Dân Việt

TT-Huế: Dân bắt được 2 con chim lạ "khổng lồ" quý hiếm

Hoài Thương-Quang Huy 13/01/2019 15:20 GMT+7
Sở Tài nguyên & Môi trường (TNMT) tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đơn vị phối hợp với Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Phòng Cảnh sát Môi trường - Công an tỉnh, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cùng chính quyền địa phương và hộ dân tiến hành thả về môi trường tự nhiên tại đầm Cầu Hai 2 cá thể Bồ nông chân hồng.

Trước đó, ngày 6/1/2019, một số hộ ngư dân tại xã Lộc Trì và thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc) bắt giữ và nuôi nhốt 2 cá thể chim lạ kể trên. Sau khi nhận được thông tin, thực hiện chức năng nhiệm vụ về công tác bảo tồn đa dạng sinh học, Sở TNMT phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tuyên truyền vận động người dân bảo vệ và tái thả về tự nhiên các loài động vật hoang dã đang được nuôi nhốt.

img

Các đơn vị liên quan tiến hành thả 2 cá thể bồ nông chân hồng về môi trường tự nhiên tại đầm Cầu Hai

Được biết, đây là loài chim di cư hiếm, thường sinh sống, kiếm ăn tại các sinh cảnh rừng ngập mặn ven biển, không nằm trong danh mục động vật rừng nguy cấp, quý hiếm.

img

Cá thể bồ nông chân hồng được kiểm tra, chăm sóc trước khi thả về môi trường tự nhiên

Qua giám định, đây là 2 trong 60 cá thể bồ nông chân hồng sinh sản đang được Viện Nghiên cứu sinh thái tài nguyên sinh vật Việt Nam và Viện cứu động vật học Quảng Châu (Trung Quốc) tiến hành ký kết hợp tác nghiên cứu, với mục tiêu giám sát quá trình di trú và cảnh báo các hiện tượng thiên tai bất thường xảy ra. Trong đó, một con được gắn chip điện tử dùng pin năng lượng mặt trời.

img

Phát hiện chip điện tử được gắn vào một trong hai cá thể bồ nông chân hồng bị người dân bắt giữ

Hiện tại, trong khu vực đầm phá Tam Giang - Cầu Hai vẫn còn một đàn chim di trú bồ nông chân hồng khoảng từ 9 đến 11 con đang trú chân. Sở TNMT đề nghị UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo các địa phương vùng đầm phá tăng cường tuyên truyền để người dân không đánh bắt mà thực hiện cứu hộ, bảo tồn các loài chim di trú này. Hơn nữa, Việt Nam là quốc gia đang tham gia vào Đối tác đường bay chim di cư tuyến Úc - Đông Nam Á nên việc bảo vệ các loài chim di cư là trách nhiệm, nghĩa vụ của Việt Nam và cần được đẩy mạnh truyền thông để người dân địa phương cùng tham gia bảo tồn.

Sau khi tiến hành tái thả 2 cá thể bồ nông chân hồng về môi trường tự nhiên, các cơ quan chức năng vẫn tiếp tục kiểm tra thực tế tại vùng đầm Cầu Hai để theo dõi và giám sát 2 cá thể này trở về môi trường sống tự nhiên một cách an toàn.