Tuy nhiên, mặt hàng nấm - loại nông sản thường đắt hàng nhất vào thị trường cuối năm - lại đang gặp khó vì “đụng hàng” với nấm Trung Quốc. Người trồng nấm dè dặt vào vụ mới vì chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao.
Nấm tươi khởi sắc
Vài tháng trước, nhiều mặt hàng nấm tươi như: nấm bào ngư, nấm tuyết, nấm rơm... đều rớt giá. Có thời điểm, nấm bào ngư rớt giá chỉ còn 5-7 ngàn đồng/kg khiến người trồng hầu như không còn lợi nhuận. Hiện giá các loại nấm bào ngư, nấm tuyết đồng loạt tăng lên từ 12-15 ngàn đồng/kg, những ngày rằm hay mùng một (ngày ăn chay) thì tăng lên đến trên 20 ngàn đồng/kg.
Giá các loại nấm tươi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đều tăng so với trước. Ảnh: I.T
Ông Lê Hữu Chuyên, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Nấm Lộc (xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc) nhận xét, từ hơn 1 tháng qua các loại nấm tươi mới khôi phục trở lại mức giá tốt như cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến thị trường cuối năm, sức tiêu thụ mặt hàng này vẫn tốt nên chủ các trại đang tập trung đầu tư để các trại nấm cho năng suất tốt” - ông Chuyên nói.
Ông Lê Hồng Thanh, nông dân trồng nấm rơm tại xã Xuân Bắc (huyện Xuân Lộc) cho biết, so với mùa mưa, đây là thời điểm thuận lợi hơn nhiều cho cây nấm sinh trưởng. Nhiều vùng tận dụng ruộng sau gặt để trồng nấm rơm. Giá nấm rơm bán tại ruộng dao động ở mức 40-45 ngàn đồng/kg. Với mức giá này, nông dân đã có lợi nhuận tốt nên yên tâm đầu tư.
Ông Thanh so sánh: “Xét cả năm, thì năm nay thị trường cho cây nấm gặp nhiều khó khăn hơn. Vụ thu hoạch mùa mưa vừa qua nấm rơm không sốt giá như mọi năm. Chúng tôi kỳ vọng vụ cuối năm và trong tháng Giêng thị trường có giá tốt hơn để tăng lợi nhuận bù vào khó khăn của những tháng qua”.
Nấm mèo bất an
Trái với kỳ vọng của nông dân trồng nấm tươi, các trại trồng nấm mèo đang vào vụ mới với nhiều lo lắng. Ông Nguyễn Văn Thanh, nông dân trồng nấm mèo tại xã Bảo Quang (TX.Long Khánh) cho biết, vụ thu hoạch vừa qua, nấm mèo đạt năng suất kém, giá bán cũng không bằng mọi năm. Nấm mèo khô loại tai nhỏ bán tại trại chỉ hơn 60 ngàn đồng/kg.
Nông dân đóng bịch nấm chuẩn bị cho vụ mới tại xã Suối Nho (huyện Định Quán).
Nông dân trồng nấm hiện không còn mấy lợi nhuận vì chi phí đầu tư vụ rồi đội lên gần gấp đôi chủ yếu do giá nguyên liệu chính làm bịch nấm là mùn cưa khan hàng, sốt giá. “Vụ này, giá nguyên liệu đầu vào hầu như không giảm, vụ thu hoạch trước lại mất cả mùa, cả giá khiến chúng tôi càng dè dặt khi bước vào vụ mới” - ông Nguyễn Văn Thanh lo lắng.
Cùng tâm trạng trên, bà Nguyễn Thị Hòa, nông dân trồng nấm mèo tại xã Suối Nho (huyện Định Quán) đang tính toán giảm số nhà nấm vào vụ cuối năm nay. Mọi năm, nấm mèo càng trữ để cận tháng cuối năm bán càng có giá. Nhưng năm nay, người trồng càng trữ càng rớt giá nên nhiều người kém mặn mà vào vụ mới. Theo bà Hòa: “Trước đây, nấm mèo xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc rất nhiều nhưng hiện nước này đang xuất ngược trở lại cạnh tranh trực tiếp với nấm mèo trong nước”.
Toàn tỉnh hiện có nhiều vùng phát triển nghề trồng nấm như: xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom), xã Suối Nho (huyện Định Quán), xã Xuân Bắc (huyện Xuân Lộc), TX.Long Khánh... nên nguồn cung ngày càng dồi dào. Các sản phẩm nấm chủ lực gồm: nấm mèo, bào ngư, nấm tuyết, linh chi... Để phát triển bền vững, nhiều địa phương đã thành lập các hợp tác xã sản xuất nấm VietGAP, liên kết bao tiêu cho nông dân cung cấp vào hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm an toàn. |