Dân Việt

Có "lá bùa" hỗ trợ, tàu cá “67” vẫn làm ăn chật vật

Phong Thuận 15/01/2019 19:05 GMT+7
Nghị định 67 của Chính phủ được coi như "lá bùa" giúp nhiều ngư dân đóng tàu công suất lớn để vươn khơi, bám biển. Tuy nhiên, bên cạnh các tàu cá hoạt động hiệu quả, vẫn còn một số tàu đạt lợi nhuận chưa cao, khiến việc trả nợ ngân hàng của ngư dân gặp nhiều khó khăn.

Khó khăn bủa vây ngư dân

Ông Nguyễn Trường Quang - ngư dân xã Phước Hưng (huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) có 2 tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 được hạ thủy và đưa vào sử dụng cuối năm 2016 với 35 tỷ đồng tiền vay ngân hàng. Năm đầu, trung bình mỗi chuyến đi biển, ông lãi 200-300 triệu đồng. Nhờ vậy, ông đã trả được nợ vay ngân hàng và chi trả cho bạn thuyền.

img

img

Một chiếc tàu vỏ sắt của ông Nguyễn Trường Quang nằm bờ bảo trì.  Ảnh: Phong Thuận

Để hỗ trợ ngư dân vượt qua khó khăn, tiếp tục vươn khơi bám biển, ngành nông nghiệp Bà Rịa – Vũng Tàu đã kiến nghị Bộ NNPTNT, đề xuất Chính phủ cho phép kéo dài thời gian vay vốn đóng mới tàu cá từ 16 năm lên 20 năm. Với một số tàu do ngư trường khai thác, nguồn lợi hải sản bị hạn chế nên các chủ tàu làm ăn thua lỗ, ngành thủy sản đang tiếp tục động viên bà con ngư dân vươn khơi bám biển.

Nhưng đến cuối năm 2017, hầu hết các chuyến đi biển của ông đều lỗ. Thêm vào đó, tàu liên tục gặp sự cố. Nguồn thu không có, việc xử lý, chi trả bồi thường của công ty bảo hiểm lại kéo dài khiến ông Quang lâm vào cảnh khó khăn. Vừa qua, ông Quang đã có đơn thư gửi đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) xin hỗ trợ giãn thời gian trả nợ.

Tương tự, ông Phạm Ngọc Hoàng - ngư dân phường 3 (TP.Vũng Tàu) cũng cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay, tàu của ông liên tục gặp sự cố phải nằm bờ. “Tổng số nợ vay để đóng tàu là 12 tỷ đồng. Trong khi tàu nằm bờ trong thời gian dài, nên tôi cũng rất khó khăn trong việc huy động nguồn tiền trả nợ” - ông Hoàng cho biết.

Nguyên nhân việc tàu cá đóng theo Nghị định 67 hoạt động không hiệu quả được ngành thủy sản tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhận định là do thiết kế tàu cá vỏ thép chưa phù hợp với hoạt động sản xuất của ngư dân. Số lượng tàu của các tỉnh tập trung khai thác tại ngư trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu quá đông khiến sản lượng khai thác hạn hẹp. Thêm vào đó, theo phản ánh của bà con, mặc dù tình hình khai thác gặp nhiều khó khăn, nhưng khi gặp sự cố trên biển, việc chi trả bồi thường thiệt hại của công ty bảo hiểm còn rất chậm, thời gian chi trả kéo dài.

“Phao cứu sinh” từ Nghị định 17

Theo ý kiến của các ngân hàng thương mại, việc cho vay theo Nghị định 67 gặp khó khăn do ngư dân không chứng minh được kinh nghiệm nghề nghiệp, khả năng tài chính và quản lý khi chuyển đổi từ đánh bắt truyền thống sang hiện đại. Chưa kể, ngư dân hay thay đổi thiết kế tàu, công suất máy, dự toán… Thời gian từ khi lập dự toán đến khi thi công thường kéo dài dẫn đến giá nguyên vật liệu thay đổi, gây khó khăn cho ngân hàng kiểm soát chi phí.

Nhằm tháo gỡ những vướng mắc trên, Chính phủ ban hành Nghị định 17 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67 (có hiệu lực thi hành từ ngày 25.3.2018). Theo đó, cho phép thực hiện cơ chế chuyển đổi chủ tàu trong trường hợp chủ tàu không còn khả năng thực hiện. Chủ tàu mới vẫn được hưởng hỗ trợ lãi suất khi nhận bàn giao tàu và khoản nợ vay từ chủ tàu cũ.

Đặc biệt, nghị định này quy định chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư với chủ tàu đóng mới và sở hữu tàu khai thác hải sản xa bờ hoặc tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ. Cụ thể, với tàu cá công suất từ 800CV đến dưới 1.000CV, chủ tàu được xem xét hỗ trợ 35% giá trị tàu đóng mới, nhưng không vượt quá 6,7 tỷ đồng/tàu; tàu công suất 1.000CV trở lên, chủ tàu được xem xét hỗ trợ 35% giá trị, nhưng không quá 8 tỷ đồng/tàu. Nhà nước cũng hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm các tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ; hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên và 50% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu.

Ông Nguyễn Hữu Thành - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho rằng, Nghị định 17 sẽ tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho ngư dân trong quá trình vay vốn đóng mới, sửa chữa tàu; vốn lưu động để sản xuất kinh doanh...