Dân Việt

Nuôi đàn trâu béo đẹp, thu nhập tăng, dân khấm khá

Hà Hoàng 14/01/2019 13:20 GMT+7
Từ hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thu nhập chủ yếu chỉ dựa vào mấy sào ruộng, chị Đặng Thị Nhâm, 48 tuổi ở bản Tiên Bình (thị trấn Tam Đường, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) đã mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi trâu và trồng trọt. Nhờ vậy mà kinh tế gia đình chị ngày càng phát triển, cuộc sống ngày càng khá giả hơn.

Xuất thân trong một gia đình thuần nông, khi lập gia đình thì ra ở riêng, hai vợ chồng chị Nhâm được bố mẹ đẻ cho ít ruộng để mưu sinh và lập nghiệp. Những năm đầu bắt tay vào làm ăn để phát triển kinh tế, do thiếu kinh nghiệm trong sản xuất nên đàn gia súc, gia cầm luôn bị dịch bệnh, năng xuất các loại cây trồng thấp nên cái nghèo luôn đeo bám gia đình chị mãi.

Không cam chịu khó khăn, quyết tâm vươn lên thoát nghèo, năm 2001, chị đã vay vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện với số tiền 15 triệu đồng để đầu tư vào chăn nuôi lợn, mua thêm đất để cấy lúa và trồng ngô. Để có kinh nghiệm trong sản xuất, chị Nhâm tích cực tham gia lớp tập huấn do Hội nông dân các cấp tổ chức và tham quan mô hình sản xuất, chăn nuôi của các hộ trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

img

 Nhờ áp dụng nhiều mô hình vào phát triển kinh tế, gia đìng chị Nhâm đã từng bước thoát nghèo.

Sau những chuyến đi đó, chị áp dụng những kinh nghiệm mà bản thân đã tích lũy được vào chăn nuôi, trồng trọt, vừa làm chị vừa học hỏi thêm kinh nghiệm qua sách, báo, ti vi. Nhờ đó mà năng xuất lúa, ngô của gia đình chị Nhâm đã dần tăng lên cả số lượng và chất lượng, việc làm kinh tế suôn sẻ hơn đã giúp gia đình chị vượt qua khó khăn ban đầu và trả hết nợ nần, dần thay đổi cuộc sống.

Để mở rộng sản xuất nâng cao nguồn thu nhập, năm 2015 chị đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Đường (Lai Châu) cùng với nguồn vốn tích lũy của gia đình để đầu tư thêm chuồng trại chăn nuôi, trồng chè, mua máy say xát, mua máy xao chè.

Chị Nhâm cho biết: Hiện mỗi năm gia đình tôi bán ra thị trường từ 5 – 6 tấn lợn thịt và hàng chục con lợn giống. Ngoài ra, tôi còn nuôi thêm 9 con trâu và nuôi hơn 200 trăm con gà ta. Để tạo nguồn thu nhập hơn nữa, tôi trồng thêm chè trên nương rẫy, mỗi năm gia đình thu hái hơn 18 tấn chè búp tươi và gieo trồng gần 1 ha lúa, ngô. Với mô hình kinh tế tổng hợp, sau khi trừ chi phí mỗi năm gia đình tôi thu được trên 130 triệu đồng.

img

Chị Nhâm thường thả đàn trâu lên các ngọn đồi sau nhà, để cải thiện chất lượng thức ăn cho gia súc.

Không chỉ giỏi trong phát triển kinh tế gia đình, bản thân chị Nhâm cùng gia đình luôn tích cực tham gia các hoạt động xã hội và các phong trào thi đua do các cấp phát động, chăm lo xây dựng gia đình hạnh phúc, động viên giáo dục con cháu chăm học, chăm làm, không tham gia vào các tệ nạn xã hội. Chính vì vậy, nhiều năm liền gia đình chị Nhâm đều đạt danh hiệu Gia đình Văn hóa.

Ông Nguyễn Đình Hải, Bí thư chi bộ bản Tiên Bình, thị trấn Tam Đường, cho hay: Chị Nhâm là một nông dân luôn nỗ lực vượt khó khăn trong phát triển kinh tế bằng chính sự siêng năng, cần cù trong lao động. Gia đình chị luôn được rất nhiều người trong bản quý mến. Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con học hỏi theo mô kinh tế tổng hợp của chị Nhâm, để phát triển kinh tế xóa nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng tại địa phương.