Dân Việt

Ưu tiên đào tạo nghề theo đặt hàng

10/01/2012 15:08 GMT+7
(Dân Việt) - Đó là khẳng định của ông Nguyễn Tiến Dũng– Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTBXH) về đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2012.

Năm 2011 là năm thứ 2 thực hiện Đề án 1956 về dạy nghề cho lao động nông thôn. Theo ông, hoạt động này cần tháo gỡ những gì để thực hiện được đúng tôn chỉ dạy nghề gắn với việc làm?

- Năm 2011, đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã đạt được nhiều thành tự­u nhưng một số nơi vẫn còn hiện tượng dạy nghề chưa phù hợp với thị trường và sát với thực tế.

img
Con em nông dân mất đất sẽ được ưu tiên đào tạo nghề. Viết Thành

Vì thế, để khắc phục những tồn tại này, mới đây Bộ LĐTBXH đã phê duyệt Quyết định 826 về nghề trọng điểm và trường được lựa chọn nghề trọng điểm để hỗ trợ đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 – 2015.

Theo đó, sẽ thực hiện từ việc đồng bộ giáo viên, đồng bộ chương trình đào tạo, cơ sở thiết bị, cán bộ quản lý… để làm sao có những địa chỉ đào tạo từng nghề một thật sự tốt. Ngay cả khâu xây dựng chương trình cũng phải tính đến nhu cầu thị trường lao động như thế nào.

Ngoài ra, các ngành cũng xây dựng tiêu chuẩn hàng trăm nghề khác cho các trường dạy theo nhu cầu của thị trường, qua đó, tạo đầu ra tốt nhất cho lao động.

Việc triển khai Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” năm 2012 sẽ tập trung vào những lĩnh vực gì?

- Đây là đề án lớn, thời gian triển khai tới năm 2020 nên bước sang năm tới sẽ tập trung mở rộng hình thức dạy nghề theo hợp đồng đào tạo hoặc đặt hàng giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ nhằm đảm bảo cho người học nghề xong có việc làm.

Ngoài ra, đề án cũng tập trung kinh phí đào tạo nghề cho nông dân ở các xã xây dựng mô hình nông thôn mới theo đề xuất của các địa phương; nhân rộng các mô hình điểm hiệu quả, các tỉnh năm trước có kết quả tốt về tỷ lệ đào tạo gắn với việc làm và có việc làm mới sau học nghề; các địa phương phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ ở khu vực nông thôn để chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động…

Ngày 9.1, tại Hội thảo tổng kết ngành, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, mục tiêu của năm 2012 là tạo việc làm cho 1,6 triệu người và dạy nghề cho 1,9 triệu người.

Còn việc đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nhất là lao động mất đất sản xuất được ưu tiên như thế nào?

- Trong Đề án 1956 đã đưa ra một nhiệm vụ, mục tiêu rất rõ, đối tượng lao động nông thôn mất đất được ưu tiên dạy nghề, tạo việc làm, hưởng chính sách hỗ trợ cao. Con em nông dân mất đất được ưu tiên đào tạo nghề theo chương trình hỗ trợ đặt hàng và ưu tiên giải quyết việc làm.

Mặt khác, các đối tượng này cũng được ưu tiên đào tạo ở trình độ cao như trung cấp nghề, cao đẳng nghề và ưu tiên việc làm ở các doanh nghiệp đóng tại địa phương. Hiện nay, một số nơi làm rất tốt như ở Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Bình… Nhiều lao động có việc làm ổn định, từ nông nghiệp chuyển sang công nhân, cán bộ kỹ thuật và cư trú ở ngay tại gia đình với mức lương cao nên cuộc sống rất ổn định.

Xin cảm ơn ông!