Dân Việt

Đặc sản quê nhà: Đậm đà mắm Giao Châu

Hoàng Tuấn 05/01/2019 14:05 GMT+7
Những năm qua, Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) tại xã Giao Châu, huyện Giao Thủy (Nam Định) đã giúp hàng trăm lượt hộ nông dân vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, duy trì phát triển làng nghề truyền thống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Đưa làng nghề mắm vươn xa

Với mục đích hỗ trợ các hộ nông dân duy trì và phát triển nghề truyền thống, những năm qua, Hội Nông dân (ND) tỉnh Nam Định chỉ đạo Hội ND các cấp tại địa phương duy trì và tăng trưởng Quỹ HTND.

img

 Nguồn vốn Quỹ HTND đã giúp nhiều hộ làm mắm truyền thống ở xã Giao Châu phát triển nghề bền vững. Ảnh: Hoàng Tuấn

Hiện tại, Sa Châu còn hơn 100 hộ làm nghề, sản lượng trung bình 450-500 nghìn lít/năm. Nước mắm Sa Châu được bán rộng rãi trong tỉnh và khắp các tỉnh, thành phố từ Bắc vào Nam.

Đối với những địa phương có làng nghề truyền thống, Hội ND tỉnh yêu cầu lập kế hoạch, xây dựng đề án, phương án, từ đó tỉnh căn cứ để thực hiện việc cho vay vốn ủy thác từ Quỹ HTND T.Ư.

Bám sát chỉ đạo đó, Hội ND xã Giao Châu (huyện Giao Thủy) đã thành lập dự án “Sản xuất nước mắm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm” và đã được Hội ND tỉnh giải ngân cho vay 700 triệu đồng, tạo điều kiện cho 14 hộ vay, trung bình mỗi hộ được vay 50 triệu đồng, thời gian vay trong 2 năm.

Chúng tôi đến thăm mô hình sản xuất mắm chắt, mắm tôm của gia đình ông Trần Minh Sơ, ở xóm Mỹ Bình, xã Giao Châu. Từ nguồn vốn vay của Quỹ HTND, ông đã có thêm vốn để đầu tư sản xuất, duy trì phát triển nghề sản xuất nước mắm Sa Châu truyền thống. Ông Sơ chia sẻ: “Dù nguồn vốn không lớn nhưng Quỹ HTND đã giúp gia đình tôi có thêm động lực để mở rộng sản xuất, kinh doanh…”- ông Sơ nói.

Được biết, gia đình ông là một trong hơn 100 hộ của xóm Mỹ Bình chuyên sản xuất nước mắm Sa Châu. Có thời điểm, do ảnh hưởng của thị trường, những hộ sản xuất nước mắm Sa Châu nói riêng và các hộ sản xuất nước mắm truyền thống nói chung có lúc tưởng chừng phải bỏ nghề. Nhưng với tâm huyết và nghị lực, các hộ nông dân vẫn kiên trì bám trụ sản xuất, duy trì nghề truyền thống. Và Quỹ HTND đã góp phần giúp các hộ có thêm vốn, thêm động lực để phát triển nghề.

Chủ động tạo nguồn lực cho Hội

Ông Cao Văn Bôn - Chủ tịch Hội ND xã Giao Châu cho biết: “Dự án Sản xuất nước mắm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm” vay vốn Quỹ HTND đã thực hiện đúng kế hoạch đề ra. Các hộ sử dụng vốn vay đúng mục đích. Bên cạnh vốn, các hộ tham gia vay vốn được Hội ND tỉnh, huyện hỗ trợ tổ chức các lớp tập huấn về phát triển và xây dựng thương hiệu làng nghề, đảm bảo kỹ thuật sản xuất nước mắm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo ông Bôn, cùng với việc cho vay phát triển sản xuất, Ban quản lý Quỹ HTND xã còn chú trọng tư vấn, hướng dẫn hội viên, nông dân sử dụng vốn vay có hiệu quả; thực hiện đúng các quy định quản lý quỹ, thu hồi nợ đến hạn… nhằm bảo toàn và không ngừng tăng trưởng nguồn quỹ, góp phần giúp hội viên, nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Việc quản lý thực hiện dự án vốn Quỹ HTND ở xã Giao Châu đã góp phần nâng cao năng lực cho cán bộ Hội trong việc quản lý, điều hành và thực hiện nhiệm vụ giao. Để nguồn vốn vay tiếp tục phát huy hiệu quả, thời gian tới, Hội ND xã tiếp tục tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của Quỹ HTND; xác định đúng đối tượng được hỗ trợ và xây dựng dự án mới, phù hợp tình hình thực tế địa phương. Quan tâm huy động các nguồn lực nhằm tăng cường nguồn quỹ, giúp thêm nhiều hội viên khó khăn được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất.

Bên cạnh sử dụng hiệu quả nguồn Quỹ HTND do Hội ND cấp trên ủy thác, những năm qua, Hội ND xã Giao Châu còn chủ động xây dựng, phát triển Quỹ HTND. Riêng nguồn Quỹ HTND do xã vận động, xây dựng có 60 triệu đồng đã cho 6 hộ vay. Hội ND xã chủ động, tích cực xây dựng kế hoạch vận động, phối hợp với các ngành liên quan để bổ sung Quỹ HTND từ nguồn ngân sách địa phương; triển khai đến các chi hội để vận động cán bộ, hội viên tham gia đóng góp. Quỹ HTND được cho vay theo phương án sản xuất, kinh doanh nhóm hộ ở cơ sở, mỗi chu kỳ cho vay 2-3 năm/mô hình dự án…