Vụ ớt “đắng”
Ớt là cây trồng chủ lực trong vụ đông xuân tại huyện Quỳnh Phụ, với tổng diện tích gần 1.000ha. Những năm gần đây, công thức 1 vụ lúa xuân - lúa chét (lúa tái sinh) – 1 vụ ớt đã được nhiều nông dân trong huyện áp dụng nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, giá ớt năm nay liên lục giảm khiến người dân đứng ngồi không yên.
Nông dân xã Quỳnh Hải đang chuẩn bị tháo cọc thu cây sớm do giá ớt quá rẻ. Ảnh: H.N
"Ai cũng hy vọng, với sản lượng và chất lượng cao sẽ kiếm lời nhanh, nhưng đáng buồn là từ đầu vụ đến nay, giá ớt tươi chỉ ở mức trung bình 4.000 đồng/kg. So với chi phí bỏ ra thì nhiều hộ trồng ớt bị lỗ nặng”. Ông Nguyễn Văn Sĩu |
Bà Nguyễn Thị Quê ở xã An Cầu (Quỳnh Phụ) chia sẻ: “Vụ ớt năm nay nông dân chúng tôi bị lỗ nặng. Tiền bán ớt không đủ bù phân đạm, tưới tiêu. Mấy ngày đầu vụ, ớt còn được giá 15.000 – 20.000 đồng/kg, giờ giảm mạnh chỉ còn 3.000 – 5.000 đồng/kg. Thương lái lại thu mua cầm chừng nên nhiều ruộng ớt chín đỏ mà nông dân vẫn chưa buồn hái. Nhưng nếu không thu hoạch, cây ớt cũng cỗi dần, phải chặt bỏ thôi”.
Trao đổi với phóng viên báo NTNN, ông Nguyễn Văn Sĩu - Giám đốc HTX Nông nghiệp An Ấp cho biết: “Tổng diện tích gieo trồng vụ đông toàn xã 187ha, trung bình năng suất ước đạt 3,5 - 4 tạ/sào với các giống ớt Thái Lan, GS88… Thời điểm này năm ngoái, nông dân còn hồ hởi ra đồng hái ớt vì giá thu mua rất cao, đạt tới 40.000 – 50.000 đồng/kg, trung bình mỗi sào thu được khoảng 20 triệu đồng. Năm nay hộ nào thu hoạch được nhiều ớt sớm mới đạt hơn 2 triệu đồng/sào”.
Cũng theo lời ông Sĩu: “Chi phí đầu tư trồng ớt ít nhất cũng phải tốn 4 - 5 triệu đồng/sào. Năm nay, bà con nông dân còn phải tốn thêm chi phí mua thuốc bảo vệ thực vật, phủ nylon bảo vệ cây nên chi phí đầu vào cao. Ai cũng hy vọng, với sản lượng và chất lượng cao sẽ kiếm lời nhanh, nhưng đáng buồn là từ đầu vụ đến nay, giá ớt tươi chỉ ở mức trung bình 4.000 đồng/kg. So với chi phí bỏ ra thì nhiều hộ trồng ớt bị lỗ nặng”.
Bỏ doanh nghiệp, chạy theo thương lái
Các thương lái địa phương cho biết, do năm nay thị trường Trung Quốc hạn chế tiêu thụ ớt nên chỉ thu mua cầm chừng, hầu hết sản lượng ớt hiện tại được bán cho các cơ sở làm tương ớt.
Dù đã có hơn 30 năm kinh nghiệm trồng ớt nhưng chưa có vụ nào nông dân Quỳnh Phụ yên tâm về đầu ra cho sản phẩm. Ảnh: H.N
“Huyện Quỳnh Phụ và các HTX trên địa bàn đã đứng ra thực hiện vai trò cầu nối, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với nông dân. Tuy nhiên sự gắn kết này cũng không bền vững khi người dân thường “bẻ kèo”, chạy theo giá thị trường” - ông Nguyễn Đình Triệu, Trưởng phòng NNPTNT huyện Quỳnh Phụ cho biết.
Cũng theo ông Triệu: “Đã có những vụ ớt bà con cam kết cung cấp toàn bộ sản phẩm cho các đơn vị thu mua nhưng trên thực tế, khi giá tăng lên so với giá cam kết, nông dân lại đem bán ra bên ngoài, khi giá ớt giảm, nông dân lại quay về bán cho HTX. Điều này khiến cho các doanh nghiệp thu mua không mặn mà bắt tay làm ăn với bà con”.
Trao đổi với phóng viên, bà Phạm Thị Bên - một hộ trồng ớt cũng cho biết: “Gia đình tôi bán ớt cả cho HTX lẫn thương lái thu mua, dù biết làm vậy là sai với thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng lâu nay nhà nông cứ được giá là bán, nhận luôn tiền tươi thóc thật”.
Thực tế sản xuất hơn 30 năm qua cho thấy, cây ớt tại huyện Quỳnh Phụ cho giá trị kinh tế cao gấp 2 - 3 lần các cây màu vụ đông khác và gấp 4 lần cấy lúa. Tuy nhiên, để có những vụ ớt “ngọt”, không còn điệp khúc “được mùa rớt giá”, bản thân người trồng ớt cần thay đổi tư duy làm ăn nhỏ lẻ, “ăn xổi” mà mạnh dạn bắt tay làm ăn lâu dài với doanh nghiệp, HTX…