Dân Việt

Nhà nông đón khách Tây, khách ta tới nhà, kiếm bộn tiền

Thu Hà 09/01/2019 19:00 GMT+7
Những năm qua, các cấp Hội ND TP.Cần Thơ đã có nhiều biện pháp hỗ trợ hội viên, nông dân để xâu chuỗi mối quan hệ mật thiết giữa du lịch với sản xuất nông nghiệp, tạo ra những giá trị riêng cho điểm đến Cần Thơ.

Nông dân đón bắt cơ hội

Tuy mới hình thành từ tháng 5.2015 nhưng đến nay, mô hình du lịch cộng đồng Cồn Sơn thuộc khu vực 1, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy) đã phát triển mạnh mẽ và trở thành mô hình du lịch nổi bật của TP.Cần Thơ. Hiện mỗi ngày người dân nơi đây đón trung bình 250 khách du lịch, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho các hộ dân và cộng đồng dân cư ở Cồn Sơn.

img

Tham quan vườn và thưởng thức bánh trái - một trong những sản phẩm du lịch độc đáo của các nhà vườn ở Cần Thơ. Ảnh: Thanh Liêm

"Để nông dân mạnh dạn đầu tư vào sản xuất và làm dịch vụ, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách nâng nguồn vốn hỗ trợ tín chấp tối đa có thể lên đến 500 triệu đồng tùy diện tích và từng loại hình. Về phía T.Ư Hội NDVN tiếp tục có nhiều chương trình, dự án hơn để đưa nông dân tham quan, học tập mô hình du lịch canh nông ở số nước bạn”.

Ông Lê Bá Phước –
Chủ tịch Hội ND TP.Cần Thơ

Là hộ dân đang liên kết làm du lịch cộng đồng tại Cồn Sơn, bà Trần Thị Huỳnh Mai phấn khởi cho biết: “Gia đình có 8 công nhãn ido. Trước đây tiền bán nhãn chỉ đủ trang trải cuộc sống. Nhưng từ khi tham gia làm du lịch cộng đồng, gia đình đã có của ăn của để. Khách du lịch rất thích những mô hình vườn cây ăn trái với nhiều loại trái cây đặc sản, tự tay hái và thưởng thức những loại trái cây mình yêu thích…”.

Những năm qua, Hội ND TP.Cần Thơ đã chủ động phối hợp Quận ủy Bình Thủy và ngành chức năng hỗ trợ các hộ dân phát triển mô hình vườn cây, ao cá gắn với dịch vụ du lịch. Theo đó, năm 2015, Hội đã phối hợp vận động người dân xây dựng tuyến đường bê tông ngang 0,5m, dài gần 2km quanh Cồn để phục vụ nhu cầu đi bộ của khách du lịch.

Hội ND cũng đã phối hợp tổ chức đến từng hộ gia đình khảo sát nhu cầu phát triển và khả năng xây dựng mô hình. Qua đó, đã chọn ra được 9 nhà vườn có khả năng khai thác và phát triển dịch vụ du lịch. Hội ND phối hợp, tổ chức tư vấn, thiết kế, tập huấn kỹ thuật từng nhà vườn vừa chăm sóc phát triển vườn cây ăn trái tươi tốt, sản phẩm an toàn, chất lượng. Không dừng lại ở đó, nhận thấy nhu cầu ẩm thực của du khách ngày càng tăng, Hội phối hợp tổ chức thêm dịch vụ mỗi nhà một sản phẩm. Trong 9 hộ dân, mỗi nhà đảm nhiệm làm một loại bánh dân gian để cung cấp cho khách tham quan.

Nhiều hỗ trợ nông dân làm du lịch canh nông

Ông Lê Bá Phước - Chủ tịch Hội ND TP.Cần Thơ cho biết: Hội ND TP.Cần Thơ hiện có trên 88.000 hội viên nông dân, chiếm khoảng 95% hộ sản xuất nông nghiệp. Thời gian qua, thực hiện sự chỉ đạo của T.Ư Hội NDVN, nghị quyết của Thành ủy, kế hoạch UBND TP.Cần Thơ, các cấp Hội ND đã hỗ trợ nông dân xây dựng mô hình sản xuất, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng mô hình du lịch canh nông. Điển hình như mô hình du lịch cộng đồng, mô hình sản xuất nông hộ kết hợp du lịch, mô hình vận động nông dân tham gia duy trì mua bán trên các chợ nổi truyền thống, mô hình trồng hoa kiểng kết hợp du lịch…

Cũng theo ông Phước, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 75 hộ phát triển du lịch sinh thái vườn, tập trung tại huyện Phong Điền, Cái Răng, Bình Thủy và quận Ô môn. Vườn cây chủ yếu là chôm chôm, thanh long, cây có múi, dâu hạ châu, mít, xoài, vú sữa…  đồng thời có những ao cá đặc sản như cá lóc bông, cá dứa. Hộ dân còn kết hợp nuôi một số con gia cầm như gà lôi, công, gà đông tảo... 

Để xây dựng và nhân rộng mô hình này, Hội ND đã phối hợp khảo sát địa điểm, tư vấn, hỗ trợ nông dân cải tạo vườn, trồng mới những cây đặc sản. Để hội viên, nông dân có vốn làm ăn, Hội nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư cho 50 hộ vay vốn ưu đãi, mỗi hộ từ 50 - 100 triệu đồng.

Bên cạnh đó, nhằm hướng tới đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, Hội phối hợp thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã, hướng dẫn quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP cho nông dân. Hướng dẫn nông dân đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa như dâu Hạ châu Phong Điền, vú sữa Giai Xuân, sầu riêng Tân Thới…  vừa góp phần phục vụ khách tham quan du lịch, vừa có thể giới thiệu quảng bá nông sản vào thị trường khó tính.

Tuy nhiên theo ông Phước, khi hỗ trợ xây dựng mô hình du lịch canh nông các cấp Hội ND TP.Cần Thơ cũng gặp không ít khó khăn: Công tác phối hợp thực hiện rà soát quy hoạch, phối hợp ngành chuyên môn khảo sát, tư vấn, định hướng mô hình còn chậm; hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ; nhiều điểm vườn mô hình tương tự nhau tạo nên sự trùng lập; việc quản lý, điều phối mô hình quy mô cộng đồng chưa thật sự hiệu quả; nguồn vốn hỗ trợ xây dựng mô hình còn quá ít so với nhu cầu thực tế.