Dân Việt

Trồng cây giữa lòng đường, ý tưởng từ "đáy giếng"

Nguyễn Quý 16/01/2019 08:50 GMT+7
Nếu ý tưởng trồng cây dưới lòng đường là đột phá, là "có thể nhân rộng cả nước" thì TP Uông Bí không vội vã nhổ bỏ hàng cây sau khi có phản ánh từ dư luận.

Vào sáng 11.1, khi vừa thức dậy, người dân phố Quang Trung, TP.Uông Bí (Quảng Ninh) gặp cảnh hàng cây mới được trồng ngay trên lòng đường trước đó ít hôm, nay đã bị nhổ sạch. Ý tưởng kỳ cục trồng cây dưới lòng đường này được cho là của vị quan đầu thành phố - ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND TP.Uông Bí.

Trước đó, khi trả lời câu hỏi của phóng viên về ý tưởng lạ lùng trồng cây trên lòng đường, một quan chức của thành phố này cho biết, “Nhiều nước trên thế giới họ đã thực hiện việc thu gọn vỉa hè để tạo không gian đỗ ô tô, xe máy. Mặc dù chưa có tiền lệ nhưng chúng tôi vẫn tin rằng việc trồng cây như vậy để tạo không gian đỗ xe là ý tưởng hay, và sau này sẽ nhân rộng trên cả nước”.

img

Hàng trăm cây xanh mới được trồng ở lòng đường Quang Trung bị nhổ vội vã.

Khoan hãy bàn đến việc “nhân rộng” trên cả nước có thuộc thẩm quyền của một quan chức cấp thành phố trực thuộc tỉnh hay không, hãy xem đến việc “ý tưởng” trồng cây trên lòng đường xuất phát từ ai, và từ đâu mà người đó lại có “ý tưởng” lạ lùng đến thế?

Trả lời Dân Việt, ông Đinh Quang Nguyên - Giám đốc Công ty CP xây dựng Đại Việt, đơn vị tư vấn thiết kế dự án chỉnh trang tuyến đường Quang Trung (TP.Uông Bí) cho biết: Công ty được Thành phố Uông Bí mời làm tư vấn thiết kế dự án từ những ngày đầu tháng 3.2018. Để ra thiết kế cuối cùng đã phải có rất nhiều cuộc họp, điều chỉnh của lãnh đạo thành phố và các phòng ban chuyên môn.

img

Trước đó, khi mới trồng cây dưới lòng đường, người dân đã bức xúc không hiểu ý tưởng là của ai?

“Ban đầu lãnh đạo Thành phố Uông Bí chỉ yêu cầu làm thế nào để thiết kế vỉa hè tạo chỗ để xe cho phù hợp, đột phá và tạo cảnh quan. Từ những yêu cầu đó, chúng tôi đã thiết kế sơ bộ từ tháng 3.2018. Đến cuối tháng 7.2018, sau hàng chục cuộc họp, điều chỉnh mới chính thức có bản thiết kế hoàn chỉnh để trình thẩm định Sở Xây dựng. Ý tưởng không của riêng cá nhân nào nhưng người quyết định phê duyệt thiết kế là ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND TP.Uông Bí”, ông Nguyên nói.

Sau khi vấp phải phản ánh dữ dội của dư luận vì cho rằng hàng cây tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông, vào ngày 11.1, hàng trăm cây xanh trên tuyến phố Quang Trung bất ngờ biến mất. Trong khi chỉ trước đó vài ngày, trên trang thông tin điện tử của TP.Uông Bí có bài viết khẳng định: “Không có việc thành phố Uông Bí trồng cây dưới lòng đường gây cản trở giao thông”.

Để dẫn chứng cho việc thiết kế hàng cây trồng dưới lòng đường đã được nhiều quốc gia phát triển áp dụng, bài viết trên trang thông tin điện tử của TP.Uông Bí dẫn một bức ảnh có chụp hàng cây được trồng dưới lòng đường, bên ngoài phạm vi vỉa hè, ghi chú thích là “Một tuyến phố tại Úc thiết kế trồng cây xanh ở vị trí dừng, đỗ xe”.

img

Với một tuyến phố lưu lượng phương tiện tham gian giao thông đông như Quang Trung, thì dự án chỉnh trang có hạng mục trồng cây dưới lòng đường được cho là vô cùng nguy hiểm.

Là người nghiên cứu về môi trường, đô thị tiến sĩ Nguyễn Đức Cảnh, giảng viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TP.Hồ Chí Mình) nêu quan điểm: “Tôi cũng đi nhiều nơi, nhưng chưa thấy ở đâu trồng cây dưới lòng đường như vậy. Với bức ảnh được cho là 1 tuyến phố ở Úc, thì đây là một tuyến phố nhỏ, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông ít. Ngoài ra người ta cũng kẻ vạch ranh giới rõ phần cho người đi bộ, tiếp đến cạnh hàng cây là phần đường dành cho xe đạp, rồi mới đến ô tô. Như vậy mới đảm bảo ATGT và mỹ quan cho tuyến phố”.

Một người dân trên phố Quang Trung, ngao ngán nói: “Có lẽ các ông ấy vẽ trò tiêu tiền, nhưng lại hết ý tưởng để vẽ nên mới nghĩ ra trồng cây trên lòng đường như vậy. Tuyến phố đông nghịt người xe mà lại chình ình hàng cây như thế thì nguy hiểm vô cùng!”.

Nếu cho rằng ý tưởng của mình là khả thi, thì TP.Uông Bí đã không vội vàng nhổ đi hàng cây vừa mới trồng vào đêm 10, sáng 11.1, sau khi gặp phải phản ánh dữ dội từ dư luận. 

Nhưng còn đó những băn khoăn, ngơ ngẩn của người dân bên nhưng hố cây rỗng ngoác: Chi phí cho việc trồng cây và nhổ cây này, ai là người phải gánh chịu? Việc đưa ra những mô hình được cho là từ phương Tây, nhưng lại áp dụng không đúng chỗ liệu có lặp lại ở Uông Bí, hay trong đầu những ông quan ưa “ý tưởng” không?