Thiệt hại vì chất lượng
Khi thảo quả bắt đầu được thương lái Trung Quốc đặt hàng và mua với giá cao, nông dân thường tự vận chuyển loại nông sản này bằng thuyền nhỏ qua sông Hồng phân chia ranh giới giữa 2 nước Việt - Trung. Một số người có khả năng kinh tế đã đứng ra thu mua thảo quả của bà con tại các xã.
Thảo quả chất đống trong kho của bà Lan. |
Những người này sau khi gom hàng liền bán lại cho các chủ thu mua lớn ở TP.Lào Cai để họ xuất khẩu sang Trung Quốc. Chỉ các xã vùng sâu, vùng xa, đường sá đi lại khó khăn thì bà con mới trực tiếp bán cho thương lái nước bạn. Mọi năm, giá của mặt hàng này rất cao, có năm lên tới 200.000 đồng/kg. Thế nhưng năm 2011, bỗng dưng đại lý thu mua của Trung Quốc chỉ đưa ra mức giá cao nhất là 110.000 đồng/kg.
Bà Phan Thị Lan - Chủ tịch Hội Thảo quả tỉnh Lào Cai cho biết: "Ở TP.Lào Cai có 7 thương gia lớn chuyên thu mua thảo quả để xuất khẩu sang Trung Quốc. Đây là một mặt hàng có giá trị kinh tế nên cũng đem lại được nguồn thu tương đối lớn cho bà con nông dân và tư thương. Năm 2010, các đối tác Trung Quốc trả đến 198.000 đồng/kg. Thế nhưng hiện giờ họ chỉ trả 110.000 đồng/kg. Với mức giá này thì tư thương chỉ bán chênh giá được 1.000 đồng/kg, lãi 200 đồng/kg”.
Theo bà Lan, việc hạ giá đột ngột này là do chất lượng thảo quả của bà con mình trồng năm 2010 quá kém. Thấy chủ buôn nước bạn trả giá cao là ngay lập tức vào rừng thu hoạch quả non mà không chờ đến thời điểm quả chín. Hơn nữa, khi thảo quả cho thu nhập cao thì bắt đầu xuất hiện hiện tượng hái trộm sản phẩm của nhau nên bà con thu hoạch sớm cho đỡ mất. Thêm vào đó, quá trình sấy quả, đóng gói không đảm bảo, ẩm thấp nên chất lượng quả giảm đi nhiều".
Gỡ khó cho nông dân, Hội Thảo quả Lào Cai đã phối hợp với UBND tỉnh sang Ấn Độ chào hàng nhưng vẫn chưa ký được hợp đồng nào nên vẫn phải bán qua Trung Quốc.
Bỗng dưng... đánh thuế
Khi tôi đến thăm kho thảo quả lớn nhất tỉnh của bà Lan thì thấy bà đang soạn thảo một lá đơn gửi UBND tỉnh Lào Cai đề nghị xem xét lại việc đánh thuế tài nguyên vào sản phẩm thảo quả của nông dân và xin được hướng dẫn thủ tục pháp lý để thu mua, xuất khẩu thảo quả sang Trung Quốc.
Bà Lan bức xúc: "Ngày 2.12.2011 vừa qua là lần đầu tiên trong 20 năm tôi buôn bán thảo quả bị cảnh sát kinh tế bắt 1 xe hàng 24 tấn khi yêu cầu chúng tôi phải có giấy chứng minh nguồn gốc thảo quả. Từ trước đến nay, chúng tôi vẫn thu mua thảo quả của bà con dân tộc thiểu số mà có giấy tờ gì đâu.
Bà Nguyễn Thị Dung
Với sự hiểu biết hạn chế, có khi vừa bán cho tôi xong, có cán bộ đến hỏi lại tưởng làm gì phạm pháp nên bà con chối biến. Hiện tại chúng tôi phải làm động tác xin chữ ký hoặc điểm chỉ của người nông dân rồi ra xã sở tại lấy dấu xác nhận nhưng thấy bảo vẫn chưa đúng với yêu cầu của bên cơ quan chức năng".
Bà Lan cho biết thêm: "Tư thương chúng tôi vẫn xuất hàng qua cửa khẩu Lào Cai với thủ tục rất đơn giản và cuối năm còn được hồi thuế 200.000 đồng/tạ. Thế nhưng bây giờ lại bị đánh 10% thuế tài nguyên vào sản phẩm. Tức là bà con nông dân sẽ mất vài triệu đồng/ha thảo quả. Thế nhưng theo tôi áp thuế tài nguyên vào sản phẩm thảo quả là không chính xác. Ai cũng biết thảo quả không phải mọc tự nhiên trong rừng mà do người nông dân trồng trọt, thu hoạch, sấy khô, đóng gói. Vì vậy cũng phải được miễn thuế như các loại nông sản khác.
Rất tâm huyết với thảo quả, bà Nguyễn Thị Dung - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lào Cai - hy vọng: "Tôi mong rằng với sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật, thảo quả Lào Cai sẽ không chỉ xuất khẩu sản phẩm thô mà còn xuất khẩu dưới dạng tinh dầu để đem lại nguồn thu lớn hơn cho người nông dân”.
Nguyễn Thắng