Đại tá Nguyễn Công Huy, nguyên Phó Sư đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Sư đoàn không quân 371, đồng đội với Phạm Tuân trong phi đội bay đêm đánh máy bay Mỹ, kể lại trong cuốn sách “Bay vào vũ trụ”: “Khi về Trung đoàn Không quân 921, tôi "mục sở thị" thấy Phạm Tuân chơi bóng. Đúng là anh có quả đập đầy uy lực”.
Kể chuyện với phi công Nguyễn Công Huy về sở thích bóng chuyền của mình, Phạm Tuân cho biết:
“Tôi bắt đầu tập đánh bóng chuyền từ hồi còn học bay ở sân bay Novochitarov. Về bay MiG-17 ở Kusovskaia, tôi hay tập tay đôi với anh Phùng Văn Em, cứ người đập, người đỡ rồi sau lại chuyển vị trí. Khi sang bay bên Trung đoàn 910, thời gian rảnh rỗi có nhiều và chính thời gian này là lúc mà tôi đánh "lên tay" nhất”.
Đến lúc về Trung đoàn Không quân 923, Phạm Tuân ngay lập tức được nhập vào đội tuyển bóng chuyền của Trung đoàn, sau đó còn vào đội tuyển của Sư đoàn, rồi được đi tập huấn cơ bản và thi đấu giao hữu với các đơn vị khác.
Trung tướng Phạm Tuân kể lại: “Có lần để chi viện cho đội bóng chuyền Trung đoàn Không quân 919 thi đấu ở khu vực Hải Phòng, Tư lệnh Không quân Đào Đình Luyện điều hẳn một máy bay Li-2 với lý do huấn luyện chở một mình tôi xuống Kiến An để phối hợp với 919 thi đấu và đã giành giải Nhất hẳn hoi”.
Không chỉ vậy, tháng 12.1974, nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Phạm Tuân còn được tham gia với đội bóng chuyền Thể Công thi đấu với đội Bát Nhất của quân đội Trung Quốc. “Sau trận này, các đồng chí đội Thể Công muốn tôi tham gia cùng đi tập huấn ở Tiệp Khắc. Khi danh sách đưa lên, thấy tôi là phi công nên cấp trên giữ lại”, ông kể trong sách “Bay vào vũ trụ”.
Về khả năng bật cao của mình, Phạm Tuân mô tả: “Nếu đứng tại chỗ, nhảy bật bằng hai chân thì tôi bật cao khoảng 1,1 -1,2 m và khi ấy đang có sức nên cứ thế mà giáng thôi, nhất là khi ở vị trí dưới vạch 3 m mà nện thì đối phương hầu như không thể chắn được”.
Anh hùng Phạm Tuân.
Đại tá Nguyễn Công Huy khẳng định, Phạm Tuân từng là một tay công lợi hại trong sân bóng chuyền và mọi trận đấu, khi ông nhảy lên đập bóng là tất cả đều reo hò cổ vũ vì biết chắc chắn là thế nào ông cũng ghi điểm cho đội nhà.
Vị cựu Sư đoàn phó Sư đoàn 371 viết trong sách, để thể hiện sức bật, Phạm Tuân thường "biểu diễn" bằng cách đứng tại chỗ nhảy thẳng lên thùng xe tải. Hồi ấy các phi công đi bay hoặc đi trực chiến thường được chở bằng xe tải và Phạm Tuân hay nhảy lên thùng xe theo kiểu đó. Có lần thi nhảy lên thùng xe, lần đầu Phạm Tuân nhảy hụt, tức thì ông cố sức nhảy lần thứ hai. Lần này chẳng may lại cao quá, hai chân đút lên thùng xe, thế là Phạm Tuân ngã ngửa, hông đập xuống đất, bị chấn thương xương mào chậu, đau nhức đến nỗi mỗi lần đi bay, khi kéo quá tải người đè vào ghế đau ê ẩm không chịu nổi.
Mấy tháng trời bị đau nhưng Phạm Tuân giữ kín với cấp trên, vẫn bay, vẫn trực ban. Bởi nếu lộ ra thì lại e rằng bị đánh giá về ý thức kỷ luật, thậm chí là có thể bị đánh giá có "vấn đề tư tưởng" để lấy lý do không đi trực chiến.
Khi thi đấu bóng chuyền cũng có nhiều chuyện hài hước. Trung tướng Phạm Tuân kể lại, có lần ở Liên Xô, học viên chơi với mấy thầy trong đó có ông Trung đoàn phó, bên ông Trung đoàn phó bị thua, ông liền bắt phải đánh thêm, đến trưa rồi mà vẫn không cho nghỉ. Các học viên phi công bàn nhau tìm cách để thua thì mới được nghỉ.
Hoặc một lần tổ chức đánh bóng chuyền, một bên là học viên bay trong đó có Phạm Tuân và Hán Văn Quảng, một bên là các thầy giáo và cán bộ khung. Khi trận đấu vào lúc căng thẳng, Hán Văn Quảng nhảy lên đập bóng, phía các thầy nhảy lên chắn. Quảng hô to: "Thì chắn này!" hay là "Mày chắn này!" gì gì đó. Thế là xảy ra rắc rối. Thầy Hòa cho dừng bóng và nói: "Học viên như vậy là hỗn với thầy!". Các học viên phi công phải kiểm điểm mãi ở đại đội.
Thậm chí, vì tài đánh bóng chuyền mà Phạm Tuân gặp khó khăn khi được lệnh chuyển đơn vị. Khi Tư lệnh Đào Đình Luyện yêu cầu điều động Phạm Tuân từ trung đoàn 923 về Trung đoàn 921, Tư lệnh nói:"Các anh chỉ huy Trung đoàn 921 xin cậu về bay MIG-21. Cậu đã thích thì sau đợt đánh bóng về thu xếp lên 921 sớm để cùng bay với số anh em vừa chuyển loại".
Tuy nhiên, Phạm Tuân chờ đợi cả tháng chẳng thấy ai nói gì. Bỗng một hôm, Tư lệnh Luyện xuống Trung đoàn kiểm tra, nhìn thấy Phạm Tuân, ông hỏi ngay: "Cậu vẫn còn ở đây cơ à?". Phạm Tuân trả lời: "Tôi có thấy ai nói gì đâu!". Thì ra, Trung đoàn giữ ông ở lại một phần vì nhiệm vụ bay đêm, phần nữa cũng vì ông là nòng cốt của đội bóng. Trung đoàn phó Đào Công Xưởng là người rất thích môn bóng chuyền nên quyết giữ Phạm Tuân ở lại. Đến lúc này, theo chỉ thị của Tư lệnh, Phạm Tuân mới được điều chuyển sang Trung đoàn 921 ngay.
Năm 2004, khi Phạm Tuân đã đeo quân hàm Trung tướng và giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, ông lên Trung đoàn 921 ở Yên Bái của Nguyễn Công Huy để kiểm tra. Sau khi kiểm tra xong, chiều đến thì tất cả lại ra sân chơi bóng chuyền, tướng Phạm Tuân cũng tham gia đánh. Khi Phạm Tuân nhảy lên đập thì có một cầu thủ của nhảy lên chắn, không hiểu hai người va đập vào nhau kiểu gì mà ông rơi xuống, lăn ra kêu đau. Pha bóng này khiến đầu gối của Phạm Tuân bị chấn thương và sau này, ông đã phải đi mổ để xử lý cái đầu gối ấy. Nói về cú chấn thương này, Phạm Tuân cứ nhắc mãi câu: "Chữ tài liền với chữ tai một vần!".
Trong chiến dịch bảo vệ thủ đô 12 ngày đêm tháng 12.1972, Phạm Tuân đã bắn rơi “siêu pháo đài bay” B52 của không quân Mỹ. Sau chiến công này, năm 1973, ông được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.
Năm 1980, Phạm Tuân được đào tạo trở thành phi công vũ trụ và đã cùng với nhà du hành vũ trụ Xô viết Viktor Vassilyevich Gorbatko bay vào không gian từ sân bay vũ trụ Baikonur trên tàu Soyuz 37 ngày 23.7.1980 và trở về trái đất ngày 31.7.1980.
Ông được phong Anh hùng Lao động Việt Nam năm 1980 và trở thành một trong những người nước ngoài đầu tiên được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô và Huân chương Lenin.
Năm 1989, Phạm Tuân là Phó tư lệnh Chính trị Quân chủng Không quân, rồi được phong hàm Trung tướng, giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng. Ông nghỉ hưu từ cuối năm 2007.