Dân Việt

Kỳ án 70 năm vẫn mập mờ: Thật giả hỗn đỗn đến không ngờ

Thảo Nguyên 10/01/2019 10:48 GMT+7
Một vụ án mà sau hơn 70 năm, thật và giả, sai và đúng, có tội hay vô tội vẫn mập mờ và hỗn độn. Điều duy nhất có thể chắc chắn được là nạn nhân thì có thật trong khi vụ án mạng thì lại có thể giả.

img

Bruno Luedke.

Đó là câu chuyện về một anh chàng làm nghề đánh xe ngựa trong thập kỷ 40 của thế kỷ trước ở nước Đức. Bruno Luedke là tên của anh ta. Chuyện này bắt đầu từ khi nhóm trẻ con vui chơi phát hiện trên bãi đất hoang xác một người phụ nữ 53 tuổi bị cưỡng hiếp và sát hại một cách rất dã man. 

Cảnh sát tiến hành điều tra và nhanh chóng tìm ra kẻ bị tình nghi là Bruno Luedke. Không biết vì lý do gì mà kẻ tình nghi này ngay lập tức không chỉ nhận tội mà còn thú nhận là đã giết tổng cộng 84 người, trở thành kẻ giết nhiều người nhất trong lịch sử tội phạm hình sự ở nước Đức.

Kết quả điều tra và xác minh đã nhanh chóng cho thấy Bruno Luedke không thể giết hại nhiều người đến như vậy, nhưng cũng đã chứng minh là người này giết 54 người và mưu sát 4 người khác nữa. Bruno Luedke chưa kịp bị đưa ra xét xử trước toà thì đã trở thành nạn nhân trong vụ việc khác.

Nước Đức thời kỳ ấy ở dưới sự trị vì của Đảng Quốc xã. Chính quyền Đức quốc xã thực thi chương trình nghiên cứu và thí nghiệm về độc dược để sử dụng vào mục đích loại trừ những người bị coi là “không thuần chủng Đức” hay “tật nguyền và tâm thần bẩm sinh”. Bruno Luedke bị liệt vào diện tâm thần và trở thành đối tượng nghiên cứu lý tưởng đối với chương trình này. 

Không biết Bruno Luedke bị sử dụng làm “chuột bạch” như thế nào mà chỉ biết rằng người này đã chết khi thí nghiệm đang được tiến hành ngày 8.4.1944. Tài liệu lưu trữ đến nay còn ghi rõ Bruno Luedke chết trong một thí nghiệm về loại độc dược sử dụng chuyên cho các phi vụ ám sát.

Vụ việc này tưởng bị quên lãng trong quá khứ lịch sử sau cái chết của Bruno Luedke. Nhưng nó được khui lại vào đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Một số nhà sử học và khoa học hình sự ở Đức và Hà Lan hoài nghi về việc một người đã có thể sát hại nhiều người đến như vậy.

Họ lật lại vụ việc, nghiên cứu lại hồ sơ, điều tra mời về vụ việc và càng có thêm nhiều kết quả điều tra mới thì kết luận của họ càng được củng cố là Bruno Luedke không thể giết nhiều người đến như vậy, thậm chí lại còn cả có thể không giết bất cứ người nào. 

Chuyện Bruno Luedke bị chính quyền Đức quốc xã sử dụng làm vật thí nghiệm và chết vì thế thì có thật, nhưng những vụ giết người mà cảnh sát và toà án Đức trước đó đã kết tội cho anh ta lại đa phần, thậm chí hoàn toàn là giả.

Nguyên nhân vì sao lại như vậy hiện khó có thể tìm ra. Có thể cảnh sát và toà án tắc trách. Có thể chính quyền Đức quốc xã cần lý do để biến Bruno Luedke thành vật thí nghiệm. Điều chắc chắn là anh chàng này trở thành nạn nhân thật.

Lại còn được nổi tiếng trên thế giới nữa khi vụ việc và cuộc đời được tái hiện trong văn học và điện ảnh. Ngay từ thập kỷ 50 của thế kỷ trước, sách viết về Bruno Luedke bán rất chạy. Bộ phim về Bruno Luedke với cái tên “Quỷ sứ đến đêm đêm” được trao nhiều giải thưởng điện ảnh của nước Đức và đề cử tranh Giải Oscar năm 1958. Sự thật như thế nào đến nay vẫn chưa được chứng minh.