Theo ông Trần Xuân Định - Phó Cục trưởng Trồng trọt (Bộ NNPTNT), 2018 là năm bội thu về mùa và giá gạo. Xuất khẩu gạo năm 2018 ước đạt 3,03 tỉ USD, tăng 16,1% về giá trị so với năm 2017.
Việt Nam đang chú trọng nâng cao chất lượng gạo, giảm dần số lượng để đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu cao hơn. Ảnh: I.T
Giá gạo xuất khẩu năm 2018 cũng tăng mạnh, từ 452 USD/tấn (năm 2017) lên 502 USD/tấn trong năm 2018, trong đó tỉ trọng gạo chất lượng cao chiếm tới 80%.
Đặc biệt, giống gạo thơm dẻo Japonica đang được thị trường thế giới ưa chuộng. Đây là giống gạo xuất xứ từ Nhật, thích hợp với điều kiện khí hậu ở Việt Nam nên cho thu hoạch tốt, được người dân trồng ở vụ Đông Xuân có điều kiện khí hậu thích hợp.
Với kết quả tích cực của năm 2018, ngành Công Thương các tỉnh ĐBSCL đang kỳ vọng xuất gạo năm 2019 sẽ đạt kết quả cao hơn. Hiện tại, tỉnh Long An dự kiến sẽ đạt kim ngạch 5,9 tỉ USD (tăng khoảng 15,7% so với 2018), TP.Cần Thơ đặt mục tiêu khoảng 2,2 tỉ USD (tăng gần 6,3% so với 2018), tỉnh An Giang cũng dự kiến sẽ đạt trên 900 triệu USD trong 2019.
Bắt đầu năm 2019, đơn hàng từ các doanh nghiệp khu vực ĐBSCL đã tăng, tập trung vào các sản phẩm gạo chất lượng cao. Để giữ vững thị trường, theo ông Trần Xuân Định, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần đầu tư công nghệ, đẩy mạnh chất lượng chế biến, chú trọng các khâu từ tách màu, đánh bóng…. để tăng giá trị gạo xuất khẩu, đặc biệt là gạo Japonica sẽ tăng giá trị tốt hơn.
Xác định được mục tiêu nâng cao giá trị gạo, năm 2019, ngành lúa gạo tiếp tục tập trung đi theo hướng sản xuất bền vững, tăng sản xuất các giống lúa chất lượng để nâng cao chất lượng, giá trị tại thị trường trong nước và xuất khẩu, trong đó lưu ý về vấn đề an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.
Theo Bộ NNPTNT, ngành lúa gạo phải đầu tư các cánh đồng mẫu lớn để tránh gạo bị pha tạp, chế biến và xuất khẩu theo chuỗi, giữ ổn định các thị trường đã có và mở rộng thêm thị trường chính ngạch, bởi chỉ xuất khẩu chính ngạch mới bền vững và mang về giá trị lớn cho nông sản Việt.