Dân Việt

Nhà vườn Đà Lạt tổ chức "Hội nghị Diên Hồng" tìm kế tiêu thụ hoa

Văn Long 15/01/2019 15:00 GMT+7
Nhiều năm, hoa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán dội chợ khiến người dân không khỏi lo lắng, bất an mỗi mùa hoa tết đến, chính vì vậy Hiệp hội Hoa Đà Lạt đã tổ chức buổi toạ đàm nhằm phân tích, đề ra giải pháp để tháo gỡ tình trạng trên.

Ngày 15.1, ông Phan Thanh Sang – Chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt cho biết, vừa qua, Hiệp hội đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Nguyên nhân tình trạng dội hàng hoa cắt cành của Lâm Đồng dịp Tết Mậu Tuất vừa qua và một số giải pháp cho dịp Tết Kỷ Hợi sắp tới”.

Buổi tọa đàm đã có hơn 40 đơn vị cá nhân tham dự, gồm Hội viên Hiệp hội Hoa Đà Lạt, trong đó có các hộ nông dân sản xuất, người buôn bán trung gian, vựa hoa sỉ chợ đầu mối TP.Hồ Chí Minh, nhà xe vận chuyển, ban quản lý chợ, chủ các cửa hàng kinh doanh phân phối hoa…

Thông qua buổi tọa đàm các đơn vị, cá nhân đã đưa ra đưa ra quan điểm của mình và đề xuất các giải pháp khắc phục tình trạng dư thừa hoa vào những ngày lễ tết.

img

Nhiều hộ dân tỏ ra lo lắng trước tình trạng dội hoa trong dịp tết.

Ông Trần Huy Đường - Giám đốc Công ty TNHH LangBiang cho biết: “Thời gian trước đó, chúng tôi thường sản xuất hoa Lily, tuy nhiên hiện tại đã ngừng trồng. Theo tôi nghĩ, hiện tại người tiêu dùng đã dần thay đổi thói quen, thay vì mua nhiều hoa để trang trí nhà cửa trong dịp tết thì họ thường đưa người nhà đi du lịch. Vì vậy công ty của chúng tôi đã chuyển sang trồng cẩm chướng, vì hoa này có thể bảo quản trong kho lạnh và không cần trông chờ vào thời tiết (canh nở đúng dịp tết).

Ngoài ra có những khái niệm từ người tiêu dùng rất vô lý như hoa không được tuốt lá dưới gốc (như thế mới gọi là hoa mới), không ngâm nước, bảo quản kho lạnh…, dẫn đến người sản xuất khó thực hiện các công tác bảo quản sau thu hoạch”.

img

Ông Trần Huy Đường bên vườn hoa chuẩn bị cho thu hoạch của mình. Ảnh: Văn Long.

Vì vậy, ông Đường cho rằng, người dân không nên tập trung sản xuất để bán dịp lễ, tết nhằm tránh tình trạng cung vượt cầu. Không những thế, người sản xuất phải thay đổi tư duy hướng dần đến sử dụng công nghệ bảo quản hoa sau thu hoạch, không cần phải canh thời tiết hay điều khiển cho hoa nở đúng dịp lễ, tết. Vì việc xử lý sau thu hoạch là cực kỳ quan trọng, chiếm khoảng 70% chất lượng hoa khi bán.

Cũng là chủ một doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Thanh - Giám đốc Công ty TNHH BF Đà Lạt lại cho rằng, hiện nay tại các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, người dân trồng hoa cát tường rất mạnh vì ở Đà Lạt canh tác khó khăn hơn, hoa thường bị dịch bệnh. Tại các huyện trồng tốt hơn do có một số giống thích hợp xứ nóng và đất mới ít bị nhiễm bệnh.

“Hoa cát tường chỉ trồng mới không trồng lặp lại. Giá bán bình quân 60.000 đồng/kg. Tuy nhiên, do đặc thù nên sản lượng không tăng thêm được, lượng cung cầu hiện nay là cân đối. Vì vậy người sản xuất cần nâng cao chất lượng hoa cát tường để ổn định nguồn cung”, ông Thanh lý giải.

img

Phần lớn hoa tại Đà Lạt được vận chuyển và tiêu thụ tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Văn Long.

Ông Thanh thông tin thêm, vụ mùa năm 2017, từ ngày 20 trở lại hoa cát tường được chốt giá 80.000 – 90.000 đồng/kg nhưng do càng để cận tết thì giá càng lên cao, vì vậy người dân giữ hoa lại đến ngày 25 âm lịch mới đẩy về Sài Gòn tiêu thụ, số lượng hoa lớn, xe chở nhiều khiến nhiều tuyến đường bị ách tắc, dẫn đến dội chợ trong một số thời điểm. 

Tuy nhiên theo nhiều người dân tại Đà Lạt cho biết, các vườn trồng hoa tại địa phương chủ yếu bán tại TP. Hồ Chí Minh và tập trung vào vụ tết. Cũng chính vì lý do này mà tình trạng dồn dập chở hàng về thành phố dẫn tới tắc đường, các xe chở hoa không vào được chợ đầu mối.

Ông Phan Thanh Sang cho biết: “Hiện nay, sản lượng hoa không tăng nhiều so với năm 2018, đến thời điểm hiện tại có khoảng 2.000ha hoa tết được người dân chăm sóc. Chủ yếu các sản phẩm hoa của người dân 85 – 90% được tiêu thụ trong nước và tập trung tại Hồ Chi Minh và Tây Nam Bộ. Số còn lại là được xuất khẩu tại các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore… và một số tỉnh phía Bắc”.

Đại diện cho Hiệp hội hoa Đà Lạt, ông Sang cho rằng để tránh tình trạng hoa dội chợ như các năm trước người dân nên cân đối số lượng hoa trồng, hạn chế tập trung vào lễ tết và nâng cao chất lượng sẽ hạn chế được tình trạng được mùa mất giá. Ngoài ra, người trồng hoa cần xây dựng mối quan hệ sòng phẳng giữa người bán và người mua nên có hợp đồng thỏa thuận để có cơ sở làm việc.

img

Để tránh tình trạng hoa dội chợ, người sản xuất cần cân đối số lượng khi trồng các loại hoa. Ảnh: Văn Long.

Bên cạnh đó, Hiệp hội cần nghiên cứu đưa ra các giải pháp để bình ổn thị trường bằng cách liên kết các nhà sản xuất lớn, ổn định giá dịp lễ tết, có phương thức vận chuyển hoa an toàn, đảm bảo…Không những thế, Hiệp hội cần kết hợp với các sở ban ngành có liên quan tổng kết số liệu về diện tích, sản lượng, chủng loại hoa theo từng quý, từng năm nhằm định hướng sản xuất…

Tuy nhiên điều cốt yếu đối với người nông dân là phải “tự thân vận động”, linh hoạt điều chỉnh tránh việc đợi chờ vào cơ quan chức năng mà cần chủ động đa dạng sản phẩm để hòa nhập với thị trường và giảm thiểu rủi ro.