt nghiệp và được cấp bằng về nước làm việc. Vài chục năm qua, tôi vẫn đi làm, sử dụng tấm bằng đó bình thường, không thấy đơn vị nào yêu cầu phải xác minh tấm bằng đó cả”.

Còn GS Nguyễn Kim Đính – nguyên Trưởng khoa Ngữ văn (Đại học Tổng hợp Hà Nỗi cũ), một trong những người thuộc thế hệ đầu tiên được Nhà nước cử đi học tập tại Liên Xô cũng xác nhận trước đây không hề phải công nhận lại văn bằng khi học ở Liên Xô về.

“Ở trong khoa mình, kể cả sau này có nhiều người đi học ở Nga về là bằng được công nhận, được ở lại trường giảng dạy” – GS Đính nói.

Trao đổi với Dân Việt, TS Lê Viết Khuyến – nguyên Vụ phó Vụ giáo dục đại học (Bộ GDĐT) đặt câu hỏi ngược lại với Bộ GDĐT: “Ngày trước học sinh, sinh viên đi học nước ngoài là nhà nước cử đi chứ chưa phải đi học tự túc như bây giờ. Có nghĩa là nhà nước đã cử đi thì cơ sở giáo dục phía bên kia chắc chắn đã đảm bảo về uy tín và chất lượng.

Như vậy, tại sao khi về nước, Bộ GD&ĐT vẫn còn đòi hỏi, hồi tố chuyện của 30 – 40 năm về trước. Thử hỏi những lãnh đạo ở Bộ GDĐT hiện nay còn mấy người giữ được những tấm bằng như thế hay không?”.

Trong thông điệp đầu năm,Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã xác định năm 2019 là năm tăng tốc, bứt phá trên các lĩnh vực. 

Thủ tướng Chính phủ cũng nêu ra một số nội dung chỉ đạo điều hành, trong đó có việc: "Tập trung rà soát, khắc phục ngay các tồn tại, bất cập về thể chế, cơ chế, chính sách, tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp ...". 

Thời gian qua, cũng với quy định công nhận văn bằng, chứng chỉ nước ngoài, Bộ LĐTBXH đã quy định rõ các trường hợp người dân không phải "xin" công nhận văn bằng, chứng chỉ dạy nghề do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp. Đây được coi là một bước cải cách hành chính của Bộ LĐTBXH. 

Còn Bộ GDĐT, Bộ này muốn "ôm" giấy phép con công nhận văn bằng của cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người Việt Nam đến bao giờ? 

Bài 2: Cựu cán bộ Bộ GDĐT cũng bức xúc với "giấy phép con" của Bộ 

Kể từ khi Bộ GDĐT ban hành quy định trình tự, thủ tục công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp, cùng thông tin một số văn bằng nước ngoài giả được phát hiện, nhu cầu công nhận văn bằng cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người Việt Nam tăng đột biến.

Như năm 2008 chỉ có 88 hồ sơ đề nghị công nhận văn bằng, đến năm 2016, số lượng đã là 3.861 hồ sơ. Điều đáng nói, trong đó có hàng trăm hồ sơ được coi là “thiếu thông tin” để công nhận văn bằng.