Dân Việt

Thanh Oai dồn lực để về đích nông thôn mới năm 2020

Mạnh Hùng 16/01/2019 04:30 GMT+7
Hướng tới mục tiêu năm 2020 có 100% xã về đích nông thôn mới (NTM) và huyện cũng đạt huyện NTM, Thanh Oai (Hà Nội) đang nỗ lực cải thiện và đẩy mạnh việc thực hiện các tiêu chí, đặc biệt là đẩy mạnh phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân trên địa bàn.

Được vay vốn, nhiều hộ khấm khá

Với sự quan tâm của lãnh đạo TP, lãnh đạo huyện và các tổ chức tín dụng, thời gian qua huyện Thanh Oai đã tạo điều kiện cho người nghèo ở các xã được vay vốn tín dụng ưu đãi, hỗ trợ đào tạo nghề, nhờ đó nhiều lao động có thêm việc làm, tăng thu nhập và ổn định đời sống.

img

Nhờ trồng cam Canh, nhiều hộ nông dân xã Kim An đã có thu nhập cao. Ảnh: Lê Tâm

Đến nay, toàn huyện Thanh Oai đã có 14/20 xã đạt chuẩn NTM, dự kiến có thêm 3 xã được công nhận về đích năm 2018.

Theo ông Nguyễn Trọng Khiển, trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung các nguồn lực đầu tư cho xây dựng NTM, phát động phong trào toàn dân chung sức xây dựng NTM, giao chỉ tiêu các phòng, ban, ngành, đoàn thể phối hợp cùng các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM nhằm đưa huyện về đích vào năm 2020.

Tại xã Mỹ Hưng, để vươn lên trở thành 1 trong 3 xã đủ điều kiện đạt chuẩn NTM năm 2018 của huyện Thanh Oai, xã không chỉ tạo điều kiện cho các hộ nghèo vay vốn ưu đãi mà còn vận động các tổ chức đoàn thể hỗ trợ giúp đỡ các hộ nghèo phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống.

Năm 2012, toàn xã có 71 hộ nghèo, chiếm tỉ̉ lệ trên 4%, đến cuối năm 2018, sau khi tiến hành tổng điều tra hộ nghèo, cận nghèo thì số hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều của xã chỉ còn 17/1.768 hộ, chiếm 0,96%.

Ông Trịnh Minh Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hưng cho biết, để giúp bà con trong xã nâng cao đời sống, hàng năm xã đều tổ chức phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất, hỗ trợ đào tạo nghề. Trong 8 năm qua, các hộ đã được vay gần 14 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo.

Tương tự, tại xã Kim An, để thực hiện hiệu quả Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020", Ủy ban Mặt trận tổ quốc xã, các ban ngành đoàn thể được phân công trợ giúp người nghèo.

Đặc biệt là chương trình cho vay vốn ưu đãi lãi suất thấp của Ngân hàng Chính sách xã hội được triển khai hàng năm, tạo vốn để người dân phát triển kinh tế. Kết quả từ năm 2011 đến nay, các chương trình tổng dư nợ là 15,4 tỷ đồng, trong đó, vốn vay giải quyết việc làm trên địa bàn đạt 7,4 tỷ đồng, vốn vay nước sạch vệ sinh môi trường 7,5 tỷ đồng, vốn vay xây dựng nhà ở…, với tổng dư nợ 15,4 tỷ đồng.

Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 2-3 lần

Có dịp về thăm Thanh Oai, điều dễ nhận thấy là thời gian đi từ trung tâm Thủ đô về huyện đã được rút ngắn hơn trước rất nhiều. Các tuyến đường trục xã, liên xã và từ trung tâm xã đến huyện đều được cứng hóa, nhân dân đi lại thuận tiện.

Chia sẻ về kết quả đạt được trong thời gian qua, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển cho hay: “Những năm gần đây, cơ cấu kinh tế huyện chuyển dịch theo hướng tích cực: Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 12%; công nghiệp - xây dựng 55,2%; thương mại, dịch vụ 32,8%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 ước đạt 40,8 triệu đồng”.

Nhờ xây dựng NTM, ý thức và trách nhiệm làm chủ của người dân từng bước được nâng lên. Đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi được hơn 1.260ha trồng lúa kém hiệu quả sang các mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, như 700ha nuôi trồng thủy sản, 110ha rau màu, 394ha trồng cây ăn quả, 7ha trang trại tổng hợp…, đưa giá trị sản xuất nông nghiệp tăng gấp từ 2-3 lần so với trước đây.

Tiêu biểu, trên địa bàn huyện đã hình thành một số mô hình liên kết ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, như mô hình cây ăn quả áp dụng VietGAP tại xã Kim An; chuỗi trứng vịt Liên Châu; chuỗi thực phẩm an toàn A-Z với quy mô 4.000 con lợn được chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh…