Dân Việt

Những ẩn hoạ từ loại cây tiền tỷ - Bài 2

10/01/2012 15:09 GMT+7
(Dân Việt) - Dù sở hữu hàng ha cây thảo quả bạc tỷ, nhưng do năng lực quản lý yếu kém, không biết sử dụng đồng tiền nên người dân ở Bát Xát (Lào Cai) nghèo vẫn hoàn nghèo.

Ước tính sơ bộ thì 1ha thảo quả cho khoảng 200kg thảo quả khô, giá loại nông sản này lúc cao điểm lên tới 200.000 đồng/kg mà lại không mất đồng vốn đầu tư nào. Như vậy một gia đình nông dân neo người ở vùng cao chỉ cần trồng 5 ha thảo quả là đã có thu nhập lên đến 200 triệu đồng cho một vụ thu hoạch. Với cách tính đơn giản như vậy thì thật bất ngờ khi tại 3 xã vùng cao Bát Xát vẫn có đến hơn 80% hộ nghèo theo chuẩn mới.

img
Rừng mất vì dân sấy thảo quả.

Nghèo lại hoàn nghèo

Đây là kết luận mà trung tá Ninh Xuân Trường - Chính trị viên Đồn Biên phòng 273 - cho biết về tình hình kinh tế - xã hội của 3 xã Y Tý, Ngải Thầu và A Lù của huyện Bát Xát. Trước khi đặt chân đến vùng cao cực bắc này, tôi đã được bà Nguyễn Thị Dung - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lào Cai - cho biết về một số gương nông dân xóa đói giảm nghèo, làm giàu từ thảo quả.

Theo giới thiệu của bà Dung, chúng tôi đã tìm gặp ông Lý Kin Siểu ở xã Dền Sáng, huyện Bát Xát. Từ một người nông dân dân tộc Dao chỉ biết quanh quẩn kiếm tiền bằng việc nuôi con gà, con lợn, ông Siểu đã vận động vợ con cùng trồng thảo quả và thành công nhờ áp dụng đúng kỹ thuật mà các cán bộ khuyến nông hướng dẫn. Từ thảm cảnh phải chạy ăn từng bữa, giờ đây gia đình ông Siểu đã đều đặn thu về cả nửa tỷ đồng mỗi vụ thu hoạch thảo quả.

Ngoài ông Lý Kin Siểu, chúng tôi còn gặp ông Lý Phù Siệu ở xã Tả Phìn, huyện Sa Pa. Ông Siệu cũng là một người đã thoát được khỏi đói nghèo nhờ trồng thảo quả đúng phương pháp. Không chỉ làm giàu cho mình, ông Siệu còn giúp người dân trong xã lập thành từng nhóm trồng thảo quả để phổ biến kiến thức và chuyển giao phương pháp trồng, chăm, hái, sấy.

Tuy nhiên lên những vùng xa xôi của tỉnh Lào Cai thì những nông dân xóa nghèo nhờ thảo quả như ông Siểu, ông Siệu không có nhiều. Anh bạn họa sĩ mà giới cầm cọ quen gọi với nghệ danh Chiến "bùng" ở thị trấn Sa Pa cho hay: "Cứ bán thảo quả xong có tiền là mấy ông bạn người Mông của tớ thi nhau vác tiền đi mua sắm. Xe máy thì mua liền mấy chiếc nhưng về buộc dây treo lên xà nhà. Chỉ khi nào đã say rượu thì mới phấn khởi hạ xuống chạy vòng vòng quanh bản, quanh xã. Còn điện thoại thì đổi liên tục. Cồm cộm cục tiền trong túi, ra cửa hàng điện thoại, cứ cái nào đắt nhất, đẹp nhất là mua.

Thế nhưng chỉ vài hôm sau, thiếu tiền uống rượu ở chợ là các "đại gia chân đất" sẵn sàng bán lại với giá bèo để có tiền uống rượu tiếp. Chính vì vậy, dù thu nhập từ thảo quả rất cao nhưng rất nhiều gia đình người Mông vẫn sống trong đói nghèo vì sử dụng đồng tiền không hợp lý".

Khó thay đổi nếp sống

Theo chân gã họa sĩ, tôi đến xã San Sả Hồ để thăm một anh bạn người Mông trồng thảo quả. Dù trời lạnh cắt da cắt thịt nhưng đứa bé con gia chủ vẫn lon ton chân đất chạy chơi từ trong nhà ra ngoài sân chen chúc với trâu, bò, gà, lợn. Thấy khách tới nhà, người vợ anh bạn Mông nói tiếng Kinh lơ lớ: "Nó lại say rượu ngủ mất rồi. Sáng nay nó vừa bán cái điện thoại mới mua ở chợ đó. Tao nói nó mấy câu nó tức cái bụng bỏ đi uống rượu. Giờ say vừa bò về đến nhà, đang nằm như chết kia kìa".

Rất nhiều gia đình người Mông nhờ thảo quả thu được hàng trăm triệu đồng nhưng chỉ trong thời gian chờ vụ mùa tới, họ đã ăn tiêu hết cả số tiền rất lớn đó một cách rất hoang phí mà không hề có tích lũy hay sử dụng vào những mục đích cần thiết.

Bà Nguyễn Thị Dung - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lào Cai - cho biết: "Với những vấn đề như bảo vệ rừng và nâng cao chất lượng cho thảo quả thì chúng tôi còn có thể hỗ trợ người dân được. Từ trước đến nay người nông dân vùng cao Lào Cai nói chung đều trồng thảo quả dưới tán rừng già rồi để chúng mọc tự nhiên, không chăm bẵm gì và chờ đến mùa thu hoạch. Thế nhưng giờ đây chính sách của UBND tỉnh là khuyến khích người dân trồng tại các rừng kinh tế thay vì rừng đầu nguồn.

Thảo quả đem lại giá trị kinh tế rất lớn nên mỗi gia đình nông dân trồng thảo quả đều thu về hàng trăm triệu mỗi vụ mùa. Tuy nhiên nhiều nhà đã không sử dụng tốt đồng tiền kiếm được nên cứ hết vụ là hết tiền. Giờ muốn vận động cho họ hiểu và thay đổi nếp sống thì cần phải có thời gian".

Bài cuối: Nỗi buồn thảo quả