Thịt gà, thịt lợn xuất ngoại
Theo báo cáo mới đây của Cục Chăn nuôi, năm 2018 ngành chăn nuôi đã có sự chuyển biến rõ nét trong tổ chức sản xuất theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp, trang trại theo chuỗi. Xác định rõ thứ tự ưu tiên về loại sản phẩm chính gia súc, gia cầm; cơ bản cân đối cung – cầu thịt lợn; giá các sản phẩm thịt lợn, thịt bò, gia cầm có lợi cho người chăn nuôi.
Nông dân Phú Thọ đang đẩy mạnh chăm sóc đàn lợn để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2019. Ảnh: Đ.T
Đáng chú ý, năm 2018 ghi nhận thành công của ngành khi một số sản phẩm chăn nuôi đã được xuất khẩu, như thịt lợn đông lạnh xuất khẩu chính ngạch sang Myanmar, xuất khẩu lợn sữa, lợn choai sang Hongkong, Singapore, hay xuất khẩu thịt gà sang thị trường Nhật Bản. Cộng với các sản phẩm khác như lợn sữa đông lạnh, trứng vịt muối, mật ong, sữa…, giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt khoảng 500-550 triệu USD. Ngoài ra, xuất khẩu nguyên liệu và sản phẩm thức ăn chăn nuôi cũng đạt 450 triệu USD.
Đáng chú ý, Cục Chăn nuôi đã phối hợp với các đơn vị liên quan, các địa phương thúc đẩy phát triển mô hình chuỗi liên kết trong chăn nuôi, giết mổ, chế biến thực phẩm và kết nối thị trường.
Đặc biệt là trong năm 2018, ngành chăn nuôi đã thu hút nhiều “đại gia” đầu tư mạnh tay vào mảng chế biến. Mới đây nhất là nhà máy chế biến thịt lợn mát của Tập đoàn Masan tại Hà Nam, có công suất 140.000 tấn thịt lợn/năm. Trước đó, nhà máy giết mổ, chế biến thịt lợn tại huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định) do Công ty TNHH Biển Đông và De Heus liên kết đã khánh thành, đi vào hoạt động với công suất 350.000 con lợn thịt mỗi năm, vốn đầu tư hơn 100 tỷ đồng…
Theo đánh giá của ông Nguyễn Xuân Dương – quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, những năm gần đây, ngành đã thực hiện tái cơ cấu lại theo hướng chăn nuôi tập trung, phát triển nhanh loại hình chăn nuôi trang trại, hộ lớn áp dụng công nghệ hiện đại, quy trình quản lý tiên tiến, đang từng bước hình thành các chuỗi liên kết và phát huy tốt vai trò chủ đạo của các doanh nghiệp, HTX...
Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng của ngành thời gian qua luôn thuộc nhóm cao trong khu vực nông nghiệp, bình quân duy trì ở mức 5-6%/năm, góp phần giữ mức tăng trưởng chung cho ngành nông nghiệp, đáp ứng cơ bản nhu cầu thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và bước đầu có xuất khẩu.
Chăn nuôi nông hộ đang chuyển dịch dần sang chăn nuôi trang trại, quy mô công nghiệp. Ảnh: Đ.T
Xốc lại ngành chăn nuôi sau “bão giá”
Đợt khủng hoảng giá lợn hơi năm 2017 đã khiến người chăn nuôi trong nước bị thiệt hại khoảng 10.000 tỷ đồng, tuy nhiên nhiều ý kiến cũng cho rằng, chính cuộc khủng hoảng này đã tạo cơ hội để ngành thúc đẩy tái cơ cấu nhanh hơn.
Tại một số địa phương như Đồng Nai, Hà Nội, Thái Nguyên, Hà Nam..., sau khi phục hồi kể từ đợt khủng hoảng năm 2017, quy mô chăn nuôi lợn đã dịch chuyển sang hướng tập trung công nghiệp. Đơn cử như tại Đồng Nai, hiện có khoảng 94% đàn lợn được nuôi tại trang trại; tại Thái Nguyên, số trang trại chăn nuôi đã đạt 789, tăng gần 10% so năm 2017.
Ông Nguyễn Xuân Dương cũng cho biết, trong năm 2019, ngành sẽ tiếp tục tập trung phát triển đàn lợn, các doanh nghiệp triển khai các giải pháp nhằm hạn chế tăng giá thức ăn chăn nuôi. Theo dõi sát về giá cả và nguồn cung thị trường của các sản phẩm chăn nuôi, nhất là mặt hàng thịt lợn và thông tin trên các phương tiện thông tin truyền thông để cơ quan quản lý, người chăn nuôi, người tiêu dùng nắm bắt kịp thời. Tăng cường quản lý giá thức ăn, giảm giá thành sản xuất thịt lợn xuống dưới 35.000 đồng/kg.
Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, để củng cố ngành chăn nuôi nói chung, đặc biệt là chăn nuôi lợn, không còn cách nào khác là phải tập trung cải thiện đối với 2 khâu yếu nhất là chế biến và phân phối lưu thông. Trong bối cảnh thị trường quốc tế ngày càng cạnh tranh khốc liệt, thịt lợn sẽ trở thành mặt hàng màu mỡ. Do đó, định hướng chung là sẽ phải khuyến khích những doanh nghiệp có tiềm lực lớn, tập trung vào chuỗi giá trị trong chăn nuôi lợn một cách khép kín từ con giống, sản xuất thức ăn, tới tổ chức chăn nuôi, giết mổ hiện đại để đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng theo phương thức hiện đại, an toàn
“Các doanh nghiệp này không chỉ đủ sức cạnh tranh để chiến thắng ở thị trường nội địa, mà còn đặt mục tiêu làm sao trong thời gian ngắn nhất, có thể xuất khẩu được thịt lợn” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Từ năm 2005 đến nay, tổng sản lượng thịt hơi các loại tăng trên 3 lần (từ 1,6 triệu tấn lên 5,36 triệu tấn), trứng tăng 3,9 lần (từ 3,0 tỷ quả lên 11,8 tỷ quả), sữa tươi tăng 18,6 lần (từ 51,5 ngàn tấn lên 960 ngàn tấn), thức ăn chăn nuôi công nghiệp tăng gần 4,8 lần (từ 4,3 triệu tấn lên 21,5 triệu tấn). Giá trị sản xuất chăn nuôi tăng 3,98%, cao hơn mục tiêu đề ra (2,1%). |