Dân Việt

Giữ lại tiếng cồng cho Mường Động

09/01/2012 13:26 GMT+7
(Dân Việt) - Nữ ca sĩ Đinh Kiều Dung đã từng đoạt Huy chương Vàng Sơn ca toàn quốc cách đây 21 năm, giờ thì chị có một niềm say mê khác: Cùng lớp trẻ giữ lại văn hóa, lời ca và tiếng cồng chiêng cho Mường Động.

Điều níu kéo tâm hồn

Gặp lại chị Đinh Kiều Dung khi dư âm những ngày văn hoá đặc sắc chào mừng lễ kỷ niệm 125 năm thành lập tỉnh, 20 năm tái lập tỉnh và lễ hội cồng chiêng tỉnh lần thứ nhất vừa lắng xuống. Thế nhưng, chị vẫn bồi hồi tâm sự: “Là con em người Mường Hoà Bình, mình thấy xốn xang, tự hào vô cùng khi được đại diện cho Mường Động đến với ngày hội. Có em nói một câu mà mình cảm động mãi: Được khoác lên mình bộ trang phục Mường, đánh cồng chiêng và hát dân ca Mường thấy hãnh diện vô cùng. Thế là những điều truyền dạy của mình từ năm 2004 đến nay đã không uổng phí...”.

img
Nghệ nhân cồng chiêng Mường Động diễu hành trong Ngày hội văn hóa của tỉnh Hòa Bình năm 2011.

Câu chuyện dần lần ngược về năm 2004, khi chị đặt những viên gạch đầu tiên cho lớp học “đánh cồng chiêng và hát dân ca Mường” ở xóm Bo (xã Kim Bình) quê hương. Mở lớp, không hẳn vì chị là hội viên Hội Văn nghệ dân gian, không hẳn vì khả năng truyền giảng và dồi dào về vốn cổ mà xuất phát từ điều thẳm sâu: Làm sao văn hoá Mường không phôi phai, tàn lụi. Điều to tát đó được chị hiểu cụ thể: Con em người Mường phải biết hát dân ca Mường, biết đánh cồng Mường...

Và những đêm cuối tuần ở xóm Bo đã trở thành những đêm văn nghệ sôi động, hào hứng. Khoảng 20 em nhỏ từ 6-14 tuổi đã được “cô giáo Dung” dạy những bài “Ru ún”, “ Mời trầu”, “Lời ru ban đêm”, “Lời ru ban ngày” theo lối hát của người Mường trong cuộc sống thường ngày, cùng các bài cồng người Mường Động, Mường Bi từng có.

Từ năm 2004 đến nay, “Lớp cô Dung” nếu tính kỹ ra, cũng cho “tốt nghiệp” 6-7 lượt, với trên 30 học viên được theo học hát dân ca và đánh cồng. Nhiều em đã trưởng thành nhanh chóng, đủ sức là bạn diễn của cô tại các ngày hội văn hoá, các ngày lễ kỷ niệm của huyện, của tỉnh.

Mơ bộ cồng đủ sắc âm

Nói chuyện với tôi, chị trăn trở với việc mở lớp vì vẫn vẹn nguyên niềm đam mê, nhưng cũng có lúc mỏi mệt. Vì sao ư? Vì không có những “đồng hành” trong định hướng, chỉ đạo về chuyên môn và mong muốn có một đề án, dự án nào đó của tỉnh, của huyện về phát huy, bảo tồn hát dân ca Mường và cồng chiêng Hoà Bình. Nhìn sang “Mường” bạn thấy yên ắng quá, vì chưa thấy ai bắt tay vào công việc mà mình đang làm.

Có lúc khát khao một bộ cồng đủ các sắc âm để dạy cho các cháu được vẹn đầy hơn nhưng cũng không dễ dàng”. Thế điều ước của chị? Chị Dung chân thành chia sẻ: Chỉ muốn có được sự chỉ đạo, điều hành của ngành chức năng, của huyện về việc mở lớp cho các bạn trẻ.

Anh Nguyễn Quang Huy - Phó trưởng phòng Văn hoá & Thông tin huyện Kim Bôi cho biết: “Chị Dung đang ấp ủ dự định mở thí điểm giống như mô hình ở xóm Bo. Nhưng đấy cũng chỉ là ý tưởng và khó thành công nếu không có sự đồng hành chung của các cấp, các ngành hữu quan”.

Nếu mỗi huyện có được 1 lớp thôi như lớp của chị Dung cũng là nền tảng quý giá lắm rồi. Bởi vì, không chuẩn bị từ hôm nay, lớp trẻ sau này sẽ xa lạ với vốn quý cha ông để lại. Nhìn ngay ở Kim Bôi, nhiều nghệ nhân dân gian vì tuổi cao sức yếu đã qua đời, đã để lại một khoảng trống mênh mông cho những người tiếp nối. Còn nếu không làm nữa, sự tiếp nối cũng dừng lại.

Chị cũng sợ điều ấy là xa vời, vì ngay như điều đơn giản nhất, là lớp học cần có 1 bộ cồng chiêng cũng không dễ dàng có, giống như tình hình đang diễn ra ở lớp học xóm Bo. Dẫu vậy, chị vẫn tin và hy vọng, tỉnh nhà sẽ có những động thái tích cực sau lễ hội cồng chiêng hoành tráng vừa qua…