Dân Việt

620.000ha lúa đông xuân gặp khó về nguồn nước

10/01/2012 07:50 GMT+7
(Dân Việt) - Việc kéo dài thời gian gieo sạ khiến gần 620.000ha, chiếm 40% diện tích ở một số tỉnh ĐBSCL… gặp khó khăn về nguồn nước tưới do xâm nhập mặn đến sớm.

Tại Hội nghị giao ban sản xuất lúa đông xuân 2011 – 2012 các tỉnh Nam Bộ hôm qua, 9.1, Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết, đến thời điểm này toàn vùng ĐBSCL đã xuống giống được 1.485.411ha, đạt 95,34% kế hoạch sản xuất vụ đông xuân. Các trà lúa đang phát triển tốt, ít sâu bệnh dù gặp thời tiết se lạnh.

Mặc dù vậy việc gieo sạ bắt đầu từ tháng 10 và tập trung vào tháng 12 khiến các vụ lúa tiếp theo trong năm sẽ gặp khó khăn. Theo Cục Trồng trọt diện tích gieo trồng trong tháng 12 vụ đông xuân sẽ được gieo trồng lại trong tháng 5 và thu hoạch vào tháng 8. Đây là thời điểm mưa nhiều, gặp nhiều rủi ro khi thu hoạch, chất lượng lúa gạo kém, sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu.

Việc kéo dài thời gian gieo sạ cũng khiến gần 620.000ha, chiếm 40% diện tích ở các tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang và Bến Tre… gặp khó khăn về nguồn nước tưới do xâm nhập mặn đến sớm. Đặc biệt có 100.000ha ở các tỉnh nói trên sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề do nằm gần các cửa biển, nguy cơ xâm nhập mặn cao nhất.

Tiến độ gieo sạ giữa các địa phương cũng không đồng đều, có sự chênh lệch lớn. Tại Long An chỉ mới hoàn thành 77% kế hoạch trong khi tại Kiên Giang, An Giang… đã hoàn thành. Bên cạnh đó do tranh thủ xuống giống lúa khi nước lũ rút nên nhiều địa phương không thực hiện việc xuống giống tập trung né rầy theo khuyến cáo. Điều này có thể dẫn đến sự gây hại của rầy nâu và các loại dịch hại khác rất lớn trong vụ đông xuân và các vụ lúa tiếp theo. Số liệu thống kê của Cục Bảo vệ thực vật toàn vùng cho thấy, đã có 41.881ha nhiễm rầy, 48,5ha nhiễm vàng lùn, lùn xoắn lá.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới (nghỉ 9 ngày) Cục Trồng trọt kiến nghị Sở NNPTNT các tỉnh bố trí trực ban theo dõi tình hình và phải báo cáo hàng ngày. “Đây là thời điểm các trà lúa trên đồng đang ở giai đoạn đẻ nhánh tối đa và làm đòng (khoảng 700ha) nên rất mẫn cảm với dịch hại, điều kiện thời tiết, cần phải theo dõi sát sao” - ông Nguyễn Văn Dư -Phó cục trưởng Cục Trồng trọt giải thích.