Dân Việt

Đam mê trồng lan, lan trả...huy chương vàng

Văn Việt 11/01/2019 13:15 GMT+7
Thêm một năm dành hết tâm huyết chăm sóc, làm đẹp khu vườn phong lan của mình trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, TP Ðà Lạt, chủ nhân Phạm Quang Bình đã gặt hái thêm nhiều huy chương và giải thưởng khác tại các cuộc thi trong tỉnh Lâm Ðồng, ở phạm vi toàn quốc và quốc tế.

Ngày cuối năm 2018, phóng viên hẹn chủ nhân Phạm Quang Bình đến thưởng ngoạn những vẻ đẹp phong lan đặc trưng của cao nguyên LangBiang, tọa lạc bên đường nhựa lớn Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đà Lạt.

Dù không trưng bảng hiệu, nhưng trong năm 2018 vừa qua, vườn phong lan của anh Bình thường xuyên đón khá nhiều lượng khách chơi lan tìm đến từ các tỉnh, thành trong nước và trong tỉnh Lâm Đồng để chiêm ngưỡng, giao lưu và trao đổi các nguồn gien quý hiếm, cùng thể hiện niềm yêu thích sinh vật cảnh của mình.

img

Lan bạch hạc của chủ nhân Phạm Quang Bình đoạt Giải Đặc biệt trong Hội thi Hoa lan toàn quốc tại tỉnh Vĩnh Long vào cuối năm 2018

Trong đó, khách đam mê đặc biệt một số nguồn giống phong lan được gắn huy chương cùng với các giải thưởng cao trong cuộc thi toàn quốc, quốc tế những năm gần đây của vườn lan Phạm Quang Bình như: Bạch hạc Lang Biang, Tóc tiên, Lan hài…

Với quy trình chăm sóc đặc biệt, chủ nhân Phạm Quang Bình đã kích thích trên từng sợi lan Tóc tiên đó vẫn đang bung nở những đóa hoa trắng tinh khôi mùa đông Đà Lạt, ở giữa đài hoa điểm màu vàng nhẹ và tím nhạt. Trong khi đặc điểm sinh thái tự nhiên của loài phong lan Tóc tiên thường vào vụ hoa nở trong mùa hè và mùa thu.

Qua cánh cổng khu vườn lan diện tích 200m2 của anh Bình, phóng viên vừa bước vào trong là được ngắm nhìn từng chùm hoa như từng đàn hạc trắng chập chờn bay lượn; lại gần hơn thấy rõ đôi cánh hoa xòe rộng giống hình đôi cánh chim hạc thong dong bay trên nền xanh của không gian ngập đầy hoa, lá thiên nhiên. Bên cạnh đó là nhánh phong lan mang tên Tóc tiên thướt tha buông dài.

Bên dưới giàn phong lan Bạch hạc và Tóc tiên, dành riêng khoảng không gian của những hàng chậu lan hài có tên Apple của anh Phạm Quang Bình, phần lớn vẫn đua chen nở ra những cành hoa hình chiếc giày nho nhỏ, xinh xinh của cô công chúa trong một câu chuyện cổ tích đã từng đọc, nghe, xem đâu đó…

Chủ nhân Bình khiêm tốn: “Năm 2018, vườn phong lan của mình có 3 loài hoa Lan hài Apple, Tóc tiên và Bạch hạc tiếp tục có duyên đoạt giải tại Hội thi Hoa lan toàn quốc tổ chức ở Vĩnh Long vừa qua. Đó là phong lan Bạch hạc với một tán hoa bằng một vòng tay giang rộng đã được nhận Giải Đặc biệt; một chậu lan hài với 12 cành hoa nở được gắn Huy chương Đồng…”.

img

Lan hài đoạt Huy chương Đồng toàn quốc vào cuối năm 2018

Được biết trong cuộc thi hoa và cây cảnh quốc tế tại Festival Hoa Đà Lạt 2017, các sản phẩm của anh Phạm Quang Bình gồm Bạch hạc và Lan hài được gắn lần lượt Huy chương Vàng và Huy chương Đồng. Riêng phong lan Tóc tiên ,trong 2 kỳ Festival Hoa Đà Lạt năm 2015 và năm 2017 đoạt 2 Huy chương Vàng và Đồng.

Đáng quan tâm đối với các giống phong lan gắn huy chương đều được chủ nhân Phạm Quang Bình nghiên cứu nhân giống thành công hàng loạt bằng phương pháp hữu tính (thụ phấn lấy hạt gieo) và vô tính (chiết tách đơn vị hoặc gửi đỉnh sinh trưởng cấy mô).

Nhiều “đồng nghiệp” chơi lan trong nước đã đến vườn lan của anh Phạm Quang Bình trao đổi cây với cây hoặc mua theo giá tự thỏa thuận về bố trí chăm sóc làm phong phú bộ sưu tập trên từng vườn phong lan của mình. Ngoài ra, kết thúc năm 2018, chủ nhân Phạm Quang Bình còn nhân giống và chăm sóc ra hoa khá nhiều loại phong lan, cây cảnh quý hiếm trong khu vườn 200 m2 của mình như: Đỗ quyên Lang Biang màu đỏ; Hồng môn đa sắc tím, đỏ, hồng, vàng…

Trong đó, chủ nhân Bình được trao nhận lại các loại phong lan của “đồng nghiệp” hoán đổi từ khu vực rừng núi Tây Bắc như: Chuỗi ngọc, Sơn thủy tiên, Phi điệp… Hiện tại, anh Bình cũng đã đầu tư nhân giống hàng loạt và chăm sóc phát triển khá tốt tại khu vườn ở Đà Lạt của mình đối với các loại phong lan từ các khu rừng núi Tây Bắc này…

Đón năm mới 2019, vườn phong lan của chủ nhân Phạm Quang Bình (số 406, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đà Lạt) tăng lên đến hàng ngàn chậu “bài trí” trên tầng treo và tầng mặt đất trong diện tích nhà lưới 200m2, đã và đang trở thành điểm đến tham quan, nghiên cứu bảo tồn và phát triển hiệu quả hơn nữa nguồn gien đa dạng loài phong lan đặc hữu cao nguyên Lang Biang và các vùng rừng núi phía Bắc Việt Nam.