Dân Việt

Nghe cao thủ "bói bom" kể chuyện "giỡn với tử thần"

Ngọc Vũ 04/01/2019 09:30 GMT+7
Không dùng máy móc, chỉ dùng cuốc, xẻng và kinh nghiệm, một số người dân ở tỉnh Quảng Trị đã hành nghề nghe thôi đã lạ: “Bói” bom.

Kỹ nghệ “bói” bom

Một ngày đầu năm mới 2019, chúng tôi tìm về nhà ông Nguyễn Văn Sơn (54 tuổi, trú thôn Lê Xá, Vĩnh Sơn, Vĩnh Linh, Quảng Trị) theo lời giới thiệu của người dân trong vùng. Ông Sơn từng có 20 năm theo nghề “bói” bom.

“Vì nghèo khổ, không việc làm, ruộng đất ít phải chạy ăn từng bữa mới phải làm cái nghề được ví là giỡn mặt với tử thần chứ không ai muốn. Ngày trước, có rất nhiều người bói bom chứ không riêng tôi” – ông Sơn nói.

img

 Ông Nguyễn Văn Sơn kể chuyện bói tìm bom. Ảnh: Ngọc Vũ

Ông Sơn cho biết, vì người ta không dùng máy móc mà chỉ dùng cuốc, xẻng, xà beng cùng kinh nghiệm đúc rút được để tìm, độ chính xác thấp theo kiểu hên xui nên mới gọi là “bói” bom.

Năm 24 tuổi ông Sơn đã theo bạn bè đi khắp các vùng đồi núi phía Tây huyện Vĩnh Linh, Gio Linh (Quảng Trị), thậm chí ra tận Quảng Bình để tìm bom.

Theo ông Sơn, giữa vùng đất tương đối bằng phẳng, nếu phát hiện có một hố tự nhiên sâu khoảng 0,6 – 0,7 mét, rộng khoảng 1,2 mét thì khả nghi đó nơi quả bom chui xuống.

Kế đến, ông Sơn sẽ dùng cuốc đào hố sâu xuống thêm khoảng 1,5 – 2 mét nếu thấy ở giữa mềm, hai bên cứng, đất có màu xám đen thì xác định đúng là quả bom đã chui xuống đó.

Theo giải thích của ông Sơn, quả bom khi tiếp đất sẽ chui sâu xuống, để lại một cái hố đường kính 30-40cm. Năm tháng trôi qua, đất và lá cây theo dòng nước mưa trôi xuống lấp chiếc hố đó lại. Vùng đất được lấp lại sẽ mềm và đen hơn, còn vùng đất xung quanh đường đi của quả bom bị nén chặt nên cứng hơn.

img

Đầu nổ của một của bom. Ảnh: Ngọc Vũ

Khi quả bom chui xuống đất, ma sát tạo nhiệt cũng làm đất bị cháy xám, vành đồng trên quả bom để lại một ít màu xanh nhạt và còn vài mảnh cánh nhôm ở đuôi bom rơi rụng theo đường di chuyển.

Phát hiện những dấu hiệu nêu trên, ông Sơn tiếp tục đào theo đường đi của quả bom. Mỗi lần đào bom phải có ít nhất hai người. Người dưới đào rồi đổ đất vào xô sắt cho người ở trên kéo lên, luân phiên đổi nhau khi mệt. Người ở trên buộc lá cây vào dây thả xuống hố rồi kéo lên nhiều lần để đưa ôxy xuống lòng đất cho người đào bên dưới thở.

Khi tìm thấy quả bom, ông Sơn huy động thêm nhiều người, dùng ròng rọc, trục quay đưa quả bom lên mặt đất, đưa đi bán.

Đánh đổi mạng sống

Tuy nhiên, không phải lúc nào người “bói” bom cũng may mắn bởi có khi quả bom sẽ phát nổ ở dưới lòng đất với độ sâu không thể đoán định.

Với những người có khứu giác tốt, nếu lúc đào xuống khoảng vài mét, ngửi thấy đất có mùi khói thuốc nổ thì khẳng định quả bom đã nổ dưới lòng đất, dừng đào, đỡ tốn công sức. Còn với những người ít kinh nghiệm, khi đào sâu xuống, phát hiện cả một vùng rộng đất đều mềm, có mảnh sắt vụn mới biết quả bom đã nổ và dừng đào.

img

Một hố bom để lại giữa vườn cao su từ việc bói tìm bom. Ảnh: Ngọc Vũ

Theo ông Sơn, bom chui xuống đất có vô vàn hướng đi quái dị tùy theo địa hình. Có những quả bom chui xuống rồi đi ngang dưới lòng đất, ông Sơn cùng đồng nghiệp phải đào ba bốn hố cách nhau khoảng 3-5 mét mới đón được quả bom. Lại có những quả bom đi ngang trong lòng đất sau đó bay ngược lên gần mặt đất, cách nơi chui xuống vài chục mét.

Thở một hơi dài, ông Sơn chép miệng: “Làm nghề này, ngán nhất là lúc đào xuống gặp mạch nước ngầm, đất nhão ra, hố sập đè chết không thoát nỗi như vụ anh Sức năm 2004”. Năm ấy, vào một buổi sáng, khi anh Lê Hữu Sức (trú thôn Tiên Mỹ, xã Vĩnh Lâm, Vĩnh Linh) đang cố gắng đào tìm một quả bom to ở độ sâu hơn 10 mét trong lòng đất thì bất ngờ hố bom bị sập.

img

Vỏ những quả bom được một chủ đại lý phế liệu thu mua, chất đống sau vườn nhà. 

Nghe anh Sức kêu cứu, những người đi đào bom trong vùng biết chuyện vội vàng lao đến. Nhưng vì anh đào trúng hố bom có mạch nước ngầm quá lớn, đất mềm nên đất đá cứ liên tục ụp xuống, không ai dám ứng cứu, mà cứu cũng không được, có khi chết thêm nhiều người. Khoảng 30 phút sau, anh Sức bị đất đá chôn vùi dưới hố sâu… Anh Sức ra đi để lại vợ và các con nhỏ, trong đó có cô bé Lê Thị Mai (năm nay 21 tuổi) lúc đó mới 6 tuổi, bị đau bệnh thận.

Vì sự nguy hiểm ấy, cách đây 5 năm ông Sơn quyết định bỏ nghề “bói” bom, chuyển sang nghề thợ xây, vay vốn ngân hàng chăn nuôi, sản xuất để có thu nhập ổn định, cuộc sống an toàn hơn.