Dân Việt

"Chống gậy" cho vườn quả vàng đặc sản, "mỏi" tay thu tiền dịp Tết

Chang Liễu 17/01/2019 13:20 GMT+7
Càng vào những ngày cận kề Tết nguyên đán 2019, anh Nông Văn Lâm, thôn Đồng Ngầu, xã Cai Kinh, huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) lại càng tất bật với công việc cắt hái cam tại vườn bán cho các thương lái đi tiêu thụ trong dịp Tết. Nhờ vườn cam này, mỗi năm anh Lâm thu 300-400 triệu đồng.

Vào vườn cam đường Canh của anh Nông Văn Lâm, nhiều người không khỏi choáng ngợp trước hình ảnh cam sai trĩu rủ xuống đất, sáng đỏ cả một vùng đồi. 

img

Vườn cam canh sai trĩu quả rủ xuống đất của gia đình anh Lâm.

Sinh ra trong một gia đình thuần nông, anh Lâm luôn hiểu nỗi vất vả của công việc đồng áng, ruộng vườn nên sau khi lập gia đình anh luôn muốn tìm hướng đi mới cho bản thân.

“Năm 2012, trong một lần tình cờ qua nhà bạn ở huyện Lục Ngạn (Chũ) tỉnh Bắc Giang chơi thì thấy người dân ở tỉnh bạn có nhà cao cửa rộng, đời sống khấm khá. Hỏi ra mới biết các hộ dân đều đang phát triển cây cam đường Canh cho hiệu quả kinh tế cao. Sau đó về tôi có mày mò nghiên cứu, tìm hiểu kỹ thuật và hỏi han những người có kinh nghiệm về giống cây ăn quả mới này," Anh Lâm nói.

img

Anh Lâm phải "chống gậy" cho cây vì quả căng mọng, sai trĩu cành.

Anh Lâm cho biết, trước kia bãi đồi dốc sau nhà là cây dại và cây bạch đàn thì giờ đây hàng nghìn gốc cam đường Canh chín vàng, đỏ rực phủ kín khu đồi. “Tôi bàn với vợ con, đánh liều phá hết khu đồi bạch đàn để trồng thử 2.000 gốc cam đường canh và hơn 200 gốc cam vinh. Thiên hạ có câu: Có chí làm quan, có gan làm giàu, giờ mình không phải là giàu nhưng cuộc sống cũng khấm khá hơn là vì “bí quá làm liều”, anh Lâm cười đùa.

Là người đầu tiên đưa giống cam Canh về trồng tại địa phương nên mới đầu bao giờ cũng đầy gian nan và khó khăn. Do chưa có kinh nghiệm trồng và chăm sóc nên cây chậm lớn, hay bị bệnh vàng lá và thối rễ. “Thời gian đó nhìn vườn cây bị hỏng bởi sâu, bệnh nhìn xót lắm, bao nhiêu công sức, tiền bạc đổ hết vào đấy. Nhưng làm rồi rút kinh nghiệm dần dần, từ đó tôi mới có vườn cam Canh như bây giờ," anh Lâm cho hay

img

Để cam ngon, vàng đẹp mắt, phục vụ khách hàng vào dịp Tết Nguyên đán, khâu chăm sóc rất quan trọng.

Sau khi đi học hỏi kinh nghiệm của các chủ vườn đã trồng, chăm sóc thành công cây cam Canh trên đất đồi Lục Ngạn (Bắc Giang), qua các lớp tập huấn kết hợp với việc đúc rút kinh nghiệm trong quá trình chăm sóc, anh Lâm đã làm chủ được kỹ thuật chăm sóc cây cam đường Canh ở trên đất đồi. Anh sử dụng kỹ thuật khoanh gốc, bón phân hợp lý đã giúp cho cam đơm hoa, kết trái sai trĩu cành. Không những vậy, mẫu mã và chất lượng quả cam khi được trồng chăm sóc tốt trên đất đồi lại cho vị ngọt và thơm ngon hơn so với ở miền xuôi.

Theo kinh nghiệm nhiều năm trồng cam Canh của anh Lâm, đây là loại cây ăn quả khó tính nên người trồng phải chăm sóc rất tỉ mỉ, cần phải áp dụng quy trình chăm sóc nghiêm ngặt. Trước khi trồng phải đào hố rộng rồi bón thúc phân chuồng, phân hữu cơ... Khâu quan trọng nhất để cây cam Canh ra được hoa, kết trái nhiều, người trồng phải nắm bắt, theo dõi chặt chẽ dự báo thời tiết.

img

Những trái cam chín mọng, màu vàng cam thơm ngon luôn được thương lái trong tỉnh và các tỉnh như Hà Nội, Bắc Ninh... lựa chọn

Anh Lâm chia sẻ: “Sau mỗi vụ thu hoạch quả vào dịp Tết, tôi phải cắt tỉa cành khô đi, để lại những cành khỏe mạnh để năm sau cây cho quả tiếp và tiếp tục bón phân thúc phân phân hữu cơ, tạo điều kiện cho cây bù đắp lại chất dinh dưỡng sau một thời gian dài nuôi quả”.

Hiện tại khu đồi hơn 2ha của gia đình anh Lâm đang có hơn 1.500 gốc cam Canh đang cho thu hoạch và hơn 200 gốc cam Vinh. Cây nào cây nấy đều sai trĩu quả, anh phải chống gậy cho cây cam Canh chứ không thì gãy cành. Nhiều người "trót lạc" vào vườn cam Canh của anh Lâm là chẳng muốn ra. Ngoài ra, gia đình anh còn phát triển vài trăm gốc na trồng trên núi đá đem lại thu nhập đáng kể.

img

Dự kiến gia đình anh Lâm sẽ thu hơn 10 tấn cam đường canh trong vụ này.

Do điều kiện thời tiết của từng năm nên sản lượng cam mỗi năm không giống nhau. Đỉnh điểm, có năm vườn cam cho sản lượng 20 tấn, thu về 400 - 500 triệu đồng/năm. 

Hiện tại, cam Vinh gia đình anh Lâm đã thu hoạch xong và được 3-4 tấn quả. Còn cam Canh đang cho thu hoạch, hằng ngày phải thuê gần 10 nhân công cắt hái cho kịp xe của thương lái. Từ khi chuyển sang trồng cam Canh, cam Vinh, đến giờ cuộc sống kinh tế gia đình anh đã dư giả và có của ăn của để. Hiện tại 1kg cam Canh, anh Lâm bán tại vườn với giá đổ xô dao động từ 25.000- 30.000đồng/kg, ước tính sẽ mang lại vài trăm triệu đồng.