Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã công khai xin lỗi về vụ xe biển xanh đón người nhà ( ảnh IT).
Chiều ngày 8.1, sau những thông tin lùm xùm trên mạng xã hội mấy ngày qua về sự việc dùng xe biển xanh đi đón người nhà (vợ Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh) tại khu vực hạn chế của sân bay quốc tế Nội Bài, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã chính thức có thư xin lỗi gửi tới toàn thể Nhân dân, tới các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các đồng nghiệp trong ngành Công Thương.
Nhìn nhận về nội dung lá thư xin lỗi của Bộ trưởng, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng: Trong thư, Bộ trưởng cho biết sẽ kiểm tra toàn bộ vụ việc, nhưng thực tế phải rõ việc đó.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (ảnh IT).
“Trong vụ việc này có hai vấn đề sai quy định của pháp luật. Thứ nhất, dùng tài sản công phục vụ việc gia đình, thứ hai dùng bộ máy phục vụ nhà nước để phục vụ việc gia đình, đây chưa rõ là lỗi do chủ quan hay do vô ý nhưng đều thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Công Thương”, đại biểu Vân nói.
Vẫn theo đại biểu Lê Thanh Vân, khi xảy ra sự việc Bộ trưởng xin lỗi là một chuyện, không phải như vậy là xong. "Không thể lấy quy phạm đạo đức để xử lý hành vi vi phạm pháp luật. Nếu chấp nhận lời xin lỗi này sẽ tạo ra tiền lệ xấu cho sự nêu gương, bởi nó đi ngược với quy định 08 về Trách nhiệm nêu gương, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương vừa được ban hành...", đại biểu Vân bày tỏ.
Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó Ban Tổ chức Trung ương (ảnh IT).
Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Ban Tổ chức Trung ương đặt vấn đề: Nếu như không có tác động từ Bộ trưởng liệu cán bộ, nhân viên Văn phòng Bộ Công Thương có tổ chức đưa xe công vào tận chân cầu thang máy bay để đón người nhà không? Để xảy ra sự việc này vừa vi phạm quy định của Đảng, vừa vi phạm quy định của Nhà nước. “Nếu chỉ xin lỗi không thì chưa đủ”, ông Hương nói.
Một trong 8 điều Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải gương mẫu đi đầu thực hiện là: Nghiêm túc thực hành tự phê bình và phê bình; thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh; không tranh công đổ lỗi. Dũng cảm nhận khuyết điểm và trách nhiệm. Chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ. Hai trong những điều Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống: - Lãng phí công quỹ, tài sản, phương tiện, nhân lực và thời gian làm việc. Tổ chức đoàn đi công tác ở trong và ngoài nước không đúng thành phần, thời gian và nội dung yêu cầu công việc. Sống, sinh hoạt, tiêu dùng, giải trí xa hoa, lãng phí. - Để vợ (chồng), bố, mẹ, con, anh chị em ruột lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình để vụ lợi. Để vợ (chồng), con đẻ, con nuôi sống xa hoa, phô trương, lãng phí hoặc sa vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật. |