Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). (Ảnh: I.T)
Tổng cục Hải quan, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa công bố Báo cáo mức độ hài lòng của doanh nghiệp về thực hiện các thủ tục hành chính trong xuất nhập khẩu năm 2018.
Báo cáo năm 2018 khảo sát dựa trên hơn 2.832 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, cung cấp thông tin cho các bộ câu hỏi. Theo đó, 56% số DN cho biết họ không chi trả chi phí ngoài quy định, 26% số DN lựa chọn phương án “Không biết”, 18% số DN thừa nhận có chi trả chi phí ngoài quy định.
Theo số liệu khảo sát 2018, có 52% số DN cho biết không bị phân biệt đối xử nếu không chi trả chi phí ngoài quy định và có 34% số DN không biết có bị phân biệt đối xử hay không. Chỉ có 15% DN cho rằng bị phân biệt đối xử nếu không trả chi phí ngoài quy định khi thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu. Năm 2015, con số này là 31% DN bị phân biệt đối xử nếu không chi trả chi phí ngoài quy định khi thực hiện thủ tục hải quan. Trong số các DN nhận thấy bị phân biệt đối xử, hình thức phổ biến nhất là kéo dài thời gian làm thủ tục (93%). Ngoài ra, 69% DN phản hồi cho rằng có thể bị gây khó khăn trong lần làm thủ tục sau. Các hình thức phân biệt khác bao gồm yêu cầu giấy tờ, chứng từ không theo quy định (48%) và thái độ không văn minh lịch sự (41%).
Nhóm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics và dịch vụ có tỷ lệ phải chi trả tiền phi chính thức lớn nhất với 28%, còn các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu lại có tỷ lệ chi trả thấp từ 17-21%.
Theo Báo cáo, trong tổng số hơn 2.800 doanh nghiệp được khảo sát, với câu hỏi chi trả chi phí phi chính thức khi thực hiện các thủ tục hải quan, thủ tục chuyên ngành, có đến 497 DN trả lời có, chiếm tỷ lệ 18%, giảm 10% so với năm 2015 (28%).
Tỷ lệ doanh nghiệp bị vòi tiền ngoài quy định nằm chủ yếu ở thủ tục thông quan hải quan, trong đó lớn nhất là kiểm tra thực tế hàng hóa (87,5%) và kiểm tra hồ sơ (83%).
Theo khảo sát năm 2018, các doanh nghiệp cho biết các thủ tục kiểm tra chuyên ngành tại các Bộ, ngành có chi phí ngoài quy định cao. Kết quả cho thấy, có 212 DN cho biết có chi trả chi phí ngoài quy định khi thực hiện thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành tại các bộ, ngành.
Bộ Công Thương đứng đầu với tỷ lệ 50,9% số doanh nghiệp cho biết phải chi trả chi phí ngoài quy định. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xếp thứ hai với tỷ lệ 34% doanh nghiệp cho biết phải chi phí ngoài quy định trong thực hiện các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành.
Bộ có ít nhất là Văn hóa, Thể thao và Du lịch với 16%, Bộ Thông tin và Truyền thông với 17,45% doanh nghiệp phải chi phí ngoài quy định khi chịu kiểm tra chuyên ngành.
Bình luận những thông tin đã nêu, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, hiện ngành hải quan chỉ chịu trách nhiệm 28% các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, còn lại 72% số thủ tục kiểm tra chuyên ngành thuộc về các bộ, ngành chuyên môn, trong đó lớn nhất là Bộ Công Thương, Khoa học và Công nghệ, NN&PTNT.
Ông Đậu Anh Tuấn cho biết có 18% DN được khảo sát thừa nhận có phải chi trả chi phí không chính thức, giảm so với 28% của năm 2015. Số DN không biết và không muốn công bố thông tin này là 26%.
“Đáng mừng rằng có 56% DN không phải chi trả chi phí không chính thức. So với lần điều tra năm 2015 thì con số này chỉ đạt 37%, như vậy là đang có sự thay đổi tích cực”, ông Tuấn nói.
Trong đó, theo khảo sát, DN thừa nhận phải chi trả chi phí không chính thức cho thủ tục thông quan khi kiểm tra hồ sơ, kiểm tra hàng hóa, quản lý thuế, nộp thuế, quyết toán thuế, hoàn thuế,…
Ông Tuấn nói: “Những hình ảnh kẹp tiền vào hồ sơ để “bôi trơn” đã tạo hình ảnh không hay cho ngành, tình trạng này vẫn còn đang diễn ra và cần có biện pháp khắc phục triệt để”.
Về phía hải quan, ông Đậu Anh Tuấn cũng cho biết, cơ quan Hải quan cần nỗ lực nhiều hơn trong một số lĩnh vực như hoàn thuế và không thu thuế, kiểm tra sau thông quan vì khi đánh giá việc thực hiện các thủ tục này, tỷ lệ DN cho đây là khâu khó khăn vẫn còn rất lớn. Một số khó khăn cụ thể của các DN thường gặp bao gồm quy định hay thay đổi. DN phải in, nộp giấy tờ thuộc hồ sơ hải quan, sự hướng dẫn chưa đầy đủ hay sự phối hợp chưa đồng bộ giữa các cơ quan hải quan và các cơ quan nhà nước khác. Vẫn còn một bộ phận DN phản ánh họ được yêu cầu nộp thêm giấy tờ ngoài quy định.