Dân Việt

ĐT Việt Nam - Iran: Đối thủ kỳ lạ, không được đi giày Nike

Đăng Nguyễn - Tổng hợp 12/01/2019 17:25 GMT+7
Bóng đá được coi là tia sáng hiếm hoi của một đất nước đã chìm trong cấm vận quốc tế suốt gần 4 thập kỷ qua và Iran đang là ứng cử viên hàng đầu cho ngôi vô địch giải vô địch châu Á (Asian Cup).

img

Các cầu thủ Iran đã dễ dàng đè bẹp Yemen với tỉ số 5-0 trong trận đấu đầu tiên ở Asian Cup 2019.

Đội tuyển Iran ngày nay được cho là đang quay trở lại chuỗi thời kỳ hoàng kim trước năm 1979, khi Cách mạng Hồi giáo Iran bùng nổ. Năm 1978, Iran lần đầu tiên lọt vào vòng chung kết World Cup và ba lần vô địch Asian Cup cho đến khi tạm thời biến mất khỏi bản đồ bóng đá thế giới.

Năm 2018 đánh dấu sự quay trở lại mạnh mẽ của bóng đá Iran. Các cầu thủ Iran cao to, chơi bóng nhịp nhàng như châu Âu đã khiến Bồ Đào Nha của ngôi sao Ronaldo vã mồ hôi và chỉ chịu thua sát nút Tây Ban Nha.

Bước sang năm 2019, mục tiêu của Iran là vô địch Asian Cup và Iran chính là đối thủ của đội tuyển Việt Nam trong loạt trận thứ hai của bảng D Asian Cup 2019.

Nền bóng đá lâu đời

Bóng đá đã xuất hiện ở Iran từ đầu thế kỷ 20 nhờ sự du nhập của văn hóa phương Tây. Năm 1907, người ta chứng kiến các công nhân và thủy thủ Anh chơi bóng ở Iran. Cùng năm đó, đại sứ Anh ở Tehran tạo nên giải đấu bóng đá đầu tiên ở quốc gia này với chỉ 3 đội bóng.

Liên đoàn bóng đá Iran hình thành nhưng các cầu thủ ban đầu chỉ toàn là người Anh sống ở Tehran. Karim Zandi, thi đấu từ năm 1908-1916 được coi là cầu thủ đầu tiên của bóng đá Iran. Kể từ đó, người Iran bắt đầu quan tâm đến bóng đá hơn, bên cạnh môn đấu vật truyền thống.

Năm 1920 đánh dấu sự xuất hiện của một đội bóng Iran đầu tiên. Nhiều cầu thủ chơi bóng ở châu Âu cũng theo tiếng gọi quê hương trở về Iran thi đấu. Sau 3 thập kỷ, vào những năm 1950-1960, bóng đá trở thành môn thể thao được yêu thích ở Iran.

Liên tiếp 3 kỳ Asian Cup từ năm 1968, Iran đều đăng quang ngôi vô địch. Đây được coi là giai đoạn vàng của bóng đá Iran vì đến năm 1978, Iran đã lần đầu tiên lọt vào vòng chung kết World Cup.

img

Iran từng cầm hòa Bồ Đào Nha của siêu sao Ronaldo tại World Cup 2018.

Đó cũng là thời điểm cách mạng Hồi giáo bùng nổ ở Iran, thay thế chế độ quân chủ thân phương Tây và trở thành nhà nước Cộng hòa Hồi giáo. Cấm vận kinh tế từ thời Tổng thống Mỹ Jimmy Carter và chiến tranh Iran-Iraq đã khiến bóng đá Iran thụt lùi đi hàng thập kỷ. Các thanh niên Iran khi đó chỉ nghĩ đến chuyện nhập ngũ chứ không còn tâm trí chơi bóng.

Sau ba lần vô địch châu Á trước năm 1979, phải đến năm 2002 tuyển Iran mới giành lại vinh dự này. Một số lãnh đạo Iran coi sân vận động là nơi tụ họp đông người cạnh tranh với giáo đường đạo Hồi.

Phụ nữ trong nhiều năm bị cấm vào sân xem bóng đá và gần đây được vào nhưng phải ngồi ở khu riêng. Trong năm 2018, sự kiện một số cô gái Iran vào khán đài xem bóng đá, trận Iran - Tây Ban Nha, và chụp selfie rồi đăng lên mạng xã hội đã gây chấn động.

Trỗi dậy từ cấm vận

Ngày nay, chính quyền Hồi giáo Iran đã có những sự thay đổi căn bản và có cái nhìn tích cực hơn về bóng đá.

Ngay khi Iran giành quyền vào vòng chung kết World Cup 2018, Tổng thống Iran Hassain Rouhani đã có mặt để vinh danh các cầu thủ. “Tôi đã mong muốn được nhìn thấy các bạn ở đây, các bạn đại diện cho người dân Iran, xin chúc mừng”, ông Rouhani nói.

Bóng đá Iran ngày nay quay trở lại mạnh mẽ là vậy, nhưng các cầu thủ vẫn phải chịu nhiều thiệt thòi vì lệnh trừng phạt của Mỹ. Năm ngoái, công ty giày nổi tiếng Nike của Mỹ đã tuyên bố không tài trợ giày và trang phục thi đấu cho đội tuyển Iran.

“Lệnh trừng phạt của Mỹ có nghĩa rằng công ty Mỹ như Nike không thể cung cấp giày cho các cầu thủ Iran”, tuyên bố của công ty cho biết.

img

Carlos Queiroz đã huấn luyện đội tuyển Iran từ năm 2011.

Quyết định của Nike đã gây ra làn sóng tranh cãi. Nhiều người cho rằng lệnh cấm vận của Mỹ đã ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng thi đấu của các vận động viên Iran, bao gồm cả bóng đá.

Huấn luyện viên đã đem về nhiều thành công cho bóng đá Iran, khi dẫn dắt đội tuyển quốc gia nước này từ năm 2011, Carlos Queiroz, đã chỉ trích mạnh mẽ quyết định của Nike.

“Nhiệm vụ của tôi là đem đến niềm vui, sự giải trí, vui vẻ cho mọi người”, Queiroz nói. “Iran là một quốc gia có bề dày lịch sử hàng ngàn năm và người Iran không đáng bị phân biệt, đối xử như vậy”.

Queiroz ca ngợi hết lời các học trò của mình: “Trong sự nghiệp của tôi, tôi chưa thấy các cầu thủ nào nỗ lực không ngừng nghỉ như ở Iran mà lại nhận về rất ít”.

Ngay ở loạt trận giao hữu trước thềm World Cup 2018, Iran cũng không thể thi đấu như mong muốn vì căng thẳng chính trị. “Chúng tôi rất khó ra nước ngoài đá giao hữu, mua các trang thiết bị mới nhất hay thậm chí là tìm đối thủ để chơi bóng”, Queiroz nói. “Mua áo thi đấu đã là một khó khăn, dù khó khăn như vậy càng khiến tôi yêu bóng đá Iran hơn”.

“Những khó khăn càng giúp mọi người thống nhất với nhau, cùng chiến đấu vì màu cờ sắc áo của quốc gia. Các tuyển thủ Iran đáng được nhận những nụ cười từ khắp thế giới”, Queiroz nói thêm.

ĐT VN - Iran: Nước đối thủ từng thống trị thế giới thế nào

Đế chế Ba Tư của triều đại Achaemenid ở thời đỉnh cao từng kiểm soát một khu vực rộng lớn ở cả châu Âu, châu Á...