Để nâng cao thu nhập cho người nông dân, trong năm 2018, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Thuận Châu tiếp tục chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, đẩy mạnh thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả, như: Lúa nương, ngô, sắn sang trồng cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm.
Nhờ thực hiện chuyển đổi cây ngô kém hiệu quả sang trồng cây chanh leo, chị Lò Thị Dưng ở bản Quỳnh Thuận (xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu) có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
'Thông tin với phóng viên Dân Việt, ông Đào Tài Tuệ - Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu, cho biết: Năm 2018, toàn huyện trồng mới 1.155 ha cây ăn quả, trong đó: Nhãn 76 ha, xoài 557 ha, bơ trồng xen 313 ha, chanh leo 87 ha, cây có múi 25 ha, cây ăn quả khác 150 ha.
Đối với cây lâu năm, huyện Thuận Châu có chè trồng mới 307 ha, cà phê 520 ha, sơn tra 548 ha. Tính đến nay, diện tích trồng cây ăn quả của huyện gần 3.100 ha, cà phê 5.257 ha (trong đó cà phê kinh doanh là 3.756 ha), chè 1.146 ha (trong đó chè kinh doanh 737 ha), sơn tra 4.726,6 ha, cao su 1.677 ha (trong đó diện tích cho sản phẩm 656 ha).
Trong thời gian tới, huyện sẽ tăng cường các giải pháp quản lý chất lượng giống cây trồng, mở rộng và triển khai mới các các chuỗi sản xuất tiêu thụ nông sản như: Chè, chanh leo, xoài, cam, bơ, thanh long ruột đỏ… để từng bước nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Được biết, nhờ chủ động xây dựng kế hoạch về xuất khẩu, chế biến nông sản, xúc tiến thương mại, đến tháng 12/2018, thông qua các đơn vị thu mua và xuất khẩu nông sản, huyện Thuận Châu đã xuất khẩu được 704 tấn chanh leo sang thị trường Trung Quốc, Pháp; 968 tấn chè sang thị trường Đài Loan; 980 tấn cà phê sang thị trường Trung Quốc, Châu Âu, các nước Mỹ La Tinh, giá trị tham gia xuất khẩu đạt trên 122 tỷ đồng. Ước đến hết năm 2018, giá trị tham gia xuất khẩu đạt 170 tỷ đồng.
Hiện nay, Thuận Châu đã có sản phẩm Chè Phổng Lái được cấp nhãn hiệu chứng nhận và Khoai sọ Thuận Châu được cấp nhãn hiệu tập thể.
Thực hiện một số chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất bằng nguồn vốn sự nghiệp chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, năm 2018, Thuận Châu đã và đang triển khai thực hiện hỗ trợ 5 dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, như: Dự án phát triển sản xuất sản phẩm xoài liên kết theo chuỗi giá trị giai đoạn 2018-2020 tại các xã: Liệp Tè, Mường Bám, Chiềng Ngàm, Mường Khiêng, Bó Mười với mức hỗ trợ năm 2018 là: 3.049 triệu đồng (hỗ trợ cây giống).
Thông qua Ngày hội nông sản, các sản phẩm nông sản thế mạnh của Thuân Châu được các tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ.
Dự án phát triển sản xuất sản phẩm cam liên kết theo chuỗi giá trị giai đoạn 2018-2020 tại xã: Muổi Nọi, Bon Phặng, Tông Lạnh với mức hỗ trợ năm 2018 là: 117,4 triệu đồng (hỗ trợ cây giống); dự án phát triển sản xuất sản phẩm Bơ liên kết theo chuỗi giá trị giai đoạn 2018-2020 tại xã: Muổi Nọi, Chiềng La, Phổng Lái, Púng Tra, Chiềng Pha, Tông Lạnh, Mường É, Bản Lầm với mức hỗ trợ năm 2018 là: 748 triệu đồng (hỗ trợ cây giống).
Dự án phát triển sản xuất sản phẩm thanh long liên kết theo chuỗi giá trị giai đoạn 2018-2020 tại các xã: Chiềng Pha, Chiềng La, Phổng Lái, Tông Lạnh, Phổng Lăng, Thôm Mòn, Tông Cọ, Bó Mười, Phổng Lập, Chiềng Bôm, Nong Lay. Quy mô 150 ha, thực hiện hỗ trợ cây giống năm 2018 là 4 ha với mức hỗ trợ cây giống là 188 triệu đồng...
Cây thanh long ruột đỏ bén duyên với vùng đất Thuận Châu, đem lại nguồn thu lớn cho người nông dân.
Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp một cách bài bản, cơ cấu kinh tế của huyện Thuận Châu đang chuyển dịch theo hướng tích cực. Sản xuất nông nghiệp đang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Hiện nay, đã và đang hình thành các mối liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ đối với một số sản phẩm nông sản. Nhờ vậy, thu nhập bình quân đầu người không ngừng tăng lên qua từng năm, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm, cuộc sống của người dân đang từng bước được nâng lên.
Diện mạo nông thôn đang ngày càng khởi sắc; kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa... được quan tâm đầu tư từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất, phục vụ dân sinh, làm thay đổi cơ bản cảnh quan, môi trường và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.