Hồi sinh làng nghề hơn 100 năm tuổi
Ông Đoàn Toàn – Chủ tịch hội nông dân xã Duy Trinh cho biết, làng nghề chổi đót Chiêm Sơn ở đây đã có từ hơn 100 năm nay. Ban đầu chỉ có vài người làm, rồi nhiều người trong làng làm theo lâu dần hình thành và phát triển mạnh thành làng nghề truyền thống như ngày hôm nay.
Mặc dù trải qua nhiều thăng trầm, “làng nghề vấn chổi đót Chiêm Sơn” vẫn được lưu giữ đến ngày hôm nay.
Theo ông Toàn làng nghề vấn chổi đót Chiêm Sơn hiện có hơn 200 hộ thành viên, trong đó khoảng 20 hộ có quy mô sản xuất lớn, sử dụng từ 5 đến 20 lao động. Nhiều hộ nhờ sản xuất chổi đót mà đã vươn lên làm giàu. Tiêu biểu phải kể đến hộ ông Nguyễn Nhất Tuấn, Lưu Công Quý, Phạm Thị Dung…thu nhập của các hộ điển hình trên từ 200-300 triệu đồng/hộ/năm.
Năm 2018 làng nghề chổi đót Chiêm Sơn cung cấp ra thị trường trên 2,6 triệu sản phẩm các loại, với giá bán trung bình từ 20-28 nghìn đồng/cái, tổng doanh thu ước tính trên 50 tỷ đồng.
Mỗi năm, làng nghề cung cấp cho thị trường hàng triệu sản phẩm chổi đót, riêng năm 2018 là trên 2,6 triệu sản phẩm các loại, với giá bán trung bình từ 20-28 nghìn đồng/cái, tổng doanh thu ước tính trên 50 tỷ đồng. Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu của thị trường, người dân đã đa dạng hóa với nhiều sản phẩm như chổi bện mây truyền thống, chổi quấn dây thép, dây cước, cán thân đót, cán nhựa, chổi quét vôi…. Năm 2016, UBND tỉnh Quảng Nam công bố quyết định công nhận “làng nghề vấn chổi đót Chiêm Sơn”.
Đến với làng Chiêm Sơn trong những ngày này mới cảm nhận được không khí làm việc tất bật, nhộn nhịp bao trùm khắp làng chổi Chiêm Sơn. Mỗi người một công đoạn: quấn dây, bó đót… ai nấy đều chuyên tâm với công việc của mình để cho ra sản phẩm tốt nhất phục vụ người tiêu dùng.
Sản phẩm có nhiều mẫu mã như chổi bện mây truyền thống, chổi quấn dây thép, dây cước, cán thân đót, cán nhựa, chổi quét vôi…
Bên cạnh nguồn nguyên liệu sẳn có tại địa phương, nguyên liệu đót được thu mua nhiều nơi ở các huyện Quế Sơn, Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, ước tính mỗi năm cả làng tiêu thụ hơn 70 tấn đót.
Nghề vấn chổi đót cũng khá đơn giản. Sau khi chẻ tuốt mây, lựa chọn và sắp xếp các nhánh đót bằng nhau thành từng bó, quấn cổ trước, sau đó buộc chặt vào cán chổi rồi đan những đường chân rết thành thân chổi, vậy là xong. Tuy nhiên để có được một cây chổi đót vừa bền, chắc và đẹp, cần phải có đôi bàn tay khéo léo và chắc chắn ở mỗi công đoạn, nhất là tra bó đót vào cán và bện chổi.
Cả làng khấm khá
Anh Nguyễn Nhất Tuấn - Chủ cơ sở sản xuất quấn chổi lớn nhất ở làng Chiêm Sơn, cho biết: Từ sản phẩm truyền thống đầu tiên là chổi bện mây và sản xuất nhỏ lẻ, đến nay, cơ sở của tôi có 40 công nhân, với mức lương trung bình từ 4-6 triệu đồng/người/tháng, sản phẩm có nhiều mẫu mã như chổi bện mây truyền thống, chổi quấn dây thép, dây cước, cán thân đót, cán nhựa, chổi quét vôi… Thời gian qua, tôi đã đi tham quan, học hỏi nhiều làng nghề quấn chổi đót, rồi tham gia các hội chợ trưng bày sản phẩm trong và ngoài tỉnh để có thêm kinh nghiệm trong sản xuất và tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Hiện nay, cơ sở của anh Tuấn đang tập trung nguyên vật liệu, sản xuất hàng để kịp phục vụ các hội chợ, bán ra tại nhiều điểm khác trong và ngoài tỉnh trong dịp cuối năm, chuẩn bị tết Kỷ Hợi 2019 vì nhu cầu cuối năm thường tăng lên nhiều.
Nghề vấn chổi đót đã giải quyết cho hàng trăm lao động tại địa phương.
Còn ông Lưu Công Quý cho biết: Gia đình tôi có mấy thế hệ làm chổi, sau này con cái lớn lên bắt chước làm theo nghề truyền thống của quê hương, nhờ làm chổi đót mà đã giúp gia đình tôi có thu nhập ổn định, nghề này người tuổi cao vẫn có thể làm được vì làm trong nhà, mát mẻ vì công việc nhẹ nhàng, không đòi hỏi dùng sức nhiều. Mỗi ngày, mỗi công nhân cũng kiếm được từ 120-150 ngàn đồng, có thêm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống.
Mỗi ngày, mỗi công nhân cũng kiếm được từ 120-150 ngàn đồng từ làm nghề vấn chổi đót.
“Những năm qua, nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất mà năng xuất cũng như chất lượng chổi đót Chiêm Sơn đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Hiện địa phương đang tiếp tiếp tục duy trì và xây dựng thương hiệu làng nghề chổi đót Chiêm Sơn thành sản phẩm đặc trưng xứ Quảng”, ông Đoàn Toàn - Chủ tịch hội nông dân xã Duy Trinh nhấn mạnh.