Các tàu chiến Anh trong tương lai có thể hiện diện thường trực ở Biển Đông từ căn cứ tại Singapore.
Theo CNN, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson hồi tuần này nhắc đến kế hoạch xây hai căn cứ quân sự Anh ở Đông Nam Á, bao gồm ở Singapore và ở Brunei.
Chiến lược này đánh dấu sự trở lại của Anh sau hàng thập kỷ rút toàn bộ lực lượng về nước.
“Đây là thời khắc lớn nhất của Anh kể từ khi Thế Chiến 2 kết thúc”, ông Williamson nói. “Đây là thời khắc để Anh vươn tầm ảnh hưởng toàn cầu một lần nữa. Quân đội sẽ đóng vai trò quan trọng trong tham vọng này”.
Giới phân tích bày tỏ sự hoài nghi về tham vọng của Anh. Nhiều người cho rằng Anh hiện giờ không có ngân sách để duy trì căn cứ quân sự ở nước ngoài, cũng như tham vọng chiến lược của Anh về vấn đề này.
Đồng minh số 1 của Mỹ
Vai trò đồng minh hàng đầu của Mỹ từ lâu đã thuộc về Anh, chứ không phải Pháp hay Israel. Sự xuất hiện của căn cứ quân sự Anh ở Singapore, Bruinei chắc chắn sẽ được Washington ủng hộ tích cực, theo CNN.
“Đây là bước đi vững chắc trong chiến lược kiềm chế Trung Quốc ở châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ và Washington chắc chắn sẽ hài lòng”, nhà phân tích Ni Lexiong nói.
Các tàu chiến Mỹ đã thường xuyên tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông và Washington mong muốn Anh, Pháp làm điều tương tự.
Dĩ nhiên, quá trình quay trở lại làm cường quốc toàn cầu của Anh không hề đơn giản. Anh đã ký hiệp ước quốc phòng với 5 quốc gia bao gồm Singapore, Úc, New Zealand và Malaysia vào năm 1971, khi rút lực lượng cuối cùng ở châu Á về nước.
Sự xuất hiện trở lại của căn cứ quân sự Anh ở Singapore sẽ cần đến sự ủng hộ của tất cả các quốc gia trong hiệp ước, theo tờ Diplomat.
Một khi Anh mở căn cứ quân sự ở Đông Nam Á, Trung Quốc được dự đoán sẽ phản ứng mạnh mẽ. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị từng nhắc nhở người đồng cấp Anh không nên “chọn phe” trong vấn đề Biển Đông.
Bộ trưởng Ngoại giao Anh khi đó thẳng thắn nói rằng London sẽ không làm gia tăng căng thẳng. Nhưng mọi chuyện đã thay đổi khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump không ngừng gây sức ép lên Trung Quốc, ở cả phương diện quân sự và thương mại.
Với tư cách là đồng minh số 1 của Mỹ, Anh cảm thấy có lý do để tiếp bước Washington. Trong cuộc trả lời trên tờ Financia Times, người đứng đầu hải quân Anh, Đô đốc Philip Jones, coi việc Anh phản ứng với Trung Quốc ở Biển Đông là một cách định nghĩa lại luật pháp hàng hải quốc tế.
Thu lời từ buôn bán vũ khí
Anh là nước đóng được nhiều tàu khu trục với thiết kế hiện đại.
Xây căn cứ quân sự ở Đông Nam Á không chỉ đáp ứng chiến lược của Anh và đồng minh, mà còn giúp London mở rộng nguồn thu kinh tế từ buôn bán vũ khí.
Bất cứ một nhân viên bán hàng nào cũng có câu trả lời rằng, chiến lược này giúp Anh phô diễn những thứ có bán cho các quốc gia trong khu vực, theo CNN.
Anh từng là nhà xuất khẩu vũ khí đứng thứ hai trên thế giới trong giai đoạn 2008-2017. Các hợp đồng bán vũ khí của Anh cho các nước châu Á sẽ đóng vai trò quan trọng cho nền kinh tế Anh thời hậu Brexit.
Năm 2017, Anh thu về 11,3 tỷ USD từ bán vũ khí, theo Bộ Quốc phòng Anh. Con số này góp phần tạo ra việc làm thường xuyên và trả lương hậu hĩnh cho một lượng lớn lao động ở Anh.
Ước tính cứ 200 việc làm ở Anh thì có một liên quan đến ngành công nghiệp quốc phòng. Lịch sử 10 năm bán vũ khí của Anh được tô điểm bằng các đối tác thường xuyên như Ấn Độ, Ả Rập Saudi, Kuwait, Oman, Brazil.
Khi Úc ký hợp đồng 26 tỷ USD trong tháng 6.2018 để mua 9 tàu chiến săn ngầm do Anh thiết kế, Úc đóng tàu, báo Anh đã coi đây là thương vụ “hớt tay trên” từ các nhà thầu khác ở châu Âu.
Đây được coi là “thương vụ bán vũ khí lớn nhất của Anh trong hàng thập kỷ”, giúp giảm đáng kể chi phí đóng tàu chiến của Anh và giúp thu hút thêm các bạn hàng quốc tế.
Dĩ nhiên, việc Anh mở rộng bán vũ khí sang châu Á sẽ cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc. Nhiều quốc gia châu Á như Lào, Thái Lan, Campuchia, Pakistan đã là đối tác mua vũ khí thường xuyên từ Trung Quốc.
Không chỉ hải quân Mỹ và Nhật Bản, tàu chiến của một số quốc gia như Canada, Anh và Pháp cũng đang tăng cường hiện diện...