Dân Việt

Luật sư đề nghị Bộ Tư pháp kiểm tra quy định ghi hình khi tiếp dân

Thanh Xuân - Đình Việt 08/01/2019 16:04 GMT+7
Các luật sư đã nêu quan điểm pháp lý về việc không được quay phim, chụp ảnh, ghi âm cán bộ tiếp công dân khi chưa được sự đồng ý.

Luật Tiếp công dân không cấm

Mới đây, UBND TP.Hà Nội ban hành Quyết định số 12/QĐ-UBND - Nội quy về việc tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân, đáng chú ý trong đó là nội dung cấm công dân quay phim, chụp ảnh cán bộ tiếp công dân khi chưa được sự đồng ý. Ngay lập tức sự việc đã tạo ra nhiều ý kiến trái chiều.

img

Quy định mới của TP. Hà Nội đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh KTĐT.

Trao đổi với PV Dân Việt về vấn đề này, luật sư Nguyễn Thế Truyền – Công ty Luật Thiên Thanh (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, đầu tiên, phải khẳng định, các cơ quan ban ngành từ trung ương tới địa phương hiện nay đang xây dựng rất nhiều nội quy.

Việc xây dựng nội quy là rất tốt để quy định các hoạt động của một cơ quan, tổ chức nhưng các đơn vị hành chính nhà nước khi xây dựng nội quy, quy chế cũng cần phải căn cứ vào các quy định cao hơn của Nhà nước đã ban hành bao gồm Hiến pháp, luật, nghị định, thông tư…

Đối với việc ghi âm, ghi hình tại trụ sở tiếp công dân của TP. Hà Nội hiện chưa rõ là căn cứ vào các văn bản pháp luật nào. Nếu chiếu theo Hiến pháp và Luật Tiếp công dân thì hoàn toàn đã không đúng. "Cán bộ công chức nhà nước được hiểu là “đầy tớ” của dân, phục vụ nhân dân nhưng khi cán bộ tiếp công dân thì vì sao công dân lại phải xin “đầy tớ” quyền ghi âm, ghi hình?" - luật sư Truyền đặt câu hỏi.

Luật sư Truyền cũng cho biết, phải phân định rõ cán bộ tiếp công dân tại trụ sở tiếp dân lúc này đang là đại diện của cơ quan nhà nước, thực thi và thi hành quyền lực nhà nước khác hoàn toàn với vai trò, vị trí của công dân.

Việc công chức chịu sự giám sát của công dân trong khi thi hành nhiệm vụ và quyền hình ảnh cá nhân là 2 vai trò hoàn toàn khác nhau, không có bất kỳ sự mâu thuẫn nào ở đây. Việc trước khi ghi âm ghi hình phải xin phép chỉ đặt ra với vai trò là công dân được pháp luật bảo hộ quyền hình ảnh riêng tư, khác hoàn toàn với việc công chức nhà nước đang thừa hành nhiệm vụ của chính con người/cá nhân đó.

 “Ở thời đại công nghệ 4.0, người dân có điện thoại smartphone để ghi âm, ghi hình khi tiếp xúc với cán bộ tiếp dân là chuyện bình thường. Nếu họ muốn ghi âm, ghi hình đề giám sát mà phải xin phép và được sự đồng ý của cán bộ tiếp dân thì khi đó ghi âm, ghi hình buổi tiếp xúc sẽ là buổi “diễn” chứ không còn là giám sát. Việc ghi âm, ghi hình là nhằm mục đích giám sát tình trạng hạnh sách, nhũng nhiễu, cửa quyền của các bộ công quyền nhưng nếu thấy bị hạch sách mà người dân còn phải xin phép xong mới ghi âm, ghi hình thì còn cần gì phải ghi âm, ghi hình nữa”, luật sư Truyền nói.

Luật sư Truyền cũng cho rằng, có thể một số cơ quan đơn vị sợ bị phát tán các hình ảnh, ghi âm, ghi hình nhưng việc người dân ghi âm, ghi hình giám sát là một chuyện còn phát tán, đưa lên mạng xã hội hay sử dụng ghi âm, ghi hình ấy lại là chuyện khác.

Kiến nghị Bộ Tư pháp vào cuộc kiểm tra

Cũng phân tích về vấn đề này, luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, Điều 8 Hiến pháp năm 2013 ghi nhận như sau: Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền.

img

Trụ sở tiếp công dân TP.Hà Nội.

Như vậy, cán bộ tiếp công dân là người phục vụ nhân dân trong việc phản ánh, kiến nghị, tố cáo khiếu nại, những người này  phải chịu sự giám sát của nhân dân. Để giám sát không có gì hiệu quả hơn việc ghi âm, ghi hình hoạt động của người cán bộ công chức ấy.

Hành động tốt, xấu của người cán bộ sẽ được ghi nhận, phản ánh đến cơ quan cấp trên. Việc quy định hạn chế quyền của công dân trong lĩnh vực cụ thể phải được ghi nhận bằng văn bản Quy phạm pháp luật theo từng lĩnh vực cụ thể.

Trong lĩnh vực tiếp công dân, Luật tiếp Công dân năm 2013 quy định tại điều 6 về “những hành vi bị nghiêm cấm” cũng không có nội dung cấm hành động quay phim, chụp ảnh của người dân đối với nơi thực hiện tiếp công dân.

Do vậy, quy định không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân có dấu hiệu không phù hợp quy định tại Luật tiếp công dân, hạn chế quyền giám sát Hiến định của nhân dân với hoạt động của cơ quan nhà nước, cán bộ công chức.

Ngoài ra, cũng theo luật sư Lực, Điều 5 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định, nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật là bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật.

Như vậy, việc cơ quan cấp dưới đặt thêm điều kiện, đưa ra những hạn chế quyền của công dân thực sự không phù hợp với Nhà nước pháp quyền.

“Cách hiểu hiện nay cho rằng không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân tức là không cấm mà chỉ cần sự đồng ý của người tiếp công dân thì thoải mái quay phim, chụp ảnh. Theo tôi đây là hạn chế, đặt thêm quy định,thủ tục, điều kiện ảnh hưởng đến thực hiện quyền giám sát của công dân”, vị luật sư nêu quan điểm.

Luật sư Lực cũng kiến nghị Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Bộ Tư pháp thực hiện quyền, nhiệm vụ của mình và có ý kiến chính thức về quy định trên của Hà Nội.